Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

Về Luật Quốc tịch

LẠM BÀN VỀ MỘT SỐ ĐIỂM HẠN CHẾ
TRONG LUẬT QUỐC TỊCH VIỆT NAM - 1998
Thạc sỹ Lê Quang Thành
Đại học CSND
Quốc tịch là mối quan hệ chính trị và pháp lý gắn kết một cá nhân với một nhà nước có chủ quyền nhất định. Nó là cơ sở pháp lý đầu tiên để xác định một cá nhân là công dân của một nước và trên cơ sở đó làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ qua lại giữa Nhà nước và công dân. Việc xác định quốc tịch của một cá nhân là vô cùng quan trọng, bởi vì chỉ trên cơ sở quốc tịch, cá nhân mới được thụ hưởng những quyền và lợi ích mà Nhà nước dành cho công dân của mình. Ngược lại, về phía nhà nước, việc xác định quốc tịch cho công dân để bảo hộ quyền và lợi ích của họ cũng có ý nghĩa như vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Một trong những nội dung quan trọng của các văn bản pháp luật về quốc tịch và trong Luật quốc tịch Việt Nam, số 07/1998/QH10 ngày 20/5/1998 là qui định các căn cứ để xác định một người có thể có quốc tịch Việt Nam. Việc qui định về quốc tịch Việt Nam là để đề cao vinh dự và ý thức trách nhiệm của công dân Việt Nam trong việc hưởng quyền và làm nghĩa vụ công dân, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam, tăng cường sự gắn bó giữa nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mọi người Việt Nam, dù cư trú ở trong hay ngoài nước, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Vấn đề xác định quốc tịch của một cá nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, không chỉ đối với bản thân cá nhân đó mà còn đối với nhà nước.
Mặc dầu vậy, vấn đề quốc tịch nói chung vốn rất phức tạp, không thể nói hết trong một bài báo được. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến một số điểm tạm gọi là “hạn chế” trong Luật quốc tịch Việt Nam, số 07/1998/QH10 ngày 20/5/1998. Những điểm hạn chế được nói ở đây là những điểm không phù hợp với các điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và học lý liên quan đến vấn đề quốc tịch thường được công nhận. Chính những điểm hạn chế này đã gây ra những xung đột pháp luật về việc xác định quốc tịch của nhiều kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, gây khó khăn cho những người Việt Nam có hai quốc tịch. Bên cạnh đó, những điểm hạn chế đó đã gây ra những khó khăn cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong hoạt động quản lý nhà nước về dân cư.
Tuy nhiên, trước khi trình bày về những điểm hạn chế này, chúng tôi thấy cần phải xác định hai điểm sau đây:
– Thứ nhất, chúng tôi chỉ trình bày những nguyên tắc tổng quát dựa theo tư pháp quốc tế, luật so sánh và Luật Quốc tịch số 07/1998/QH10 ngày 20/5/1998. Khi áp dụng, có những điểm chưa hợp lý, cần tham khảo án lệ, tập quán quốc tế riêng cho mỗi trường hợp.
– Thứ hai, chúng tôi không trình bày theo hướng “Luật của chúng ta tốt, xấu, hay dở…v.v...”. Chúng tôi chỉ trình bày dựa trên những nguyên tắc và những tiêu chuẩn khách quan để tìm một giải pháp hợp lý và công bằng cho vấn đề được đặt ra.
Trước khi trình bày về những điểm tạm gọi là “hạn chế” trong Luật quốc tịch Việt Nam, chúng tôi xin đề cập sơ lược về một số nguyên tắc và tiêu chuẩn căn bản của Luật quốc tịch được các Điều ước quốc tế và tập quán quốc tế công nhận. Phải nắm vững những nguyên tắc căn bản này, chúng ta mới nhận ra được những điểm hạn chế trong Luật quốc tịch Việt Nam 1998.
1. Quyền có quốc tịch và quyền từ bỏ quốc tịch.
Theo quy định tại Điều 15 của bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 thì: “Ai cũng có quyền có quốc tịch. Không ai bị tước quốc tịch một cách vô cớ và bị từ chối quyền được đổi quốc tịch”.
Chương I - Công Ước Hague ngày 12/4/1930 về “Một số vấn đề liên quan đến sự tranh chấp về Luật quốc tịch” (Convention on Certain Questions relating to the Conflict of Nationality Laws), đã đưa ra một số nguyên tắc tổng quát về Luật quốc tịch như sau: Điều 3 quy định rằng (1)“theo các điều khoản của Công ước này, một người có hai hay nhiều quốc tịch có thể được mỗi quốc gia mà đương sự đã thụ đắc quốc tịch thừa nhận quốc tịch của đương sự”. Theo Điều 4 “một quốc gia không thể dùng quyền bảo vệ ngoại giao đối với một trong những quốc tịch của một người để chống lại quốc gia mà người đó cũng đã thụ đắc quốc tịch”. Theo Điều 5 “đối với quốc gia thứ ba, một người có hơn một quốc tịch sẽ được được đối xử như người có một quốc tịch, đó là quốc tịch của quốc gia mà đương sự có trụ sở chính và thường trú ở đó, hay quốc tịch quốc gia mà trong thực tế đương sự gần như có quan hệ chặt chẽ nhất”. Theo Điều 6 “một người thụ đắc hai quốc tịch ngoài ý muốn, có thể xin từ bỏ một quốc tịch mà mình không muốn nơi nhà chức trách của quốc gia mà mình muốn từ bỏ quốc tịch đó”… và “trong trường hợp một người có trụ sở thường xuyên và chính thức ở ngoại quốc, Chính phủ không được từ chối quốc tịch của người đó nếu việc từ bỏ quốc tịch theo luật của quốc gia kia đã được thỏa mãn”…
Công ước của Liên hiệp quốc ngày 30/8/1961 về việc giảm bớt tình trạng vô quốc tịch (Convention on the Reduction of Statelessness) dự liệu rằng(2) “các quốc gia kết ước sẽ ban quốc tịch của nước mình cho những người sinh ra trên lãnh thổ của nước đó nhưng vì một lý do nào đó bị coi là vô quốc tịch”.
Dựa vào những những quy định nói trên, chúng ta có thể tóm lược các nguyên tắc tổng quát về quyền có quốc tịch và quyền từ bỏ quốc tịch của mỗi người như sau:
- Mọi người đều có quyền có quốc tịch và quyền thay đổi quốc tịch, không ai có quyền tước bỏ hai quyền đó.
- Mỗi người có thể có hai hay nhiều quốc tịch và một quốc gia không được dùng quyền bảo vệ ngoại giao để ngăn cản điều này.
- Một người thụ đắc hai quốc tịch có thể xin từ bỏ một quốc tịch mà mình không muốn.
- Mặc dù mỗi người có quyền có nhiều quốc tịch, nhưng quốc gia thứ ba (tức quốc gia mà người đó không có liên hệ về quốc tịch), chỉ công nhận một quốc tịch duy nhất mà thôi, đó là quốc tịch của quốc gia nơi cá nhân có trụ sở chính và thường xuyên hay quốc tịch của quốc gia mà cá nhân trong thực tế có quan hệ chặt chẽ nhất.
- Một người có hai quốc tịch, khi đã từ bỏ một quốc tịch hợp lệ, quốc tịch còn lại phải được quốc gia mà người đó muốn có quốc tịch nhìn nhận, cho dù người đó đang có trụ sở chính và thường xuyên tại quốc gia mà người này đã từ bỏ quốc tịch.
2. Quyền ấn định quốc tịch
Mỗi quốc gia đều có quyền ấn định định chế quốc tịch của riêng quốc gia mình, nhưng không phải muốn ấn định thế nào cũng được. Điều 1 - Công Ước Hague 1930 nói rằng (3) “mỗi quốc gia ấn định bằng luật pháp của riêng quốc gia mình ai có quốc tịch của quốc gia đó”. Luật pháp đó sẽ được các quốc gia khác công nhận trong “giới hạn nó phù hợp với các công ước quốc tế, các tục lệ quốc tế và các nguyên tắc của luật pháp liên quan đến quốc tịch thường được công nhận” (generally recognised).
Chúng ta đã biết rằng, những tiêu chuẩn mà mỗi quốc gia có thể dựa vào đó để ấn định quốc tịch là: hoặc căn cứ vào yếu tố nơi sinh (jus soli), hoặc căn cứ vào yếu tố huyết thống (jus sanguinis), hoặc căn cứ vào cả hai yếu tố đó. Ví dụ: Theo quy định tại khoản 1 – Điều 15 và các quy định tại Điều 16, 17, 18 - Luật quốc tịch Việt Nam 1998…
Có quốc gia còn cho thụ đắc quốc tịch do hôn nhân (national by marriage) như Italia, Thái Lan... Ngoài ra, luật lệ của hầu hết các quốc gia đều dự liệu các trường hợp cho nhập quốc tịch có điều kiện. Đây là các yếu tố thường được hầu hết các quốc gia dựa vào đó để ấn định chế độ về quốc tịch của riêng quốc gia mình. Tuy nhiên, về thủ tục để thụ hưởng hay từ bỏ quốc tịch, các quốc gia thường ấn định khác nhau, có quốc gia đưa ra những thủ tục rất đơn giản, nhưng cũng có quốc gia quy định những thủ tục rất chặt chẽ.
Vì thế, trong tài liệu hướng dẫn về việc thi hành Công ước Hague 1930, ở phần“Thẩm Quyền của Quốc gia và quyền công dân” (State Authority and Citizenship), Tổ chức quốc tế về di dân (International Organization for Migration, viết tắt là IOM) đã lưu ý các quốc gia như sau(4): “Quốc gia có quyền tối thượng (sovereign right) trong việc ấn định các thủ tục và điều kiện thụ đắc quyền công dân. Tuy nhiên, quyền công dân là một nhân quyền căn bản được bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền bảo đảm và nó là một căn bản cho việc thực thi nhiều quyền khác. Vì thế, một vài tiêu chuẩn tối thiểu và tiến trình thích đáng phải được quan tâm (certain minimum standards and due process should be observed).
3. Hạn chế trong Luật quốc tịch Việt Nam.
Luật quốc tịch Việt Nam số 07/1998/QH10 ngày 20/5/1998 có một số quy định không phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn được luật quốc tế công nhận, trong đó có hai điểm không phù hợp theo chúng tôi là rất quan trọng.
Thứ nhất: Luật quốc tịch Việt Nam không thừa nhận người có hai quốc tịch hay nhiều quốc tịch (song tịch hay đa tịch).
Điều 3 - Công ước Hague 1930 quy định rằng “một người có hai hay nhiều quốc tịch có thể được mỗi quốc gia mà đương sự đã thụ đắc quốc tịch thừa nhận quốc tịch của đương sự”. Dựa vào điều luật này, nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận quyền có hai hay nhiều quốc tịch. Vào năm 2000, người ta ước lượng có khoảng từ 4 đến 5 triệu dân Úc có hai quốc tịch, tức khoảng 25% dân số. Hiện nay, có 69 quốc gia trên thế giới công nhận chế độ “song tịch” hay “đa tịch”. Có một số quốc gia như Đức hay Singapore chẳng hạn, chỉ công nhận chế độ song tịch cho một số trường hợp giới hạn. Mặc dầu vậy, ở Đức hiện nay có khoảng hơn 1 triệu người song tịch (5).
Luật quốc tịch Việt Nam 1998 không thừa nhận chế độ song tịch. Luật quốc tịch Việt Nam quy định rằng tất cả những người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài sau đây vẫn được coi là có quốc tịch Việt Nam, cụ thể như sau:
1. Đã nhập một quốc tịch khác nhưng chưa được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho thôi quốc tịch Việt Nam hay tước quốc tịch Việt Nam (điều 23, 24 và 32).
2. Trẻ em khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam (vì chưa được thôi quốc tịch Việt Nam) thì có quốc tịch Việt Nam, không kể đứa trẻ đó sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam. Trẻ em khi sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, còn người kia là người không quốc tịch, hoặc có mẹ là công dân Việt Nam, còn cha không rõ là ai, thì có quốc tịch Việt Nam, không kể trẻ em đó sinh trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (điều 16 và 17). Khi quy định như vậy, Luật Quốc tịch Việt Nam không thừa nhận quốc tịch thứ hai mà người Việt có thể thụ đắc được cho đến khi được phép từ bỏ hay bị tước quốc tịch Việt Nam.
Nghị định số 37-HĐBT ngày 5/2/1990 còn quy định rất rõ(6):“Những công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch khác... khi ở Việt Nam được đối xử như mọi công dân Việt Nam”. Tuy nhiên, trong thực tế, các cơ quan công quyền của Việt Nam đã thi hành không đúng theo các văn kiện luật pháp đã được ban hành mà hành động một cách tương đối tùy tiện, chẳng hạn như:
Nghị định số 37-HĐBT quy định “…những công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch khác... khi ở Việt Nam được đối xử như mọi công dân Việt Nam”. Nhưng trong thực tế vẫn bị đối xử như ngoại kiều, ví dụ như: Phải xin cấp thị thực, nhập cảnh, khai báo tạm trú, đóng lệ phí tạm trú,..v.v..Về việc sở hữu bất động sản, Luật Việt Nam có những quy định rất chặt chẽ và chỉ cho phép những người sau đây được hưởng quyền sở hữu:
- Người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam;
- Người có công đóng góp với đất nước;
- Nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam; và người có nhu cầu về sống ổn định tại Việt Nam.
Thứ hai: Luật quốc tịch Việt Nam quy định về thủ tục từ bỏ quốc tịch không phù hợp.
Điều 6 của Công Ước Hague 1930 nói rằng “một người thụ đắc hai quốc tịch ngoài ý muốn, có thể xin từ bỏ một quốc tịch mà mình không muốn nơi nhà chức trách của quốc gia mà mình muốn từ bỏ quốc tịch đó”. Theo quy định tại Điều 15 - Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền 1948 thì “Không ai bị tước quốc tịch một cách vô cớ và bị từ chối quyền được đổi quốc tịch”.
Tổ chức quốc tế về di dân (International Organization for Migration, viết tắt là IOM) đã khuyến cáo rằng việc quy định về quốc tịch phải quan tâm đến “một vài tiêu chuẩn tối thiểu và tiến trình thích đáng”. Tiến trình thích đáng (due process) nói ở đây là phải hợp lý và công bằng. Tuy vậy khi ban hành Nghị định số 104 /1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam, các tiêu chuẩn nói trên đã hầu như không được đề cập. Nghị định ngày số 104 /1998/NĐ-CP ngày 31/12/1998 đã ấn định thủ tục thôi quốc tịch (từ điều 20 đến 24) không khác gì thủ tục xin nhập quốc tịch trước đó. Cụ thể như sau:
Về hồ sơ xin thôi quốc tịch.
Điều 20 - Luật quốc tịch Việt Nam 1998, quy định rằng phải làm đơn theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định, kèm theo các giấy tờ chính sau đây (9):
- Bản khai lý lịch theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định;
- Bản sao giấy tờ tùy thân, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác chứng minh đương sự đang có quốc tịch nước ngoài (đối với người đang có quốc tịch nước ngoài); Giấy xác nhận hoặc bảo đảm về việc người đó sẽ được nhập quốc tịch nước ngoài (đối với người đang xin nhập quốc tịch nước ngoài), trừ trường hợp pháp luật nước đó không quy định về việc cấp giấy này;
- Giấy xác nhận không nợ thuế đối với Nhà nước do Cục thuế, nơi đương sự thường trú, cấp;
- Đối với người trước đây là cán bộ, công chức hoặc phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân đã về hưu, thôi việc, nghỉ công tác hoặc giải ngũ chưa quá 05 năm, thì còn phải nộp giấy của cơ quan đã quyết định hưu trí, thôi việc, nghỉ công tác hoặc giải ngũ, xác nhận việc thôi quốc tịch Việt Nam của người đó không phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam;
- Phiếu xác nhận lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nơi đương sự thường trú, cấp;
- Giấy xác nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo, nơi đương sự thường trú, về việc đã bồi hoàn chi phí đào tạo cho Nhà nước, nếu đương sự đã được đào tạo trung học chuyên nghiệp, đại học hoặc sau đại học bằng kinh phí của Nhà nước, kể cả kinh phí do nước ngoài tài trợ.
2. Kèm theo đơn xin thôi quốc tịch của công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài phải có các giấy tờ quy định tại các điểm a, b và e khoản 1 Điều này. Trường hợp này, giấy tờ quy định tại điểm e, khoản 1 Điều này do Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam phụ trách địa bàn, nơi đương sự thường trú, cấp.
3. Đơn xin thôi quốc tịch và các giấy tờ kèm theo của công dân Việt Nam thường trú ở trong nước phải được lập thành 04 bộ hồ sơ; thường trú ở nước ngoài phải đựơc lập thành 03 bộ hồ sơ.
Về thủ tục cứu xét.
Thủ tục này được quy định với tinh thần như sau: Nếu đương sự ở trong nước, phải nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tại đây, Sở Tư pháp niêm yết tại trụ sở; đồng thời, cho đăng báo địa phương trong 03 số liên tục về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam của đương sự. Sở Tư pháp phải thẩm tra hồ sơ, đối chiếu lời khai, chứng nhận và giấy tờ của đương sự với các điều kiện thôi quốc tịch Việt Nam.
Trong trường hợp xét thấy cần thẩm tra hoặc nhận được khiếu nại về các điều kiện thực tế của người xin thôi quốc tịch Việt Nam (như về việc nợ thuế hoặc nghĩa vụ tài sản đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam…), Sở Tư pháp phối hợp với các cơ quan chuyên môn thực hiện. Công an cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn khác phải tiến hành thẩm tra theo chức năng chuyên ngành và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp. Tiếp theo, Sở Tư pháp dự thảo văn bản, trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, kết luận và ký văn bản đề nghị Bộ Tư pháp.
Nếu đương sự ở nước ngoài: Cơ quan ngoại giao, lãnh sự Việt Nam nhận hồ sơ, niêm yết tại trụ sở; xem xét, thẩm tra hồ sơ, đối chiếu lời khai, chứng nhận và giấy tờ của đương sự và có văn bản kết luận, đề nghị việc giải quyết hồ sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam và gửi Bộ Ngoại giao để chuyển cho Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ và nếu xét thấy hồ sơ đã hoàn tất, đương sự là người có đủ điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật, thì có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được ủy quyền ký Tờ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Nghiên cứu những quy định của Luật quốc tịch 1998 về các hồ sơ cần phải nộp khi xin thôi quốc tịch Việt Nam, chúng ta cũng có thể nhận thấy những điểm hạn chế như sau:
1. Về “Bản khai lý lịch theo mẫu do Bộ Tư pháp quy định” và “Phiếu xác nhận lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, nơi đương sự thường trú, cấp” (điểm a và điểm đ – Điều 20 Luật quốc tịch 1998).
Hai văn kiện này chỉ cần thiết khi đương sự xin nhập tịch, vì Chính phủ cần biết người xin nhập quốc tịch có phải là người lương thiện hay không, và nếu cho nhập quốc tịch có nguy hại cho quốc gia hay không. Còn nếu đương sự xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam, thì đòi hỏi những giấy tờ đó có thực sự cần thiết hay không? Chúng tôi thiết nghĩ là không cần.
2. Về “Giấy xác nhận không nợ thuế đối với Nhà nước…” (điểm c – Điều 20 Luật quốc tịch 1998).
Theo chúng tôi, giấy này chỉ cần thiết khi cá nhân rời quốc gia hay bán tài sản mà thôi. Giấy này không ảnh hưởng gì đến quốc tịch của cá nhân. Dù cá nhân này có quốc tịch Việt Nam hay không, vẫn có thể truy thu số thuế mà họ còn thiếu.
3. Về “Giấy xác nhận hoặc bảo đảm về việc người đó sẽ được nhập quốc tịch nước ngoài…” (điểm b – Điều 20 Luật quốc tịch 1998).
Đây là một sự đòi hỏi để tránh cho người xin từ bỏ quốc tịch Việt Nam khỏi lâm vào tình trạng vô quốc tịch khi chưa thụ hưởng quốc tịch mới. Về vấn đề này Luật quốc tịch Ba Lan (Citizenship Act of February 15, 1962) dự liệu dễ dàng hơn theo tinh thần cứ cấp giấy phép cho thôi quốc tịch, nhưng ghi rõ rằng giấy này chỉ có hiệu lực khi nào cá nhân đã có một quốc tịch khác(10). Nếu Luật quốc tịch Việt Nam 1998 quy định tương tự như vậy thì chúng tôi nghĩ rằng sẽ dễ dàng hơn cho những người không còn muốn là một công dân Việt Nam.
Những thủ tục kiểm tra mà Nghị định số 104 /1998/NĐ-CP, ngày 31/12/1998 đã đưa ra cũng không cần thiết đối với một người xin thôi quốc tịch. So sánh thủ tục xin từ bỏ quốc tịch của Việt Nam với một số quốc gia trên thế giới, chúng ta sẽ thấy các quy định về trình tự, thủ tục xin thôi quốc tịch của Luật quốc tịch Việt Nam 1998 đang áp dụng tại Việt Nam là không phù hợp với các Điều ước quốc tế, tập quán quốc tế và xu thế chung của cộng đồng quốc tế.
Theo báo cáo tình hình thực hiện Luật quốc tịch 1998. Trong 9 năm thực hiện Luật Quốc tịch năm 1998, Việt Nam đã giải quyết hơn 61.000 trường hợp thôi quốc tịch Việt Nam, 231 trường hợp nhập quốc tịch Việt Nam, 51 trường hợp trở lại quốc tịch Việt Nam. Hồ sơ phải chuyển qua nhiều khâu: thụ lý, xác minh, chuyển đến Bộ Ngoại giao, chuyển đến Bộ Tư pháp, trình Văn phòng Chủ tịch nước. Tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hồ sơ được tập hợp và gom lại theo từng đợt mới được chuyển về nước nên nhiều khi chậm trễ, thời gian giải quyết bị kéo dài, thậm chí có trường hợp bị thất lạc.
Như vậy, chính vì những thủ tục không phù hợp đã gây ra rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam khi giải quyết các vấn đề về cho nhập, thôi quốc tịch Việt Nam.
Có nhiều ý kiến của các chuyên gia đề xuất cần xây dựng một cơ chế để Chủ tịch nước ủy quyền cho Chính phủ thực hiện việc cho thôi, nhập, tước quốc tịch Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền của Chính phủ để ký quyết định hoặc quyết định việc cho thôi quốc tịch. Riêng thẩm quyền quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể quy định cho Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Để có cái nhìn tổng quát hơn về nhận định này, chúng ta cùng nghiên cứu quy định của Luật quốc tịch của một số quốc gia về thủ tục xin thôi quốc tịch.
Thủ tục tại Hoa Kỳ
Thủ tục xin từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ (renunciation of U.S. citizenship) được quy định ở Tiết 349(a)(5) của Luật Di trú và Quốc tịch (Immigration and Nationality Act). Thủ tục này khá đơn giản: Nếu công dân Mỹ ở nước ngoài, tự mình đến trước một viên chức lãnh sự hay ngoại giao của Hoa Kỳ, ký tên vào một lời tuyên thệ xin từ bỏ quốc tịch Mỹ trước sự hiện diện của các viên chức này. Pháp luật Hoa Kỳ không cho phép từ bỏ quốc tịch bằng thư. Khi đến, đương sự chỉ cần xuất trình Passport, chứng thư nhập quốc tịch (nếu đã xin nhập tịch) và bằng chứng đang có quốc tịch nước ngoài (11).
Thủ tục tại Úc
Luật quốc tịch Úc (Australian Citizenship Act và các văn kiện sửa đổi) cho phép những người trên 18 tuổi muốn tử bỏ quốc tịch Úc được điền Form 128 gọi là “Declaration of renounciation of Australian Citizenship” để xin từ bỏ quốc tịch Úc và gởi cho Bộ Di trú và đa văn hóa sự vụ hay cơ quan đại diện của cơ quan này ở ngoại quốc. Vì Úc có ký kết Công ước Liên hiệp quốc ngày 30.8.1961 về việc giảm bớt tình trạng vô quốc tịch (đã nói trên) nên chính phủ Úc chỉ cho phép từ bỏ quốc tịch Úc khi nào đương sự chứng minh rằng đã có quốc tịch khác (12).
Thủ tục tại Thái Lan
Luật quốc tịch Thái Lan (Thailand’s Nationality Act B.E. 2508 và các văn kiện sửa đổi) quy định rằng người phụ nữ có quốc tịch Thái Lan sẽ được thủ đắc quốc tịch của chồng khi kết hôn, nếu muốn từ bỏ quốc tịch Thái Lan, chỉ cần khai trước viên chức có thẩm quyền ý muốn của mình theo mẫu và thể thức đã được ấn định. Những người đã thủ đắc quốc tịch Thái Lan bằng cách nhập quốc tịch, nếu muốn từ bỏ quốc tịch Thái Lan, chỉ cần nộp đơn cho viên chức có thẩm quyền theo mẫu và theo thể thức đã được Pháp luật Thái Lan ấn định (13).
Thủ tục tại Nhật Bản
Điều 13 của Luật quốc tịch Nhật Bản (Law No.147 of 1950 và các văn kiện sửa đổi) quy định rằng “…người có quốc tịch Nhật Bản muốn từ bỏ quốc tịch này, chỉ cần thông báo cho Bộ Tư pháp biết…”. Người đó sẽ mất quốc tịch Nhật Bản kể từ khi thông báo (shall lose Japanese nationality at the time of the notification) (14).
Một vài nhận xét
Qua những dẫn chứng mà chúng tôi đã nêu ra ở trên, chúng ta thấy Luật quốc tịch Việt Nam 1998 có những quy định chưa phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế thường được công nhận, nhất là trong vấn đề hai quốc tịch và vấn đề xin từ bỏ quốc tịch. Tại sao vậy? Theo chúng tôi, có thể vì những lý do sau đây:
Một là, Nhà nước CHXHCN Việt Nam muốn giữ kiều bào Việt Nam ở nước ngoài mãi là công dân Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu "Tôi xin khẳng định là người dân trong nước luôn nhớ đến người Việt Nam ở nước ngoài và biết là người Việt xa quê luôn hướng về Tổ quốc. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến kiều bào". (15)
Hai là, Nếu công nhận chế độ hai quốc tịch hay nhiều quốc tịch như hầu hết các quốc gia trên thế giới, khi xẩy ra những tranh chấp về nhân thân, về gia đình, về tài sản, v.v... nói chung là các vấn đề liên quan đến tư pháp quốc tế, các thẩm phán Việt Nam hiện nay không nhiều người có đủ khả năng để xét xử. Khi giải quyết một số vấn đề về dân sự liên quan đến những người hai quốc tịch hay nhiều quốc tịch, rất khó tránh khỏi những xung đột về luật pháp giữa hai quốc gia có luật pháp khác nhau, lúc đó phải áp dụng những quy tắc, những tiêu chuẩn, những án lệ hay tập quán của tư pháp quốc tế và luật so sánh. Không nhiều thẩm phán của các Toà án ở Việt Nam hiện nay có thể nắm vững những quy định của Luật quốc tế cũng như Luật quốc tịch Việt Nam về vấn đề này.
Đặc biệt, đối mặt với vấn đề hai quốc tịch, Việt Nam không chỉ phải xử lý vấn đề tranh chấp bảo hộ công dân, trong áp dụng luật dân sự khi có tranh chấp hoặc luật hình sự khi công dân Việt Nam có hai quốc tịch vi phạm pháp luật Việt Nam. Tình hình trên cũng khiến các cơ quan nhà nước Việt Nam lúng túng khi giải quyết các vấn đề giao dịch dân sự, kinh tế... của những công dân mang hai quốc tịch.
Quốc tịch là một chế định pháp lý quan trọng, là vấn đề phức tạp, được các quốc gia đặc biệt quan tâm nghiên cứu, giải quyết trong hiến pháp và các văn bản pháp luật khác. Quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý ổn định, gắn bó chặt chẽ giữa nhà nước với cá nhân con người, là cơ sở pháp lý quan trọng để xác định địa vị pháp lý công dân. Do đó việc qui định vấn đề quốc tịch, nguyên tắc một quốc tịch, song tịch hay đa tịch của công dân Việt Nam là vô cùng quan trọng.
Để đề cao vinh dự và ý thức trách nhiệm của công dân Việt Nam trong việc hưởng quyền và làm nghĩa vụ công dân, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam, tăng cường sự gắn bó giữa Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mọi người Việt Nam, dù cư trú ở trong nước hay ngoài nước, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh thì một trong những yêu cầu cấp thiết là phải sửa đổi các quy định của Luật quốc tịch Việt Nam 1998 và các văn bản có liên quan cho phù hợp với các quy định của Luật quốc tế và tập quán quốc tế được thừa nhận rộng rãi. Tất nhiên là phải trên cơ sở “chủ quyền quốc gia” nhưng vẫn đảm bảo tiến trình hội nhập, toàn cầu hoá với phương châm Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới.

Không có nhận xét nào: