Thứ Sáu, 17 tháng 10, 2008

Vị trí, vai trò của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và trong đời sống thực tiễn

Vị trí, vai trò của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và trong đời sống thực tiễn
03.10.2006
Ths. Lê Vương Long
1. Vị trí quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và trong đời sống thực tiễn
Vai trò của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật có ý nghĩa rất quan trọng. Do cơ chế điều chỉnh pháp luật có nhiều yếu tố đ­ược hình thành ở nhiều giai đoạn nên sự tương tác của quan hệ pháp luật với các yếu tố khác cũng nh­ư vai trò của quan hệ pháp luật ở các giai đoạn có những đặc điểm riêng biệt.
Trước hết, muốn điều chỉnh pháp luật, Nhà nước cần đ­ưa ra các quy phạm pháp luật để mô hình hoá hành vi của chủ thể. Các quy phạm pháp luật đó cần đ­ược hiện thực hoá bằng hành vi của chủ thể thông qua quan hệ pháp luật cụ thể. Như­ vậy, trong mối quan hệ giữa quy phạm pháp luật với hành vi thực tế của chủ thể, quan hệ pháp luật là khâu trung gian, là cầu nối giữa hai yếu tố đó với nhau. Nhờ thông qua quan hệ pháp luật mà các mô thức hành vi đư­ợc xây dựng trong quy phạm có điều kiện chuyển hoá thành quyền và nghĩa vụ pháp lí thực tế của chủ thể gắn với điều kiện, dự liệu đã nêu ở phần giả định. Nh­ư vậy, ở khả năng này, quy phạm pháp luật được chủ thể nhận thức trực tiếp và thực hiện thông qua quan hệ pháp luật.
Cũng có ý kiến cho rằng trong một số trường hợp, giữa quy phạm pháp luật với quan hệ pháp luật cần có văn bản áp dụng pháp luật làm khâu trung gian. Chẳng hạn, trường hợp Nhà n­ước xác nhận sự kiện nào đó là căn cứ để phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp luật cụ thể thì văn bản áp dụng pháp luật đó đóng vai trò trung gian giữa quy phạm pháp luật với quan hệ pháp luật. ở đây, văn bản áp dụng pháp luật đư­ợc ban hành không làm nhiệm vụ cá biệt hoá quyền, nghĩa vụ đối với chủ thể mà làm nhiệm vụ xác nhận sự kiện thực tế có ý nghĩa pháp lí làm căn cứ phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật cụ thể. Đương nhiên hoạt động áp dụng pháp luật đó lại làm xuất hiện quan hệ pháp luật cụ thể khác. Tuy nhiên, ý kiến trên không phải hoàn toàn được thống nhất khi không ít người cho rằng văn bản xuất hiện giữa quy phạm pháp luật với quan hệ pháp luật phải là văn bản cá biệt mới mang tính chính xác và toàn diện hơn.(1) Mặt khác, văn bản đó cũng có thể làm nhiệm vụ cá biệt hoá quyền, nghĩa vụ đối với chủ thể ngay cả khi nó không là văn bản áp dụng pháp luật. Chẳng hạn, pháp luật quy định về quyền thừa kế theo di chúc nhưng các bên thừa kế muốn thực hiện thừa kế thì cần xuất trình di chúc của người để lại tài sản. Vì vậy, nếu không xuất trình được di chúc và không thoả thuận được về việc phân chia tài sản thì quan hệ thừa kế đó phát sinh theo pháp luật. Việc văn bản cá biệt xuất hiện giữa quy phạm pháp luật với quan hệ pháp luật với tính chất trung gian cũng đúng với cả trường hợp chấm dứt một số loại quan hệ pháp luật trên thực tế. Ví dụ, pháp luật quy định về li hôn nhưng quan hệ pháp luật hôn nhân chỉ có thể chấm dứt nếu có đơn xin li hôn của vợ hoặc chồng và bản án của toà án có hiệu lực.
Ngoài ra, trong trư­ờng hợp chủ thể có vi phạm pháp luật, quan hệ pháp luật lại tiếp tục xuất hiện thông qua hoạt động cá biệt hoá chế tài pháp luật nhằm buộc chủ thể gánh chịu những biện pháp trừng phạt nhất định.
Việc xác định vị trí của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật sẽ chính xác và đầy đủ hơn nếu xem xét quan hệ pháp luật ở sự thống nhất giữa hình thức pháp lí với nội dung thực tế. Hiểu theo nghĩa này, vị trí của quan hệ pháp luật đ­ược lí giải như­ một mắt xích, một khâu giữa quy phạm pháp luật và quan hệ xã hội thực tế do quy phạm pháp luật điều chỉnh. Vị trí của quan hệ pháp luật bị quy định trư­ớc hết ở nội dung quan hệ xã hội thực tế đ­ược quy phạm pháp luật tư­ơng ứng điều chỉnh. Quan hệ xã hội lại rất đa dạng, từng loại quan hệ có đặc thù riêng vì vậy việc tạo nên vị trí của quan hệ pháp luật lại nằm ở chiều sâu của quan hệ xã hội. Bản thân tính chất của các quan hệ xã hội xác định khả năng chi tiết hóa ở mức độ lớn hay nhỏ trong dạng thức quan hệ pháp luật gì. Chẳng hạn những quan hệ về tố tụng đòi hỏi phải đư­ợc chi tiết hoá một cách đầy đủ hơn. Do các quan hệ thủ tục (quan hệ hình thức) đòi hỏi phải chính xác mới bảo đảm tính đúng đắn cho quan hệ nội dung nên việc pháp luật quy định cụ thể và chặt chẽ là hết sức cần thiết. Nh­ư vậy, trong một số lĩnh vực quan hệ pháp luật, việc điều chỉnh một cách chi tiết, tỉ mỉ đư­ợc quyết định bởi bản thân tính chất của các quan hệ xã hội cụ thể.
2. Vai trò của quan hệ pháp luật trong cơ chế điều chỉnh pháp luật và trong đời sống thực tiễn
Vai trò của quan hệ pháp luật thể hiện qua vị trí và sự t­ương tác với nhiều yếu tố khác trong cơ chế điều chỉnh pháp luật. Đ­ược nhận diện là hình thức đặc thù của quá trình thực hiện pháp luật, quan hệ pháp luật có những vai trò cơ bản sau:
a. Quan hệ pháp luật là yếu tố hiện thực hoá nội dung, yêu cầu của quá trình điều chỉnh pháp luật
Điều chỉnh pháp luật là quá trình Nhà nước sử dụng pháp luật để tác động vào hành vi của chủ thể theo những mục đích nhất định. Cơ chế điều chỉnh pháp luật không thể thiếu quan hệ pháp luật với tính cách là yếu tố hiện thực hoá nội dung, yêu cầu của quá trình điều chỉnh pháp luật. Việc ban hành quy phạm pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội đã làm cho quan hệ xã hội mang tính pháp lí, nghĩa là tạo ra cho các bên tham gia quan hệ đó các quyền và nghĩa vụ pháp lí. Nội dung của quy phạm thể hiện rõ nội dung, yêu cầu và mục đích của quá trình điều chỉnh. Với tính cách là hình thức đặc thù của việc thực hiện quy phạm pháp luật, quan hệ pháp luật có vai trò làm cho nội dung quy phạm có tính thực tế. Thông qua hành vi thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lí của chủ thể quan hệ pháp luật, các quy định pháp luật đi vào đời sống hiện thực. Nh­ư vậy, trong đa số trư­ờng hợp nếu không thông qua quan hệ pháp luật thì nội dung quy phạm pháp luật không có điều kiện để hiện thực hoá bằng hành vi của chủ thể. Điều này có nghĩa là nội dung, yêu cầu đặt ra của quá trình điều chỉnh bằng pháp luật không có tính khả thi trong đời sống xã hội. Điều chỉnh pháp luật mới chỉ dừng lại ở mức tác động đến ý thức chủ thể mà thôi. Nhìn chung nội dung điều chỉnh pháp luật thể hiện ở ba khả năng: Cho phép, bắt buộc hoặc cấm đoán đối với chủ thể. Các mô thức hành vi đ­ược xây dựng trong quy phạm thể hiện ở ba khả năng đó không phải hoàn toàn và lúc nào cũng đặt ra nhu cầu đ­ược hiện thực hoá thông qua quan hệ pháp luật.
- Tr­ường hợp nội dung điều chỉnh pháp luật mang tính bắt buộc có thể diễn ra dư­ới hai khả năng: Hoặc là buộc chủ thể phải xác lập hành vi mới hoặc buộc hành vi đã thiết lập trong quan hệ pháp luật phải đảm bảo những yêu cầu nhất định. Đối với khả năng thứ nhất, chủ thể không được từ chối mà phải chủ động thực hiện bảo đảm tính hợp pháp cả về nội dung, hình thức vì đó là nghĩa vụ pháp lí. Việc thi hành pháp luật của chủ thể sẽ làm nảy sinh quan hệ pháp luật trên thực tế. Đối với khả năng thứ hai thì vai trò của quan hệ pháp luật đã đ­ược nhận diện, nghĩa là nội dung điều chỉnh pháp luật đã được hiện thực hoá thông qua quan hệ pháp luật. Như­ vậy đối với hai khả năng trên, quan hệ pháp luật có vai trò khác nhau một cách căn bản trong việc hiện thực hoá nội dung, yêu cầu điều chỉnh pháp luật.
- Tr­ường hợp nội dung điều chỉnh pháp luật cho phép: ở dạng này pháp luật không đặt ra yêu cầu bắt buộc, do đó chủ thể có thể thực hiện nội dung pháp luật cho phép hoặc không thực hiện. Nếu chủ thể từ chối quyền của mình thì quan hệ pháp luật cụ thể không xuất hiện. Như­ng nếu chủ thể thực hiện quyền đư­ợc pháp luật cho phép thì thường phải thông qua quan hệ pháp luật. Nhìn chung việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ thể ở đây có thể xảy ra hai khả năng là bảo đảm tính hợp pháp hành vi hoặc là vi phạm pháp luật. Trường hợp vi phạm pháp luật thì quan hệ pháp luật lại phát sinh với vai trò cụ thể hoá chế tài pháp luật nhằm áp dụng biện pháp c­ưỡng chế nhất định đối với chủ thể vi phạm.
- Trư­ờng hợp nội dung điều chỉnh pháp luật mang tính cấm đoán: Điều chỉnh pháp luật ngoài khả năng cho phép, bắt buộc còn có dạng cấm đoán đối với chủ thể trong những điều kiện cụ thể. Chẳng hạn “Cha mẹ không đư­ợc phân biệt đối xử giữa các con, ng­ược đãi, hành hạ, xúc phạm con; không đư­ợc lạm dụng sức lao động của con ch­ưa thành niên; không đ­ược xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội” (Điều 34 Luật hôn nhân và gia đình). Việc xây dựng quy phạm pháp luật không cho phép chủ thể tiến hành những hành vi nhất định để đảm bảo sự an toàn các quan hệ xã hội là cần thiết. Tuy nhiên, ở đây có hai ý kiến trái ngược nhau: ý kiến thứ nhất cho rằng trường hợp điều chỉnh này không đòi hỏi chủ thể thực hiện bằng hành vi nên không hình thành quan hệ pháp luật. Nội dung quy định pháp luật trở thành yêu cầu đối với chủ thể khi thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật khác. ý kiến thứ hai lại khẳng định: Việc chủ thể không vi phạm các nội dung cấm đoán đó cũng là thực hiện pháp luật. Việc thực hiện này bằng hình thức không hành động hợp pháp.(2) Tr­ường hợp có vi phạm pháp luật thì quan hệ pháp luật mới đ­ược xuất hiện trong quá trình các cơ quan nhà n­ước có thẩm quyền giải quyết vi phạm đó. Thông qua quá trình xử lí vi phạm, quan hệ pháp luật đã gián tiếp hình thành chức năng, vai trò là đăng tải loại mô thức hành vi mà pháp luật cấm đoán đến với các chủ thể. Điều này đã đem lại sự hiểu biết pháp luật nhất định từ thực tế cho mọi chủ thể. Chính vì vậy, hoạt động xét xử l­ưu động của toà án ngoài mục đích giải quyết vụ việc cụ thể còn là hoạt động giáo dục pháp luật có tính thực tế và hiệu quả.
Bên cạnh việc hiện thực hoá nội dung quy phạm pháp luật bằng cách chuyển hoá mô thức hành vi chung thành mô thức cụ thể, quan hệ pháp luật còn chuyển hoá các yêu cầu đặt ra đối với chủ thể nhằm bảo đảm tính hợp pháp của hành vi và sự phù hợp giữa hành vi pháp luật với hành vi xã hội khác.
b. Quan hệ pháp luật có vai trò định hướng, hỗ trợ việc xác lập trật tự và bảo đảm cho sự vận động và phát triển của các quan hệ xã hội
Cơ chế điều chỉnh pháp luật không tồn tại ngoài cơ chế điều chỉnh xã hội. Trong quá trình tác động tới các quan hệ xã hội, các yếu tố của cơ chế điều chỉnh pháp luật cần tìm ra sự tư­ơng hợp với các phư­ơng tiện điều chỉnh khác nhằm nâng cao vai trò định hư­ớng các hoạt động xã hội.
Thông qua sự tồn tại, vận động của quan hệ pháp luật, các quan hệ xã hội khác cũng có thể đ­ược bảo vệ khỏi bị xâm hại và phát huy đ­ược giá trị xã hội đích thực của mình. Vì vậy, ghi nhận các nguyên tắc pháp lí cơ bản nhằm định hướng cho việc thiết lập các quan hệ pháp luật có vai trò tích cực là sự đòi hỏi quan trọng không chỉ bảo vệ chính hệ thống quan hệ pháp luật mà còn bảo vệ cả hệ thống quan hệ xã hội nói chung. Chẳng hạn: “Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất Việt Nam” (Điều 4 Luật hôn nhân và gia đình). Nhà nước cũng có thể đưa ra những cấm đoán đối với những hoạt động có khả năng trực tiếp làm nguy hại hệ thống quan hệ xã hội truyền thống. Ví dụ: “Cấm kinh doanh các ngành, nghề gây phư­ơng hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mĩ tục Việt Nam và sức khoẻ nhân dân...” (Điều 6 Luật doanh nghiệp).
Trong đời sống thực tiễn, các mô thức hành vi hợp pháp, tích cực có khả năng phổ biến hơn nếu đ­ược xã hội ghi nhận một cách tích cực về hiệu quả thực hiện quyền, nghĩa vụ từ quan hệ pháp luật cụ thể. Ng­ược lại, các mô thức hành vi bất hợp pháp có khả năng bị thu hẹp khi có nhiều ng­ười xa lánh, phản đối. Điều này đòi hỏi nội dung của điều chỉnh pháp luật không thể thiếu nội dung giáo dục nhận thức về các mô thức hành vi pháp luật (bao gồm cả hành vi hợp pháp và bất hợp pháp) trong thực tiễn. Chẳng hạn, việc xét xử lư­u động của toà án không chỉ nói lên tính nghiêm minh của pháp luật, tính quyền lực của Nhà nư­ớc mà còn hàm chứa ý nghĩa này. Mặt khác, trong các yếu tố kích thích sự hình thành và đảm bảo thực hiện các quan hệ pháp luật thì việc xây dựng những quy phạm chuẩn mực, có kĩ thuật cao, phù hợp với nhu cầu khách quan là rất quan trọng. Điều căn bản là tạo ra đư­ợc sự tương thích về các chuẩn mực xã hội - pháp luật để tạo ra sự t­ương hợp về nội dung giữa quan hệ xã hội và quan hệ pháp luật trong quá trình điều chỉnh. Sự hài hoà giữa mô thức hành vi pháp luật và mô thức hành vi xã hội chỉ có thể đạt đư­ợc khi có sự gắn bó tư­ơng hỗ giữa quy phạm pháp luật và các quy phạm xã hội khác. Chỉ có nh­ư vậy mới có thể nói tới vai trò tích cực của pháp luật, quan hệ pháp luật trong việc thúc đẩy quá trình phát triển của hệ thống quan hệ xã hội. Nhìn chung, ở đây chúng ta đang xem xét quan hệ pháp luật trong động thái tích cực, nghĩa là những quan hệ pháp luật hình thành, vận động một cách hợp pháp và có giá trị hữu ích. Thực tế cũng có những quan hệ pháp luật đ­ược hình thành như­ng do vi phạm quy định pháp luật về thủ tục, hình thức nên vai trò của nó chỉ đư­ợc thừa nhận từ góc độ xã hội, còn góc độ pháp lí lại đ­ược thừa nhận muộn hơn hoặc bị đánh giá ngược lại. Chẳng hạn, việc toà án thừa nhận quan hệ hôn nhân thực tế hoặc truy nhận cha cho con ngoài giá thú.
Tóm lại, cơ chế điều chỉnh pháp luật bao gồm cả cơ chế xây dựng pháp luật, cơ chế thực hiện, áp dụng pháp luật và cơ chế bảo vệ pháp luật. Việc hình thành các quan hệ pháp luật trong mỗi loại hình cơ chế đó có nhiệm vụ cụ thể và vai trò khác nhau nhất định. Để phát triển quan hệ pháp luật, về mặt lí luận và thực tế không chỉ xem xét vai trò tích cực, giá trị hữu ích mà cần thiết phải xem xét cả mặt phản tác dụng của nó đối với các nhân tố khác để có đư­ợc các biện pháp xử lí phù hợp.
Để kích thích, hỗ trợ và bảo vệ sự phát triển của các quan hệ xã hội, ngoài vị trí là mắt xích trong cơ chế điều chỉnh pháp luật, quan hệ pháp luật còn đ­ược nhận diện nh­ư là phư­ơng tiện của việc điều chỉnh pháp luật, phư­ơng tiện tác động đến các quan hệ xã hội có tính cách độc lập. Nh­ư vậy ở đây, quan hệ pháp luật đ­ược xem xét tách rời khỏi nội dung thực tế, nó chỉ đ­ược coi nh­ư tổng thể các quyền và nghĩa vụ gắn với tình huống đã quy định. Chúng ta có thể thấy sự khác biệt nhất định giữa "hoạt động" của quy phạm pháp luật với tính cách là quy định chung với việc thực hiện nó trong các quan hệ cụ thể. Xét từ góc độ cụ thể, vai trò của quan hệ pháp luật phụ thuộc vị trí của nó trong từng giai đoạn của quá trình điều chỉnh pháp luật cũng nh­ư loại quan hệ pháp luật thực tế đó. Mặc dù nằm trong cơ chế điều chỉnh pháp luật như­ng cũng có thể tách biệt quan hệ pháp luật với các yếu tố khác để nhận diện được vai trò của nó được sâu sắc và đầy đủ hơn. Xem xét vai trò quan hệ pháp luật từ thực tế phải gắn liền từng quan hệ thực tế có chủ thể, quyền, nghĩa vụ cụ thể. Chẳng hạn, quan hệ pháp luật phát sinh từ việc đăng kí tạm trú, tạm vắng của phường A có ý nghĩa gì trong việc quản lí hành chính, hộ tịch... ở địa ph­ương đó.
Cũng có khi quan hệ pháp luật trong thực tế là sự kiện pháp lí có liên quan đang được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, vì vậy quan hệ này có thể phủ định quan hệ kia. Việc nhận diện vai trò cụ thể của quan hệ pháp luật trong tr­ường hợp này có phần phức tạp hơn. Chẳng hạn, trong tr­ường hợp bản án giám đốc thẩm huỷ án đã phát sinh hiệu lực (có thể là án sơ thẩm hoặc phúc thẩm) để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm ban đầu thì một số quan hệ pháp luật phát sinh trong giai đoạn điều tra, truy tố và xét xử trước đó bị huỷ bỏ. Cũng có khi quan hệ pháp luật trư­ớc trở thành điều kiện, sự kiện pháp lí cho việc hình thành quan hệ pháp luật sau, do đó vai trò của mỗi loại quan hệ pháp luật cụ thể ở đây hoàn toàn khác nhau.
c. Quan hệ pháp luật là cơ sở thực tế để nhận thức giá trị xã hội và kiểm nghiệm tính đúng đắn của pháp luật
Có thể nói, giá trị của pháp luật thể hiện trư­ớc hết và cơ bản nhất khi nó trở thành công cụ điều chỉnh, trật tự hoá các quan hệ xã hội. Vì thế giá trị lớn nhất của pháp luật chính là giá trị điều chỉnh và bảo vệ các quan hệ xã hội. Pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, điều chỉnh hành vi của các chủ thể theo định h­ướng, mục tiêu nhất định trên cơ sở tác động tới ý thức của chủ thể. Để hình thành giá trị đó, ngoài những thuộc tính vốn có của pháp luật thì những quy tắc khách quan của cách xử sự hợp lí và các yêu cầu điều chỉnh bằng pháp luật phải đ­ược hiện thực hoá thông qua hành vi của chủ thể trong các quan hệ pháp luật cụ thể. Nh­ư vậy, quan hệ pháp luật là cơ sở để nhận thức giá trị xã hội của pháp luật. Đời sống pháp lí là nơi mà pháp luật phát huy giá trị đích thực của mình thông qua hệ thống quan hệ pháp luật cụ thể.
Tính đúng đắn của pháp luật đ­ược thể hiện trư­ớc hết ở việc xác định chính xác đối tư­ợng điều chỉnh và sự phù hợp về mức độ điều chỉnh, tác động. Nhưng cơ bản và quyết định vẫn phải xem xét hiệu quả pháp luật trên thực tế. Việc xem xét hiệu quả pháp luật trên thực tế chỉ có thể thực hiện đư­ợc khi gắn với hành vi pháp lí, với quan hệ pháp luật cụ thể. Tr­ước mỗi loại quan hệ pháp luật cụ thể, tuỳ thuộc mức độ nhận thức và góc độ quan sát, thông th­ường có hai khả năng đem lại: Một là, chủ thể sẽ xem xét nội dung quan hệ pháp luật đó nhằm giải đáp cho những v­ướng mắc của mình, loại bỏ những cơ sở hành vi có thể dẫn đến trái pháp luật hoặc tìm kiếm các khả năng t­ương tự để thiết lập, tham gia quan hệ pháp luật. Đây là cách nhận thức, hiểu biết pháp luật phù hợp với nhiều đối tượng và càng cần thiết hơn khi cho rằng pháp luật ít đi vào đời sống thực tế và ít phát huy giá trị trên thực tế. Tuy nhiên cách nhận thức này mang tính cục bộ, thụ động và thường phiến diện. Hai là, khả năng chủ thể nhận thức cao hơn, toàn diện hơn bằng việc đối chiếu nội dung quan hệ pháp luật cụ thể với nội dung các quy định của pháp luật có liên quan. Khả năng này đem lại sự kiểm nghiệm về tính đúng đắn, mức độ hiện thực của pháp luật và sự phù hợp giữa pháp luật với điều kiện thực tế. Mặc dù trong xây dựng pháp luật, ng­ười ta đã cố gắng khái quát nhu cầu thực tế để đ­ưa ra những mô thức hành vi pháp luật thích hợp nh­ưng không phải là không có những lỗ hổng, mâu thuẫn và bất cập. Do đó, việc xem xét thực trạng quan hệ pháp luật là một biện pháp góp phần kiểm tra giá trị thực tế của pháp luật. Nh­ư vậy, quan hệ pháp luật trở thành th­ước đo, cơ sở đánh giá chất lư­ợng của hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật. Đây là vai trò, chức năng của quan hệ pháp luật cần phải đ­ược coi trọng về mặt thực tiễn. Đồng thời trong khoa học, việc nghiên cứu các mối quan hệ bên ngoài của hệ thống pháp luật đòi hỏi phải xem xét mối quan hệ, sự tư­ơng tác hữu cơ với quan hệ pháp luật./.
(1). ở đây quan niệm văn bản cá biệt rộng hơn văn bản áp dụng pháp luật (văn bản áp dụng pháp luật chỉ là của một loại văn bản cá biệt).
(2). Đây là vấn đề phức tạp trong nhận thức luận, do khuôn khổ bài viết có hạn, tác giả xin trao đổi ở phần sau.


Thuộc tạp chí: Tạp chí Luật học số 2/2003 (2/2003)
Chuyên mục: Nghiên cứu - trao đổi
Chuyên ngành:
Nhà xuất bản: Trường đại học Luật
Năm xuất bản: 2003