Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

Quyền giám sát của Quốc Hội


PHÂN BIỆT QUYỀN GIÁM SÁT CỦA QUỐC HỘI

VỚI QUYỀN KIỂM TRA, GIÁM SÁT CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC KHÁC.


Trong bộ máy nhà nước ta, hoạt động giám sát của Quốc Hội là giám sát tối cao. Quốc Hội thực hiện quyền giám sát đối với tất cả các cơ quan Nhà nước: Chủ tịch nước, Chính phủ, toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân cũng như các cơ quan chính quyền ở địa phương; phạm vi giám sát của Quốc Hội cũng rất rộng: Nếu như hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước khác chỉ giới hạn đối với những chủ thể nhất định, trong những lĩnh vực nhất định hoặc ở một địa phương nhất định thì hoạt động giám sát của Quốc hội diễn ra trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của bộ máy nhà nước và đối với mọi địa phương trong nước. Thẩm quyền giám sát của các cơ quan nhà nước khác phụ thuộc vào Quốc hội vì do Quốc hội quy định. Ngày 17/06/2003 tại kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khoá XI đã thông qua luật về hoạt động giám sát của Quốc hội; đây là cơ sở pháp lý vô cùng quan trọng để tăng cường hơn nữa chất lượng của hoạt động giám sát của Quốc hội. Tuy nhiên để muốn hiểu một cách chính xác và đầy đủ phạm vi; chức năng cũng như thẩm quyền giám sát của Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chúng ta cần có sự phân biệt hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước khác.
Với quyền giám sát của Chủ tịch nước:
Xét về đối tượng chịu giám sát: Hiến pháp 1992 quy định về đối tượng chịu sự giám sát của Chủ tịch nước bao gồm: Hoạt động lập pháp của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội (K3 – Đ103), các hoạt động về mặt tổ chức của các cơ quan Nhà nước cấp cao (K 3,8,9,10 – Đ103).
Xét về phương pháp giám sát, hình thức giám sát: Ta thấy do nước ta là một nước theo chính thể Cộng hoà xã hội chủ nghĩa vì vậy Chủ tịch nước không có nhiều quyền hạn đối với Quốc Hội như Tổng thống đối với Quốc Hội ở những quốc gia theo hình thức chính thể Cộng hoà Tổng thống, song thông qua các quyền như công bố Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, quyền xem xét lại Pháp lệnh của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội (Đ103- Hiến pháp 1992), Chủ tịch nước đã thực sự giám sát hoạt động ban hành văn bản pháp luật của Ủy ban thường vụ Quốc Hội. Tuy quyền hạn của Chủ tịch nước không nhiều, nhưng thông qua một số quyền như bầu, bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ cao cấp của Nhà nước cũng thể hiện quyền giám sát của Chủ tịch nước đối với hoạt động của một số cơ quan Nhà nước như Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Tuy nhiên Chủ tịch nước là do Quốc hội bầu và Quốc Hội có quyền bãi, miễn nhiệm – chính vì vậy mà Chủ tịch Nước phải chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước Quốc Hội cũng như báo cáo về hoạt động trước Quốc Hội theo nhiệm kỳ hoặc khi Quốc Hội có yêu cầu, vì vậy ta có thể thấy rằng quyền giám sát của Quốc Hội luôn là quyền giám sát tối cao.
Với quyền thanh tra của Chính phủ:
Thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý Nhà nước, đây chính là một trong những phương pháp nhằm tăng cường kỷ luật trong quản lý Nhà nước, là phương pháp đảm bảo pháp chế, thực hiện quyền dân chủ XHCN.
Xét về mặt chủ thể: Theo điều 112 – Hiến pháp 1992 thì quyền thanh tra thuộc về Chính phủ. Đây là hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, tự kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện, thi hành Hiến pháp, pháp luật trong hoạt động quản lý hành chính Nhà nước.
Xét về đối tượng: Đối tượng của công tác này là hoạt động quản lý của các cơ quan Nhà nước từ cấp Bộ trở xuống.
Phương pháp, hình thức thực hiện: Tiến hành những công việc được quy định trong Luật thanh tra.
Với quyền giám đốc xét xử của Toà án nhân dân tối cao.
Căn cứ vào các quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Toà án nhân dân ta thấy nội dung của hoạt động giám sát xét xử của Toà án nhân dân tối cao có những đặc điểm sau:
Toà án nhân dân tối cao là chủ thể của hoạt động giám đốc xét xử – tức là Toà án nhân dân tối cao xem xét , kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp trong hoạt động của các cơ quan xét xử. Đây là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Toà án nhân dân tối cao.
Về đối tượng: Là hoạt động xét xử của Toà án nhân dân các cấp, Toà án quân sự, Toà án đặc biệt.
Phương pháp thực hiện: Thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính… và những quy định khác do pháp luật quy định.
Hình thức xử lý: Khi phát hiện có sai lầm, vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử, Toà án nhân dân tối cao có quyền sửa đổi hặc huỷ bỏ bản án của Toà án nhân dân cấp dưới.
Ta thấy Quốc Hội không phải là cơ quan xét xử và Quốc Hội không thể làm thay chức năng xét xử của Toà án nhân dân. Song Quốc Hội có quyền xét báo cáo của Toà án nhân dân tối cao và khi cần thiết Quốc Hội có thể ra nghị quyết về công tác của Toà án. Hay nói một cách khác thông qua hoạt động giám sát của mình nếu Quốc Hội phát hiện những vi phạm pháp luật trong hoạt động của Toà án nhân dân, Quốc Hội có quyền yêu cầu Chánh án Toà án nhân dân Tối cao báo cáo về vấn đề mà Quốc Hội quan tâm.
Với quyền kiểm sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Xét về chủ thể: Theo điều 137 – Hiến pháp 1992, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động trong lĩnh vực tư pháp
Về đối tượng: Là các hoạt động tư pháp như: Kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử, thi hành án...
Phương thức thực hiện: Theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, luật Tố tụng hình sự, dân sự…
Hình thức xử lý: Khi phát hiện những vi phạm pháp luật trong hoạt động của các đối tượng chịu sự kiểm sát của mình, Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Trong những trường trường hợp những vi phạm có dấu hiệu tội phạm, Viện kiểm sát nhân dân có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy ta thấy Quốc Hội không phải là cơ quan trực tiếp tiến hành hoạt động giám sát, kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp các hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, nhưng Quốc Hội giao chức năng đó cho Viện kiểm sát, và Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo về hoạt động của mình trước Quốc Hội theo định kỳ hoặc khi có yêu cầu. Khi Quốc Hội thực hiện quyền giám sát của mình, nếu có phát hiện những vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền xử lý của Viện kiểm sát nhân dân mà chưa được xử lý, Quốc Hội có quyền chất vấn Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác của Viện hoặc ra Nghị quyết về công tác của Viện kiểm sát, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm chấp hành nghị quyết của Quốc Hội và báo cáo với Quốc Hội về việc thực hiện nghị quyết đó.
TÓM LẠI: Hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật của Quốc Hội và hoạt động giám sát của các cơ quan Nhà nước khác là rất khác nhau. Sự khác nhau đó là phạm vi cũng như đối tượng chịu sự giám sát. Các cơ quan nhà nước nói trên đều có quyền giám sát hoạt động tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tuy nhiên mỗi cơ quan khác nhau có quyền trong từng lĩnh vực cụ thể, đây chính là sự phân công, phân cấp rành mạch trong hoạt động quản lý xã hội của Nhà nước. Và mọi cơ quan nhà nước nêu trên đều chịu sự giám sát trực tiếp của Quốc Hội, điều này có nghĩa quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật của Quốc Hội là quyền giám sát tối cao. Quốc Hội không làm thay chức năng. Nhiệm vụ của bất kỳ cơ quan nào nhưng Quốc Hội có quyền kiểm tra hoạt động của các cơ quan đó, và trong hoạt động giám sát của mình Quốc Hội phát hiện được những sai sót, vi phạm trong hoạt động của các cơ quan đó thì Quốc Hội có quyền yêu cầu các cơ quan giải trình trước Quốc Hội cũng như tiến hành giải quyết những sai phạm đó theo đúng quy định của pháp luật. Nếu các cơ quan đó không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng theo nghị quyết của Quốc Hội thì Quốc Hội có quyền xử lý vi phạm của các cơ quan này (trách nhiệm trước hết thuộc về những người đứng đầu các cơ quan đó và theo đúng quy định của Hiến pháp, pháp luật). Như vậy mặc dù Quốc hội không trực tiếp giám sát toàn bộ mọi hoạt động của nhà nước, tuy nhiên thông qua hình thức, phạm vi giám sát của Quốc Hội ta thấy thực chất quốc Hội đã thực hiện đúng quyền hạn của mình như đã được quy định tại điều 83 – Hiến pháp 1992 đó là: … “ Quốc Hội thực hiện quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của nhà nước”.

Không có nhận xét nào: