Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BAN HÀNH VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN Hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật là một trong những hình thức hoạt động cơ bản của chính quyền địa phương, đây là một hoạt động quan trọng mang tính sáng tạo, nó yêu cầu sự phối hợp, kết hợp một cách nhịp nhàng, nhuần nhuyễn của nhiều cơ quan, vì văn bản quy phạm pháp luật do chính quyền địa phương ban hành phải đảm bảo cùng một lúc rất nhiều các yêu cầu như: Nội dung phải phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu quản lý nhà nước, cũng như phải đảm bảo được tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp. Trước thời điểm Luật ban hành văn bản quy phạm của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân được Quốc Hội khoá XI – Kỳ họp thứ 6 thông qua vào ngày 03/12/2004, thì hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân dựa vào những quy định của Luâït ban hành văn bản quy phạm pháp luật được ban hành năm 1996 và được sửa đổi bổ sung năm 2002. Có thể khẳng định, kể từ khi có luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ra đời thì hoạt động ban hành văn bản pháp luật của các cơ quan nhà nước nói chung và của Hội đồng nhân dân cũng như Ủy ban nhân dân nói riêng đã có những bước chuyển mình tích cức về cả số lượng và chất lượng. Qua điều tra khảo sát của Bộ Tư Pháp tại 32 Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương thì từ năm 1999 đến 2001 thực tế ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại các địa phương trong thời gian trên như sau:

Vì chưa có một văn bản pháp luật quy định thống nhất về việc xây dựng văn bản của các cấp chính quyền địa phương, cho nên công tác xây dựng pháp luật của địa phương phần nào bị ảnh hưởng , nhiều văn bản do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ban hành còn chồng chéo, mâu thuẫn chưa phù hợp với văn bản các cơ quan nhà nước cấp trên. Tuy nhiên do trong công tác ban hành văn bản pháp luật vì chưa được quy địng một cách rõ ràng, cụ thể cho nên hoạt động này còn một số tồn tại như:
- Còn hiện tượng ban hành văn bản có tính quy phạm dưới hình thức không do luật định như công văn, thông báo, kết luận. Nhiều văn bản có cùng nội dung hoặc văn bản của cơ quan cấp dưới quy định lại những vấn đề đã được văn bản của cấp trên quy định nhưng lại không đầy đủ, thậm chí không đúng gây hiểu sai và không thực hiện được. Phần lớn các dự thảo được biên soạn khi khung chính sách chung chưa được dự liệu một cách thấu đáo toàn diện và vững chắc;
- Tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, không có sự phân biệt rõ và thống nhất thẩm quyền về nội dung cũng như thẩm quyền về hình thức của văn bản và không phù hợp với yêu cầu quản lý vẫn còn sảy ra, đặc biệt ở cấp xã.
- Nội dung của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành còn có tình trạng chắp vá, mâu thuẫn chồng chéo, thiếu sự thống nhất nội tại trong từng văn bản cũng như các văn bản trong cả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật...;
- Ở các địa phương nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đồng bộ, hoàn thiện. Có lĩnh vực quá ít văn bản hoặc văn bản có nội dung đã lạc hậu không được kịp thời thay thế, sửa đổi, bổ sung. Ngược lại, có lĩnh vực quá nhiều văn bản cùng điều chỉnh về một vấn đề, một nội dung (trật tự trị an, xây dựng, nhà đất...). Tầm khái quát của văn bản chưa đảm bảo, có một số bị sửa đổi, thay thế liên tục làm hạn chế tác dụng, hiệu lực, hiệu quả quản lý;
- Trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật dù đã được nhiều địa phương quy định nhưng do chưa có sự chỉ đạo chung, một số quy định lại chủ yếu dựa trên thực tiễn áp dụng từ trước tới nay nên chưa đảm bảo sự thống nhất giữa các địa phương. Thêm vào đó, tình trạng không tuân thủ quy trình, thủ tục đã quy định, làm tắt, văn bản soạn thảo sơ sài hoặc do thư ký Uỷ ban nhân dân phụ trách từng lĩnh vực soạn thảo rồi trình ký luôn, không gửi lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp. Thực tế này dẫn đến tình trạng ở một số nơi Sở Tư pháp không nắm được tình hình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy không thể chủ động tham gia và có ý kiến ngay từ khâu soạn thảo, mà chỉ thực hiện chức năng theo dõi số lượng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh thông qua sổ công văn lưu trữ của Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh vì vậy có Sở Tư pháp chỉ phát hiện các sai sót sau khi văn bản đã được ban hành . Trong những trường hợp như vậy việc kiến nghị cơ quan đã ban hành văn bản bãi bỏ được sửa đổi ngay văn bản là rất khó khăn;
- Việc quản lý, lưu trữ văn bản ban hành thiếu chặt chẽ, chưa bảo đảm tính khoa học nhất là ở các cấp huyện, xã. Công tác hệ thống hoá mới dừng lại chủ yếu ở cấp tỉnh;
Vì vậy việc Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân ra đời được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 03/12/2004 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/04/2005 đã và sẽ làm cho hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cấp chính quyền địa phương khắc phục được một số tồn tại như đã nêu ở trên bởi:
Tạo ra được cách hiểu thống nhất về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó phân biệt được văn bản quy phạm pháp luật nói chung và văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng được một quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật một cách chặt chẽ, thống nhất ; bảo đảm tính minh bạch của văn bản quy phạm pháp luật…
Tuy nhiên, để hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân đạt hiệu quả cao hơn nữa, theo chúng tôi cần phải có hướng dẫn cụ thể của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân; cụ thể như sau:
- Cần phải có quy định một cách cụ thể, rõ ràng hơn về trình tự, thủ tục và quy trình lập, thông qua chương trình xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
- Cần phải có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục và quy trình để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tham gia ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh không do Uỷ ban nhân dân trình, vì Uỷ ban nhân dân là cơ quan trực tiếp tổ chức thực hiện nghị quyết đó chứ không thể quy định một cách chung như tại khoản 2 điều 26 được.
- Tại điều 24 của Luật ban hànhvăn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân đã quy định rất cụ thể và chặt chẽ về việc thẩm định các dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân do Uỷ ban nhân dân trình, tuy nhiên đối với các dự thảo nghị quyết không do Uỷ ban nhân dân trình thì Luật lại quy định không cụ thể, vì vậy theo chúng tôi đối với các dự thảo này cũng cần phải có quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
- Trình tự, thủ tục và quy trình lấy ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện cũng cần được quy định cụ thể hơn để đảm bảo chất lượng cho các văn bản này.
- Về nội dung của điều 6 theo chúng tôi để tôi để tổ chức thực hiện được tốt thì cần có hướng dẫn về trình tự, thủ tục và quy trình dịch văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài;
- Về thẩm quyền ký ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân theo quy định của Luật thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân ký chứng thực nghị quyết và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thay mặt Uỷ ban nhân dân ký ban hành quyết định, chỉ thị. Tuy nhiên Luật không quy định trường hợp uỷ quyền để ký cá văn bản này vì vậy cần có quy định nói rõ về vấn đề uỷ quyền ký như: Trong những trường hợp nào thì được uỷ quyền và ai là người được uỷ quyền và uỷ quyền tới đâu.
- Về đính chính văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân (thẩm quyền, trách nhiệm đính chính..);
Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi với mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân.
Đ.P.Q

Không có nhận xét nào: