Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

Tìm hiểu HP Mỹ


BỘ MÔN PHÁP LUẬT




PHẦN 1. SỰ RA ĐỜI CỦA HIẾN PHÁP HOA KỲ

Con đường dẫn đến bản Hiến pháp này không hề thẳng tắp hay suôn sẻ. Bởi vì phải đến tận năm 1787, sau khi đã trải qua những cuộc tranh luận sôi nổi và một thời gian tồn tại 6 năm của một hình thái liên bang ban đầu, mới xuất hiện được một văn kiện dự thảo. Như chúng ta đều biết năm 1776, 13 thuộc địa của Anh tại châu Mỹ tuyên bố độc lập; trước đó một năm, nổ ra chiến tranh giữa các thuộc địa với nước Anh, một cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài trong sáu năm khốc liệt. Ngay trong khi đang còn chiến tranh, các thuộc địa - giờ đây tự gọi là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ - đã thảo ra một thỏa thuận ngắn gọn liên kết họ lại thành một quốc gia đó chính là "Điều lệ Liên bang và Liên minh vĩnh cửu", được thông qua tại một đại hội của các bang vào năm 1777, và được chính thức ký kết vào tháng Bảy năm 1778. Điều lệ này bắt đầu có hiệu lực sau khi được Bang Maryland (bang thứ 13), phê chuẩn vào tháng 3 năm 1781.
Điều lệ Liên bang này đã tạo ra một liên minh lỏng lẻo giữa các bang và thiết lập một chính quyền liên bang với những quyền lực rất hạn chế. Trong các vấn đề tối quan trọng như quốc phòng, tài chính và thương mại, chính quyền liên bang phải lệ thuộc vào các cơ quan lập pháp của các bang. Đó không phải là một cách tổ chức có khả năng dẫn tới ổn định và sức mạnh. Chỉ sau một thời gian ngắn, mọi người đều thấy rõ những mặt yếu của Liên bang. Về phương diện chính trị và kinh tế, quốc gia mới hình thành này hầu như rơi vào cảnh hỗn loạn. Nói như George Washington, người sau này trở thành tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ vào năm 1789, 13 bang được liên kết với nhau chỉ "bởi một sợi dây bằng cát ".
Chính trong tình huống không báo trước điều gì tốt đẹp này, Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được xây dựng. Tháng Hai năm 1787, cơ quan lập pháp của nền cộng hòa, gọi là Continental Congress (Đại hội lục địa), kêu gọi các bang cử đại biểu tới Philadelphia thuộc bang Pennsylvania để xem xét lại bản Điều lệ này. Hội nghị Lập hiến được triệu tập vào ngày 25 tháng Năm 1787 tại Hội trường Độc lập, nơi 11 năm trước, bản Tuyên ngôn Độc lập đã được thông qua vào ngày 4 tháng Bảy năm 1776. Mặc dù các đại biểu chỉ được ủy quyền sửa đổi Điều lệ Liên bang, nhưng họ đã gạt hẳn bản đó sang một bên và bắt tay vào xây dựng một hiến chương cho một hình thức chính quyền tập trung hơn và hoàn toàn mới. Văn kiện mới này, tức Hiến pháp, được hoàn thành vào ngày 17 tháng 9 năm 1787, và được chính thức thông qua vào ngày 4 tháng 3 năm 1789.
Các đại biểu dự thảo Hiến pháp (55 đại biểu) bao gồm hầu hết những nhà lãnh đạo của các quốc gia mới. Họ đại diện cho rất nhiều lợi ích, nguồn gốc xuất thân và địa vị khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều tán thành các mục tiêu trung tâm được thể hiện trong lời mở đầu của Hiến pháp: "Chúng tôi, những người dân Hợp chủng quốc, nhằm mục đích hình thành một liên bang hoàn hảo hơn, thiết lập công lý, bảo đảm sự bình yên trong nước, chu cấp cho sự phòng thủ chung, đẩy mạnh phúc lợi chung, và đảm bảo lợi ích của tự do cho bản thân chúng ta và cho các thế hệ mai sau, quyết định xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”.[1]
Khoảng thời gian từ lúc phê chuẩn Điều lệ Liên bang năm 1781 đến lúc soạn thảo Hiến pháp mới vào năm 1787 là một thời kỳ đầy rẫy những yếu kém, tranh chấp và xáo động. Trong Điều lệ Liên bang, không có điều khoản nào quy định ngành hành pháp có quyền thi hành luật pháp, cũng như quy định hệ thống tòa án quốc gia có quyền giải thích pháp luật. Quốc hội lập pháp là cơ quan duy nhất trong chính quyền quốc gia, nhưng nó hoàn toàn không có quyền buộc các bang phải làm bất cứ điều gì trái với ý nguyện của họ. Trên lý thuyết, Quốc hội có thể tuyên bố chiến tranh và thiết lập quân đội nhưng nó không thể buộc bất cứ bang nào cung cấp quân số, vũ khí và trang thiết bị cho quân đội. Quốc hội phải trông cậy vào các bang để có nguồn thu tài trợ các hoạt động của mình, nhưng lại không thể xử phạt bất kỳ một bang nào với lý do không đóng góp vào ngân sách liên bang. Các bang được quyền kiểm soát việc đánh thuế cùng mức thuế và từng bang có thể phát hành đồng tiền riêng. Khi có tranh chấp giữa các bang - và có nhiều tranh cãi về ranh giới bang không được giải quyết - thì Quốc hội đóng vai trò trung gian hòa giải và phân xử nhưng vẫn không thể buộc các bang phải chấp nhận các quyết định của mình.
Việc thiếu một đồng tiền thống nhất và ổn định đã phá vỡ hoạt động buôn bán giữa các bang với nhau và giữa các bang với các nước khác. Không chỉ giá trị của tiền giấy giữa các bang không thống nhất mà một số bang (như New York và Virginia) lại đánh thuế vào hàng hóa nhập khẩu từ các bang khác, do đó gây ra những hành động trả đũa. Đến nỗi các bang đã có thể tuyên bố, như lời cơ quan thanh tra tài chính liên bang, rằng "uy tín nhà nước của chúng ta không còn nữa". Vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi các bang mới giành được độc lập này do đã đột ngột tách khỏi Anh nên không còn được hưởng đối xử ưu đãi tại các cảng của Anh nữa. Khi Đại sứ Hoa Kỳ John Adams tìm cách đàm phán một hiệp định thương mại vào năm 1785 thì người Anh đã từ chối với lý lẽ viện ra rằng các bang riêng lẻ không bị ràng buộc bởi hiệp định này.
Một chính quyền trung ương non yếu, không đủ sức mạnh hậu thuẫn cho các chính sách của mình bằng lực lượng quân sự, thì tất yếu sẽ bị trói tay cả trong lĩnh vực ngoại giao. Người Anh không chịu rút quân đội của họ ra khỏi các căn cứ và thương cảng thuộc "Lãnh thổ miền Tây Bắc" (Northwest Territory) của quốc gia mới này như họ đã thỏa thuận trong hòa ước năm 1783 đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh Cách mạng[2]. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn nữa khi các sĩ quan Anh ở các vùng biên giới phía bắc và các sĩ quan Tây Ban Nha ở phía nam cung cấp vũ khí cho bộ tộc người Anhđiêng và xúi giục họ tấn công những người định cư Mỹ. Người Tây Ban Nha, nắm trong tay việc kiểm soát Florida và Louisiana cũng như toàn bộ lãnh thổ phía tây sông Mississipi, cũng từ chối không cho phép các điền chủ ở miền tây dùng cảng New Orleans để vận chuyển hàng hóa.
Mặc dù có những dấu hiệu phồn vinh trở lại ở một vùng của quốc gia non trẻ này nhưng các vấn đề trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng. Người ta ngày càng thấy rõ rằng chính quyền trung ương của liên bang không đủ mạnh để thiết lập một hệ thống tài chính lành mạnh, quản lý thương mại, thực thi các hiệp ước hoặc dùng đến sức mạnh quân sự chống lại kẻ thù ngoại bang khi cần thiết. Những chia rẽ nội bộ giữa điền chủ và thương nhân, giữa con nợ và chủ nợ và giữa bản thân các bang với nhau ngày càng trở nên nghiêm trọng. Với cuộc bạo động của những người nông dân cùng quẫn do Shays cầm đầu vào năm 1786 còn in đậm trong tâm trí mọi người, George Washington đã cảnh báo: "Bang nào cũng chứa đựng những chất dễ cháy mà chỉ cần một tia lửa cũng có thể cháy bùng lên".
Ý thức về thảm hoạ chính trị và việc cần phải có sự thay đổi triệt để đã bao trùm bầu không khí Hội nghị lập hiến được bắt đầu vào ngày 25 tháng 5 năm 1787. Tất cả các đại biểu đều tin rằng phải có một chính quyền trung ương hữu hiệu với những quyền lực cưỡng bách rộng rãi để thay thế cho Quốc hội bất lực lập ra theo Điều lệ Liên bang. Thoạt đầu các đại biểu nhất trí rằng chính quyền mới sẽ gồm ba ngành tách biệt - lập pháp, tư pháp và hành pháp, - từng ngành có những quyền riêng biệt để cân đối với những quyền của hai ngành kia. Mọi người cũng nhất trí rằng ngành lập pháp - giống như Nghị viện Anh - cần gồm có hai viện.
Tuy nhiên, ngoài điểm trên đây, vẫn có những bất đồng quan điểm sâu sắc đôi khi có nguy cơ phá vỡ Hội nghị và làm gián đoạn các cuộc thảo luận trước khi hiến pháp được thảo ra. Các bang lớn thì ủng hộ việc phân bổ số người đại diện trong cơ quan lập pháp tỷ lệ với số dân - mỗi bang cần có số phiếu biểu quyết nhiều ít tuỳ theo số dân của mình. Sợ bị sự áp đảo của các bang lớn, các bang nhỏ một mực đòi tất cả các bang đều có quyền đại diện ngang nhau. Vấn đề này đã được giải quyết bằng sự "Thỏa hiệp Lớn", một biện pháp dành cho các bang có quyền đại diện ngang bằng nhau trong một viện và quyền đại diện tỷ lệ theo số dân trong viện kia. Mỗi bang sẽ có hai ghế trong Thượng viện. Số ghế trong Hạ viện sẽ phụ thuộc vào dân số từng bang. Vì được cho là gần gũi hơn với thái độ của đa số dân cư, Hạ viện được trao quyền khởi xướng mọi luật lệ liên quan tới các nguồn thu và ngân sách của liên bang.
Sự Thỏa hiệp Lớn này đã chấm dứt mối bất hòa giữa các bang lớn và nhỏ, nhưng trong suốt mùa hè năm đó các đại biểu cũng đã đi đến nhiều thỏa hiệp khác. Một số đại biểu, lo sợ phải trao quá nhiều quyền lực cho người dân, đã yêu cầu bầu cử gián tiếp đối với tất cả quan chức liên bang; nhưng những đại biểu khác lại muốn một nền tảng cử tri càng rộng lớn càng tốt. Một số muốn loại trừ các lãnh thổ miền tây khỏi khả năng sau này có thể được mang quy chế bang; nhưng những đại biểu khác lại nhận thấy sức mạnh tương lai của đất nước nằm ở những vùng đất nguyên sơ bên ngoài dãy núi Appalachian. Có những lợi ích cục bộ cần được cân đối, có những quan điểm khác nhau về nhiệm kỳ, quyền lực và phương thức bầu chọn tổng thống cần được dung hòa, và những quan niệm đối lập nhau về vai trò của ngành tư pháp liên bang.
Một số ý tưởng thể hiện trong Hiến pháp là mới mẻ, nhưng nhiều ý tưởng được đúc rút từ truyền thống cai trị của Anh và từ kinh nghiệm thực tiễn trong chế độ tự trị của 13 bang. Bản Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện chỉ đường quan trọng, hướng tâm trí các đại biểu tập trung vào những ý tưởng tự trị và bảo toàn những quyền cơ bản của con người. Những bài viết của các nhà triết học chính trị châu Âu như Montesquieu và John Locke cũng có nhiều ảnh hưởng.
Đến cuối tháng 7, hội nghị cử ra một ủy ban để dự thảo một văn kiện dựa trên những thỏa thuận đã đạt được. Sau thêm một tháng thảo luận và gọt giũa nữa, một ủy ban thứ hai do thống đốc Morris đứng đầu, hoàn thành bản dự thảo cuối cùng, được đệ trình để ký kết vào ngày 17 tháng Chín. Không phải tất cả các đại biểu đều hài lòng với kết quả này; một số đã bỏ về trước buổi lễ, và trong số những người ở lại, có ba người không chịu ký là Edmund Randolph và George Mason của Virginia, Elbridge Gerry của Massachusetts. Trong số 39 người đặt bút ký có lẽ chẳng ai hoàn toàn thỏa mãn và quan điểm của họ đã được Benjamin Franklin tóm tắt đầy đủ khi ông nói: "Có một vài phần trong bản Hiến pháp này hiện tại tôi chưa chấp thuận, nhưng tôi không đoan quyết là tôi sẽ không bao giờ chấp thuận những phần ấy". Tuy nhiên ông chấp nhận bản Hiến pháp này "bởi tôi chẳng thể mong đợi một văn kiện xuất sắc hơn và tôi cũng không thể quả quyết rằng đây không phải là văn kiện xuất sắc nhất".[3]

PHẦN 2. NỘI DUNG HIẾN PHÁP
Hiến pháp Hoa kỳ được tiểu bang đầu tiên (Bang Delaware), phê chuẩn vào ngày 07/12/1787 và chính thức có hiệu lực ngày 21/07/1788 khi Bang thứ chín là New Hampshire phê chuẩn, ban đầu Hiến pháp chỉ có 7 điều quy định về những vấn đề cơ bản nhất của nhà nước liên bang như điều 1 quy định về ngành lập pháp; điều 2 quy định về Chính phủ - Ngành hành pháp; điều 3 quy định về ngành tư pháp; về mối liên hệ giữa các Bang; điều 5 về sửa đổi Hiến pháp; điều 6 về các khoản nợ quốc gia; điều 7 về phê chuẩn Hiến pháp. Do trong nội dung ban đầu của Hiến pháp không hề đề cập đến các quyền cơ bản của công dân (ngoài quyền về chính trị tại điều 1 khoản 2 và 3), vì vậy ngay từ khi mới ra đời nó đã gặp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía nhân dân Hoa kỳ. Trên tinh thần đó mười điều sửa đổi bổ sung đầu tiên đã được đề xuất ngày 25/09/1789 và được chính thức phê chuẩn ngày 15/12/1791. Ban đầu, các Điều bổ sung sửa đổi chỉ hạn chế Chính phủ Liên bang. Nhưng Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 tuyên bố rằng không bang nào có thể tước đoạt cuộc sống, quyền tự do, hay tài sản của bất kỳ ai mà không thông qua “quy trình pháp lý phù hợp”. Tòa án Tối cao đã diễn đạt những từ này có nghĩa là hầu hết Tuyên ngôn Nhân quyền được áp dụng để giới hạn quyền của các bang cũng như của các chính quyền địa phương; và tính từ thời điểm sửa đổi bổ sung đầu tiên cho đến ngày hôm nay Hiến pháp Hoa kỳ đã trải qua 27 lần sửa đổi, bổ sung, lần gần đây nhất là sửa đổi về lương của thành viên Quốc hội vào ngày 07/05/1992. Nội dung chủ yếu của Hiến pháp Hoa kỳ là quy định về các cành quyền lực nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp), vì vậy trong tài liệu tham khảo này chúng tôi cũng chỉ giới thiệu tới bạn đọc về 3 ngành quyền lực này mà thôi.

1. NGÀNH LẬP PHÁP: QUYỀN LỰC CỦA QUỐC HỘI
Điều I của Hiến pháp trao toàn bộ quyền lập pháp của chính quyền liên bang cho một Quốc hội được chia thành hai viện – Thượng viện và Hạ viện. Thượng viện là viện nhỏ hơn, trong đó theo quy định của Hiến pháp mỗi bang có hai thành viên. Thượng viện hiện nay có 100 thành viên. Còn ở Hạ viện, tư cách thành viên được xác định căn cứ vào dân số và diện tích của bang, do đó không được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Số thành viên của Hạ viện hiện nay là 435 người.
Trong hơn một trăm năm sau ngày Hiến pháp được thông qua, các thượng nghị sĩ không do dân chúng bỏ phiếu để bầu trực tiếp, mà do các nhà lập pháp của bang lựa chọn và được coi như đại diện của các bang. Nhiệm vụ của các thượng nghị sĩ là bảo đảm cho bang mình được đối xử bình đẳng trước pháp luật. Điều sửa đổi Hiến pháp thứ 17, thông qua năm 1913, đã quy định việc bầu trực tiếp đối với Thượng viện.
Tiêu chuẩn của thành viên Quốc hội
Hiến pháp yêu cầu thượng nghị sĩ Mỹ phải có tuổi đời ít nhất là 30, có ít nhất 9 năm là công dân Hợp chủng quốc, và là người cư trú tại bang đã bầu họ. Thành viên Hạ viện ít nhất phải đủ 25 tuổi, là công dân Hợp chủng quốc ít nhất 7 năm, và là người cư trú tại bang đã tiến cử họ vào Quốc hội. Các bang có thể đặt thêm những yêu cầu khác cho việc bầu cử vào Quốc hội, song Hiến pháp cho quyền mỗi viện quy định các tiêu chuẩn thành viên của mình.
Mỗi bang có quyền có hai thượng nghị sĩ. Do vậy, Rhode Island, bang nhỏ nhất với diện tích 3.156 km2 cũng có số đại diện ở Thượng viện bằng số đại diện của bang Alaska, bang lớn nhất có diện tích khoảng 1.524.640 km2. Bang Wyoming, với 480.000 dân, cũng có số đại diện bằng số đại diện của bang California có 32.270.000 dân.
Tổng số thành viên của Hạ viện do Quốc hội quy định, sau đó con số này được phân bổ cho các bang theo dân số. Bất kể dân số là bao nhiêu, mỗi bang đều được Hiến pháp bảo đảm có ít nhất một thành viên trong Hạ viện. Hiện nay có sáu bang – Alaska, Delaware, North Dakota, South Dakota, Vermont và Wyoming – mỗi bang chỉ có một đại diện ở Hạ viện, và sáu bang khác, mỗi bang có số đại diện là hơn 20 người – riêng California hiện có 52 đại diện.
Hiến pháp quy định 10 năm một lần tiến hành tổng điều tra dân số, và phân chia lại số ghế trong Hạ viện theo sự thay đổi dân số. Theo các điều khoản nguyên thủy của Hiến pháp, số đại diện không được lớn hơn 1 trên 30.000 công dân. Hạ viện đầu tiên có khoảng 65 thành viên, và con số này đã lên đến 106 sau cuộc điều tra dân số lần thứ nhất. Nếu tuân thủ triệt để công thức cứ 30.000 công dân được có một đại diện thì sự gia tăng dân số Hoa Kỳ đã có thể nâng tổng số đại diện lên khoảng 7.000 người. Trái lại, công thức này được điều chỉnh qua các năm, và ngày nay tỷ lệ đại diện cho dân chúng là 1 trên 600.000.
Cơ quan lập pháp của bang chia các bang thành các quận có tính chất như một đơn vị bầu cử quốc hội, với dân số về cơ bản phải tương đương nhau. Cứ hai năm một lần, các cử tri của mỗi quận chọn ra một đại diện của mình tại Quốc hội.
Thượng nghị sĩ được lựa chọn qua các cuộc bầu cử trên toàn bang, được tổ chức vào các năm chẵn. Nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ là sáu năm, và cứ hai năm một lần, 1/3 số thượng nghị sĩ được bầu lại. Do đó, có 2/3 thượng nghị sĩ luôn luôn là những người đã có những kinh nghiệm lập pháp nhất định ở cấp quốc gia.
Quyền lực của hạ viện và thượng viện
Mỗi viện của Quốc hội có quyền đưa ra văn bản pháp lý về bất cứ vấn đề gì trừ các dự luật về thu ngân sách là phải bắt nguồn từ Hạ viện. Do vậy, có thể các bang lớn bề ngoài dường như có nhiều ảnh hưởng đối với công quỹ hơn so với các bang nhỏ. Song trên thực tế mỗi viện đều có quyền bỏ phiếu chống lại những văn bản pháp lý đã được viện kia thông qua. Thượng viện có thể không tán thành một dự luật về thu ngân sách của Hạ viện – hoặc bất kỳ một dự luật nào liên quan đến vấn đề này – hoặc bổ sung những sửa đổi làm thay đổi bản chất của chúng. Trong trường hợp đó, một tiểu ban tham vấn, được thành lập bao gồm thành viên của cả hai viện, phải đi tới được một sự thỏa hiệp có thể chấp nhận đối với cả hai bên trước khi dự luật trở thành luật.
Thượng viện cũng có những quyền hạn nhất định dành riêng cho cơ quan này, trong đó có quyền xác nhận sự bổ nhiệm của tổng thống đối với các quan chức cao cấp và các đại sứ của chính quyền liên bang, cũng như quyền phê chuẩn tất cả các hiệp ước với 2/3 số phiếu thuận. Trong cả hai trường hợp, hành động không ủng hộ của Thượng viện sẽ vô hiệu hóa hành động của ngành hành pháp.
Trong trường hợp luận tội các quan chức liên bang, Hạ viện có toàn quyền đưa ra lời buộc tội về hành vi bất chính có thể dẫn tới việc xét xử ở tòa án. Thượng viện cũng có toàn quyền kiểm tra những trường hợp luận tội và xác minh xem các quan chức là có tội hay vô tội. Khi bị phát hiện là phạm tội, quan chức liên bang sẽ buộc phải rời khỏi cơ quan nhà nước.
Quyền hạn rộng lớn của Quốc hội được nêu rõ trong Điều I của Hiến pháp:
· Đánh thuế và thu thuế;
· Vay tiền cho công quỹ;
· Thiết lập các luật lệ và các quy chế điều chỉnh quan hệ thương mại giữa các bang và với nước ngoài;
· Thiết lập các quy định thống nhất cho việc nhập tịch của công dân nước ngoài;
· Đúc tiền và in tiền, công bố giá trị của nó và đưa ra những hình phạt đối với việc làm tiền giả;
· Thiết lập các chuẩn mực cho trọng lượng và các thước đo;
· Thiết lập luật phá sản trong cả nước;
· Thiết lập các trạm bưu điện và các mạng lưới bưu điện;
· Cấp bằng sáng chế và các bản quyền;
· Thiết lập hệ thống tòa án liên bang;
· Trừng phạt tội ăn cắp bản quyền;
· Tuyên bố chiến tranh;
· Phát triển và hỗ trợ quân đội;
· Chu cấp cho hải quân;
· Kêu gọi lực lượng dân vệ thực thi các luật liên bang; trấn áp các hành động phạm pháp hoặc đẩy lùi các cuộc xâm lược của các thế lực nước ngoài;
· Làm ra tất cả các luật cho trụ sở của chính quyền (Washington D.C);
· Làm ra tất cả các luật cần thiết để cho Hiến pháp có hiệu lực.
Một vài quyền hạn trong số này ngày nay đã lạc hậu nhưng chúng vẫn còn hiệu lực. Điều sửa đổi Hiến pháp thứ mười đã thiết lập những giới hạn xác định đối với quyền lực của Quốc hội bằng việc quy định rằng những quyền hạn không được trao cho chính phủ quốc gia thì được trao cho các bang hay cho dân chúng. Ngoài ra, Hiến pháp cũng có những điều cấm cụ thể đối với những hoạt động nhất định của Quốc hội. Quốc hội không được phép:
· Tạm hoãn lệnh đòi bắt giam – yêu cầu người bị tố cáo là phạm tội phải ra trình diện trước thẩm phán hoặc tòa án trước khi thụ án – trừ phi đó là cần thiết trong thời gian xảy ra nổi loạn hay nạn ngoại xâm;
· Thông qua các luật trong đó lên án ai đó về sự phạm tội hay hành vi phạm pháp mà không thông qua tòa án;
· Thông qua bất cứ luật nào đã có hiệu lực từ trước trong việc khiến cho một hành động cụ thể được coi là một tội phạm;
· Đánh thuế trực thu lên công dân, trừ trường hợp dựa trên cơ sở một cuộc điều tra dân số đã được tiến hành;
· Đánh thuế hàng xuất khẩu từ bất cứ bang nào;
· Dành ưu đãi đặc biệt về thương mại hoặc thuế đối với các cảng biển của một bang bất kỳ hay các tàu thuyền lớn sử dụng chúng; và
· Phê chuẩn bất kỳ một tước vị qúy tộc nào.
Các quan chức của Quốc hội
Hiến pháp quy định phó tổng thống sẽ là chủ tịch Thượng viện. Phó tổng thống không có quyền bỏ phiếu, trừ trường hợp hai bên bằng phiếu nhau. Thượng viện chọn một chủ tịch lâm thời để điều hành khi phó tổng thống vắng mặt. Hạ viện tự chọn quan chức điều hành của mình – tức chủ tịch Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện và chủ tịch lâm thời Thượng viện bao giờ cũng là thành viên của chính đảng có số đại diện lớn nhất ở mỗi viện.
Vào đầu mỗi nhiệm kỳ Quốc hội mới, thành viên của các chính đảng lựa chọn các nhà lãnh đạo của viện và các quan chức khác để xử lý khối lượng các văn bản pháp luật được đề nghị. Các quan chức này, cùng với các quan chức điều hành và chủ tịch các ủy ban, ảnh hưởng mạnh mẽ đối với quá trình làm luật.
Quá trình làm luật tại các ủy ban
Một trong những đặc trưng chủ yếu của Quốc hội là vai trò chi phối của các ủy ban trong tiến tình hoạt động của nó. Việc các ủy ban đảm nhận vai trò quan trọng như ngày nay là kết quả của cả một tiến trình, chứ không phải theo quy định của Hiến pháp, bởi Hiến pháp không có điều khoản nào quy định việc thành lập các ủy ban này.
Hiện nay, Thượng viện có 17 ủy ban thường trực còn Hạ viện có 19 ủy ban. Mỗi ủy ban chuyên trách trong những lĩnh vực lập pháp cụ thể: các vấn đề đối ngoại, quốc phòng, ngân hàng, nông nghiệp, thương mại, phân bổ ngân sách và các lĩnh vực khác. Mỗi dự luật được đưa ra trong từng viện sẽ được chuyển cho một ủy ban để nghiên cứu và khuyến nghị. Uỷ ban này có thể thông qua, sửa đổi, bác bỏ hay gác lại bất cứ một biện pháp nào được gửi tới cho nó. Một dự luật hầu như không thể tới được Hạ viện hay Thượng viện nếu trước hết không được sự thông qua của cấp ủy ban. Ở Hạ viện, kiến nghị về giải phóng một dự luật ra khỏi một ủy ban cần phải có chữ ký của 218 thành viên; ở Thượng viện, cần được đa số các thành viên ủng hộ. Trong thực tế, những kiến nghị như vậy rất ít khi nhận được sự ủng hộ cần có.
Chính đảng chiếm đa số trong mỗi viện sẽ kiểm soát quá trình làm việc của ủy ban. Chủ tịch ủy ban được lựa chọn bởi một cuộc họp kín của các đảng viên hay của một nhóm thành viên được chỉ định đặc biệt. Các đảng thiểu số có số đại diện tương ứng trong các ủy ban, tuỳ theo sức mạnh của họ ở mỗi viện.
Các dự luật được đề xuất theo nhiều phương pháp. Một số do các ủy ban thường trực soạn thảo; một số do các ủy ban đặc biệt xây dựng nên để giải quyết những vấn đề pháp lý cụ thể; và một số có thể do tổng thống hay các quan chức hành pháp khác gợi ý. Các công dân và các tổ chức khác ngoài Quốc hội có thể đề xuất văn bản pháp lý với các thành viên Quốc hội, và bản thân các cá nhân thành viên cũng có thể đề xướng các dự luật. Sau khi được đề xuất, các dự luật sẽ được chuyển tới các ủy ban có trách nhiệm mà trong đa số các trường hợp, các ủy ban này sẽ lên lịch cho một loạt buổi điều trần để cho phép những người ủng hộ hay phản đối văn bản pháp lý đó trình bày quan điểm của mình. Quá trình điều trần này, có thể kéo dài vài tuần hay vài tháng, mở ra cho công chúng tham gia vào quá trình lập pháp.
Một ưu điểm của hệ thống ủy ban là nó cho phép các thành viên Quốc hội và đội ngũ nhân viên của họ tích lũy được một mức độ am tường đáng kể trong những lĩnh vực lập pháp khác nhau. Trong những ngày đầu của nền cộng hòa, khi dân số còn nhỏ và các nhiệm vụ của chính quyền liên bang còn hạn hẹp, thì sự am tường như thế không mấy quan trọng. Mỗi nghị sĩ đều là người có năng lực tổng hợp và họ xử lý một cách có kiến thức tất cả các lĩnh vực quan tâm. Tính chất phức tạp của đời sống quốc gia hiện nay đòi hỏi những tri thức chuyên sâu, có nghĩa là các đại biểu được lựa chọn phải thường xuyên tích luỹ sự tinh thông nghiệp vụ trong một vài lĩnh vực chính sách công cộng.
Khi một ủy ban đã hành động ủng hộ một dự luật, văn bản pháp lý được đề nghị bấy giờ sẽ được chuyển đến hội trường để tranh luận công khai. Tại Thượng viện, các quy định cho phép tranh luận hầu như không hạn chế. Nhưng tại Hạ viện, do có số lượng thành viên lớn, Uỷ ban quy chế thường đặt ra các giới hạn. Khi cuộc tranh cãi chấm dứt, các thành viên bỏ phiếu thông qua, bác bỏ, hoãn lại việc xem xét dự luật - nghĩa là gác dự luật đó sang một bên và như vậy là hầu như bác bỏ nó - hay gửi trả dự luật về ủy ban. Một dự luật được một viện thông qua sẽ được chuyển tới viện kia để xem xét. Nếu dự luật đó bị viện thứ hai sửa đổi thì một ủy ban tham vấn bao gồm thành viên của cả hai viện sẽ cố gắng dung hòa những ý kiến bất đồng.
Khi đã được cả hai viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên tổng thống, vì theo Hiến pháp thì tổng thống phải tác động tới một dự luật để cho nó trở thành luật. Tổng thống có quyền lựa chọn, hoặc ký vào dự luật - nhờ đó nó trở thành luật - hoặc phủ quyết nó. Một dự luật bị tổng thống phủ quyết phải được phê chuẩn lại với hai phần ba số phiếu thuận ở cả hai viện thì mới trở thành luật.
Tổng thống cũng có quyền khước từ việc ký hay phủ quyết một dự luật. Trong trường hợp đó, dự luật sẽ trở thành luật mà không cần chữ ký của tổng thống sau 10 ngày kể từ khi nó đến tay tổng thống (không tính ngày chủ nhật). Ngoại lệ duy nhất đối với quy định này là khi Quốc hội ngừng họp sau khi trình dự luật lên tổng thống và trước khi thời hạn 10 ngày kết thúc; khi đó sự khước từ của tổng thống đối với bất kỳ hành động nào sẽ phủ định hoàn toàn dự luật - quá trình này được gọi là "ngầm phủ quyết" ( pocket veto ).
Hệ thống các ủy ban của Quốc hội
Hiến pháp không có quy định cụ thể phải có các ủy ban trong Quốc hội. Tuy nhiên, khi quốc gia phát triển thì mức độ cần thiết phải xem xét các văn bản pháp luật sắp ban hành cũng tăng lên.
Hệ thống các ủy ban được hình thành từ năm 1789, khi các thành viên Hạ viện tự thấy họ bị sa lầy vào các cuộc thảo luận bất tận về các luật mới được đề xuất. Các ủy ban đầu tiên có nhiệm vụ giải quyết các yêu sách từ hồi Chiến tranh Cách mạng, những con đường và lãnh thổ liên quan tới hệ thống bưu điện, và quan hệ thương mại với các nước khác. Trong suốt nhiều năm, các ủy ban được thành lập và giải thể đáp ứng những thay đổi về chính trị, xã hội và kinh tế. Ví dụ, Uỷ ban Những yêu sách trong Chiến tranh Cách mạng không còn cần thiết nữa, nhưng cả hai viện của Quốc hội đều có một Uỷ ban Các vấn đề về Cựu chiến binh.
Quốc hội khóa 106 (1999-2000) có 19 ủy ban thường trực ở Hạ viện và 17 ở Thượng viện, cộng với 4 ủy ban chung, thường xuyên, bao gồm các thành viên của cả hai viện: Uỷ ban Thư viện của Quốc hội, Uỷ ban về In ấn, Uỷ ban Thuế và Uỷ ban Kinh tế học. Ngoài ra, mỗi viện có thể chỉ định những tiểu ban đặc biệt, hay lựa chọn ra các ủy ban để nghiên cứu những vấn đề cụ thể. Do khối lượng công việc tăng lên, các ủy ban thường trực lại đẻ ra khoảng 150 tiểu ban.
Thực ra tất cả các ủy ban này làm gì? Đối với mỗi dự luật - việc dự thảo một dự luật được đưa ra trước Quốc hội - ủy ban chịu trách nhiệm tiến hành điều tra toàn diện đề nghị này. Uỷ ban đó thường tiến hành các cuộc điều trần để thu thập những chứng cứ từ các nhân chứng chuyên môn, trong đó có thể bao gồm các thành viên Quốc hội không nằm trong ủy ban, các quan chức ngành hành pháp, các đại diện của các tổ chức trong khu vực tư nhân và cá nhân các công dân.
Sau khi thu thập được tất cả các sự kiện, ủy ban sẽ quyết định có nên báo cáo một dự luật mới theo tinh thần ủng hộ hay không, hay kèm theo một khuyến nghị rằng nó phải được sửa đổi trước khi được thông qua. Đôi khi các dự luật sẽ bị gác sang một bên hoặc để lại sau, mà thực tế là chấm dứt việc xem xét nó. Tuy nhiên, khi các dự luật được các ủy ban báo cáo lên và được toàn thể Thươùng viện hay Hạ viện thông qua, thì một ủy ban khác sẽ bắt tay vào công việc, thảo luận bất cứ sự khác biệt nào giữa các văn bản của Thượng viện và Hạ viện về cùng dự luật đó. "Uỷ ban tham vấn" này, bao gồm thành viên của cả hai viện, sẽ hoàn tất một dự luật hội đủ sự thỏa mãn của tất cả các thành viên, sau đó trình lên Thượng viện và Hạ viện để thảo luận lần cuối và bỏ phiếu. Nếu được thông qua, dự luật đó sẽ được trình lên tổng thống để ký.











Các Uỷ ban thường trực của Quốc hội
Hạ viện
Nông nghiệp
Chuẩn chi
Ngân hàng và Dịch vụ tài chính
Quân lực
Ngân sách
Thương mại
Giáo dục và Lao động
Cải cách và Giám sát chính quyền
Quản lý nhà ở
Quan hệ quốc tế
Tư pháp
Tài nguyên
Luật lệ
Khoa học
Kinh doanh nhỏ
Các chuẩn mực quản lý chính thức
Vận tải và kết cấu hạ tầng
Các phương thức và phương tiện
Thượng viện
Nông nghiệp, Dinh dưỡng và Lâm nghiệp
Chuẩn chi
Quân lực
Ngân hàng
Ngân sách
Thương mại, Khoa học và Vận tải
Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên
Môi trường và Công chính
Tài chính
Quan hệ đối ngoại
Công việc chính phủ
Y tế, Giáo dục, Lao động và Hưu trí
Các vấn đề của người Anhđiêng
Tư pháp
Luật lệ và Hành chính
Kinh doanh nhỏ
Các vấn đề về Cựu chiến binh


Quyền điều tra của Quốc hội
Một trong những chức năng không phải lập pháp nhưng quan trọng nhất của Quốc hội là quyền điều tra. Quyền này thường được trao cho các ủy ban - hoặc là các ủy ban thường trực, các ủy ban đặc biệt được thành lập cho một mục đích cụ thể, hoặc các ủy ban chung bao gồm các thành viên của cả hai viện.
Các cuộc điều tra được tiến hành nhằm thu thập thông tin về sự cần thiết đối với các văn bản pháp lý trong tương lai, thẩm định tính hiệu lực của các luật đã được thông qua, tìm hiểu phẩm chất và hoạt động của các thành viên và các quan chức của các ngành khác, và trong những trường hợp hiếm hoi, đặt cơ sở cho các quá trình buộc tội. Thông thường, các ủy ban dựa vào sự giúp đỡ của các chuyên gia ở bên ngoài trong việc tiến hành các cuộc điều trần có tính chất điều tra và thực hiện những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể đối với các vấn đề.
Quyền điều tra có những hệ quả quan trọng. Một trong số đó là quyền công bố các cuộc điều tra và kết quả điều tra. Hầu hết các cuộc điều trần của ủy ban được đưa ra công khai trước công chúng và được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do vậy, các cuộc điều tra của Quốc hội thể hiện một công cụ quan trọng sẵn có cho các nhà lập pháp thông tin tới các công dân và khơi dậy mối quan tâm của dân chúng đối với các vấn đề quốc gia. Các ủy ban của Quốc hội cũng có quyền buộc các nhân chứng không có thiện chí phải đưa ra lời xác nhận, có quyền gọi ra tòa những nhân chứng đã khước từ việc làm chứng về tội đã coi thường Quốc hội và những người đã đưa ra những bằng chứng sai sự thật về tội khai man.
Các hoạt động không chính thức của Quốc hội
Trái với hệ thống nghị viện châu Âu, sự lựa chọn và ứng xử của các nhà lập pháp Hoa Kỳ rất ít liên quan tới kỷ luật của trung ương đảng. Mỗi chính đảng chủ yếu ở Mỹ về căn bản là một khối liên minh của các tổ chức địa phương và bang, kết hợp với nhau có chức năng như một đảng quốc gia - Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa - trong các cuộc bầu cử tổng thống bốn năm một lần. Do vậy, các thành viên của Quốc hội có được vị trí của họ là nhờ các cử tri đủ tư cách của bang hay ở địa phương của họ, chứ không phải là nhờ ban lãnh đạo đảng quốc gia hay các đồng nghiệp trong Quốc hội. Kết quả là, ứng xử lập pháp của các đại diện và các thượng nghị sĩ có xu hướng mang tính cá thể và có phong cách riêng, phản ánh tính đa dạng của các khối cử tri bầu cử, và quyền tự do bắt nguồn từ chỗ đã tạo dựng được một khối cử tri riêng trung thành.
Do vậy, Quốc hội là một cơ quan mà quyền lực được chia sẻ đồng đều giữa các thành viên, chứ không phải là một cơ quan có phần đẳng cấp. Quyền lực không chảy từ trên xuống dưới như trong một công ty, mà gần như theo mọi hướng. Quyền lực tập trung chỉ là tối thiểu, do quyền thưởng phạt là không đáng kể. Các chính sách của Quốc hội được đề ra bởi các liên minh chuyển đổi mà có thể thay đổi theo từng vấn đề. Đôi khi, ở những nơi có những áp lực xung đột với nhau - áp lực từ Nhà Trắng và từ các nhóm kinh tế hoặc chủng tộc quan trọng - các nhà lập pháp sẽ sử dụng những quy định về thủ tục để hoãn lại một quyết định nhằm tránh được một khu vực có ảnh hưởng. Một vấn đề có thể được hoãn lại với lý do là ủy ban chịu trách nhiệm về nó đã tổ chức những cuộc điều trần công khai chưa thỏa đáng. Hoặc Quốc hội có thể chỉ đạo một cơ quan chuẩn bị một báo cáo chi tiết trước khi vấn đề được xem xét. Hoặc một biện pháp có thể được một trong hai viện gạt sang một bên ("cho vào ngăn bàn"), do vậy trên thực tế là bác bỏ nó mà không hồi âm bất kỳ một nhận xét nào về nội dung của nó.
Có những chuẩn mực không chính thức hoặc bất thành văn về ứng xử, thường quy định những bổn phận hay ảnh hưởng của một thành viên cụ thể. "Người trong cuộc", các hạ nghị sĩ và các thượng nghị sĩ đang tập trung vào nhiệm vụ lập pháp của họ, có thể có quyền lực lớn hơn trong hội trường Quốc hội so với những "người ngoài cuộc", những người được công nhận do việc đã nói lên các vấn đề quốc gia. Người ta hy vọng vào các thành viên sẽ có thái độ nhã nhặn đối với các đồng nghiệp của họ và tránh được những sự công kích cá nhân, cho dù chính sách của bên đối kháng với họ có thể cực đoan và khó chịu đến đâu đi nữa. Hơn nữa, ngươứi ta cũng hy vọng họ sẽ chuyên sâu trong một vài lĩnh vực chính sách, chứ không đòi hỏi họ phải có sự am tường đối với toàn bộ những mối quan tâm lập pháp. Những người tuân thủ nghiêm túc các quy định không chính thức này sẽ có phần chắc chắn hơn được bổ nhiệm vào những ủy ban có uy tín hay ít nhất cũng là ủy ban có tác động đến những lợi ích của một bộ phận đáng kể các cử tri của họ.
Các quyền giám sát của Quốc hội
Từ điển định nghĩa "giám sát" là "chăm sóc có tính chất theo dõi", và cách tiếp cận này đã tỏ ra là một trong những kỹ thuật hữu hiệu nhất mà Quốc hội sử dụng để gây ảnh hưởng đến ngành hành pháp. Sự giám sát của Quốc hội ngăn ngừa được tình trạng lãng phí và gian lận; bảo vệ quyền tự do công dân và các quyền của cá nhân; đảm bảo hoạt động hành pháp tuân thủ luật pháp; thu thập thông tin để xây dựng các bộ luật và giáo dục công chúng; thẩm định hoạt động hành pháp. Hoạt động giám sát này áp dụng cho các bộ trong Nội các, các cơ quan hành pháp, các ủy ban điều hành và chức vụ tổng thống.
Chức năng giám sát của Quốc hội có nhiều hình thức:
· Các cuộc điều tra và điều trần của các ủy ban;
· Các cuộc tư vấn chính thức với tổng thống và các báo cáo từ tổng thống;
· Cố vấn và chấp thuận của Thượng viện đối với những sự bổ nhiệm của tổng thống và đối với các hiệp ước;
· Các thủ tục luận tội ở Hạ viện, và sau đó là các cuộc xét xử ở Thượng viện;
· Các thủ tục của Thượng viện và Hạ viện theo điều sửa đổi Hiến pháp thứ 25 trong trường hợp tổng thống không có khả năng làm việc, hoặc vị trí phó tổng thống còn để trống;
· Các cuộc gặp không chính thức của các nhà lập pháp và các quan chức hành pháp;
· Tư cách thành viên Quốc hội trong các ủy ban của chính phủ;
· Các công trình nghiên cứu được tiến hành bởi các ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hỗ trợ như Văn phòng Ngân sách Quốc hội, Văn phòng Kế toán hay Văn phòng Thẩm định công nghệ - tất cả đều là các công cụ của Quốc hội.
Quyền giám sát của Quốc hội còn giúp cho việc buộc các quan chức phải rời khỏi cương vị, thay đổi chính sách và bảo đảm các quyền kiểm soát theo luật định đối với hoạt động hành pháp. Ví dụ, năm 1949, các tiểu ban điều tra đặc biệt của Thượng viện đưa ra bằng chứng phơi bày tình trạng tham nhũng trong các quan chức cao cấp của chính quyền Truman. Điều đó đã dẫn đến kết quả là việc tổ chức lại một số cơ quan và lập ra một ủy ban đặc nhiệm của Nhà Trắng để xem xét vấn đề tham nhũng trong chính phủ. Các cuộc điều trần được truyền hình tại Uỷ ban Các quan hệ đối ngoại của Thượng viện vào cuối những năm 60 thế kỷ XX đã giúp phát động phong trào phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam.
Cuộc điều tra của Quốc hội năm 1973 về vụ Watergate đã vạch trần việc các quan chức Nhà Trắng sử dụng trái phép địa vị của họ để tạo ra lợi thế chính trị, và thủ tục luận tội của Uỷ ban Tư pháp Hạ viện đối với Tổng thống Richard Nixon vào năm sau đó đã chấm dứt tư cách tổng thống của ông này. Những cuộc điều tra của ủy ban có chọn lọc trong năm 1975 và 1976 đã xác định tình trạng lộng hành nghiêm trọng của các cơ quan tình báo, và đề xuất những văn bản pháp luật mới để kiểm soát một số hoạt động tình báo nhất định.
Năm 1983, cuộc điều tra của Quốc hội đối với một đề xuất củng cố các hoạt động thanh tra biên giới của Cơ quan Hải quan và Cơ quan Nhập cư và Nhập tịch Hoa Kỳ đã làm phát sinh các vấn đề về quyền của cơ quan hành pháp trong việc tạo ra một sự thay đổi mà không có những văn bản pháp luật mới. Năm 1987, các nỗ lực giám sát đã công bố những vụ vi phạm pháp luật trong việc bí mật bán vũ khí cho Iran của ngành hành pháp, và việc làm sai lệch các khoản lợi nhuận thu được từ vũ khí cho các lực lượng chống chính phủ Nicaragoa, được gọi là các lực lượng đối nghịch. Những phát hiện của Quốc hội đã đưa tới việc đề xuất các văn bản pháp lý nhằm ngăn chặn việc xảy ra những trường hợp tương tự.
Việc điều tra của một ủy ban lưỡng đảng của Quốc hội và những cuộc điều trần lại Thượng viện sau đó trong hai năm 1996 và 1997 đã khám phá ra những trường hợp lạm dụng và quản lý sai trái trong Cục Thu nhập nội bộ (IRS), cơ quan liên bang chịu trách nhiệm thu thuế thu nhập. Uỷ ban Tài chính Thượng viện đã nghe điều trần của các nhân viên IRS, những người cho rằng họ đã phải chịu những sức ép đòi phải thu những khoản thuế còn chịu lớn đến nỗi những người chịu thuế đôi khi bị quấy rầy, và nghe điều trần của những công dân nói rằng họ đã bị IRS tố cáo một cách sai trái và săn lùng một cách hung hãn vì không nộp thuế. Năm 1998, Quốc hội đã thông qua luật cải cách IRS, lập ra một ban giám sát độc lập và mở rộng những sự bảo vệ đối với người dân nộp thuế, trong đó có việc chuyển gánh nặng phải đưa ra chứng cứ trong những tranh chấp về thuế từ người nộp thuế sang cơ quan IRS.
2. NGÀNH HÀNH PHÁP: QUYỀN LỰC CỦA TỔNG THỐNG
Hiến pháp đòi hỏi tổng thống phải là công dân Mỹ sinh ra trên đất Mỹ và có tuổi đời ít nhất là 35 tuổi. Các ứng cử viên tổng thống được các chính đảng bầu chọn nhiều tháng trước cuộc bầu cử tổng thống, được tổ chức 4 năm một lần (những năm có số năm chia hết cho 4) vào ngày Thứ Ba đầu tiên sau ngày Thứ Hai đầu tiên của tháng Mười Một. Điều sửa đổi Hiến pháp thứ 22, được phê chuẩn năm 1951, giới hạn tổng thống chỉ được giữ hai nhiệm kỳ.
Phó tổng thống phục vụ đồng thời với tổng thống. Ngoài quyền được kế nhiệm, phó tổng thống giữ quyền chủ tịch Thượng viện. Điều sửa đổi Hiến pháp thứ 25, được thông qua năm 1967, quy định cụ thể hơn quá trình kế nhiệm tổng thống. Nó quy định những điều kiện cụ thể mà theo đó phó tổng thống được trao quyền đảm nhiệm cương vị tổng thống nếu tổng thống tỏ ra không còn khả năng làm việc. Điều sửa đổi Hiến pháp này cũng quy định việc tổng thống được trở lại cương vị của mình trong trường hợp sức khoẻ của ông được phục hồi. Ngoài ra, điều sửa đổi Hiến pháp này còn cho phép tổng thống chỉ định một phó tổng thống, với sự tán hành của Quốc hội, khi chức vụ thứ hai này bị bỏ trống.
Hiến pháp trao cho Quốc hội quyền lập ra thứ tự kế nhiệm sau phó tổng thống. Hiện thời, nếu cả hai chức vụ tổng thống và phó tổng thống đều bị bỏ trống thì chủ tịch Hạ viện sẽ đảm nhiệm chức vụ tổng thống. Tiếp đến là chủ tịch lâm thời của Thượng viện (một thượng nghị sĩ được Thượng viện bầu ra để chủ trì Thượng viện trong lúc không có phó tổng thống), và sau đó là các quan chức nội các theo thứ tự đã được quy định.
Phương pháp bầu tổng thống là một đặc thù của chế độ Mỹ. Tuy tên tuổi các ứng cử viên được ghi trên lá phiếu song, về mặt kỹ thuật, người dân không trực tiếp bầu ra tổng thống (và phó tổng thống). Trái lại, cử tri mỗi bang bầu ra một đoàn đại cử tri (những người sẽ bầu ra tổng thống) có số lượng bằng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ mà bang này có trong Quốc hội. ứng cử viên nào giành được số phiếu cao nhất tại mỗi bang sẽ giành được toàn bộ các "lá phiếu đại cử tri" của bang đó.
Các đại cử tri của tất cả 50 bang và quận Columbia - tổng cộng 538 người - hợp thành đại cử tri đoàn. Theo quy định của Hiến pháp, đại cử tri đoàn không khi nào họp lại với nhau như một tổ chức. Trái lại, các đại cử tri của mỗi bang sẽ họp lại với nhau tại thủ phủ bang mình ít lâu sau cuộc bầu cử và dồn phiếu bầu cho ứng cử viên có số phiếu bầu phổ thông cao nhất tại bang mình. Muốn thắng cử, ứng cử viên tổng thống phải giành được 270 phiếu đại cử tri trong tổng số 538 phiếu có thể có. Hiến pháp quy định rằng, nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu, Hạ viện sẽ phải quyết định: trong đó tất cả các hạ nghị sĩ của một bang sẽ phải bỏ phiếu với tư cách một đơn vị. Trong trường hợp đó, mỗi bang và quận Columbia sẽ được phân bổ chỉ một phiếu bầu duy nhất.
Nhiệm kỳ tổng thống bốn năm bắt đầu từ ngày 20 tháng Giêng (trước kia là từ tháng Ba, sau được thay đổi bởi điều sửa đổi Hiến pháp thứ 20, phê chuẩn năm 1933) sau cuộc bầu cử vào tháng Mười Một. Tổng thống bắt đầu những nhiệm vụ chính thức của mình bằng một lễ nhậm chức, theo truyền thống được tổ chức trên thềm điện Capitol Hoa Kỳ, nơi họp Quốc hội. Tổng thống công khai tuyên thệ nhậm chức, theo truyền thống,
Nhiệm kỳ: Do dân bầu ra thông qua đại cử tri đoàn, mỗi nhiệm kỳ 4 năm; không quá hai nhiệm kỳ.
Lương: 400.000 USD một năm tính từ ngày 20-1-2001.
Nhậm chức: ngày 20 tháng Giêng, tiếp theo sau cuộc tổng tuyển cử tháng Mười Một.
Điều kiện để ứng cử Tổng thống: là công dân Hoa Kỳ sinh ra ở Hoa Kỳ, tuổi đời ít nhất 35 tuổi và cư trú ít nhất 14 năm tại Hợp chủng quốc.
Nhiệm vụ hàng đầu: bảo vệ Hiến pháp và thực thi các luật pháp do Quốc hội lập ra.
Những quyền khác: khuyến nghị các văn bản luật pháp với Quốc hội; triệu tập các kỳ họp đặc biệt của Quốc hội; gửi thông điệp đến Quốc hội; ký hoặc phủ quyết các dự luật; bổ nhiệm thẩm phán liên bang; bổ nhiệm người đứng đầu các bộ và các cơ quan liên bang cùng các quan chức liên bang chính khác; cử đại diện ra nước ngoài, tiến hành kinh doanh chính thức với nước ngoài; thực hiện chức năng tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang; ra lệnh ân xá đối với những vi phạm chống lại Hoa Kỳ.
Quyền lực của tổng thống
Chức vụ tổng thống Hợp chủng quốc là một trong những chức vụ có thế quyền nhất trên thế giới. Hiến pháp quy định rằng tổng thống phải "chăm lo để cho luật pháp được thực hiện một cách nghiêm minh". Để gánh vác trách nhiệm này, tổng thống chủ trì ngành hành pháp của chính quyền liên bang - một tổ chức rộng lớn gồm tới bốn triệu người, trong đó có một triệu quân nhân tại ngũ. Ngoài ra tổng thống còn có những quyền quan trọng về lập pháp và tư pháp.
Quyền hành pháp
Trong bản thân ngành hành pháp, tổng thống có những quyền hạn rộng lớn để điều hành công việc quốc gia và các hoạt động của chính quyền liên bang. Tổng thống có thể ban hành các quy định, quy chế và chỉ thị, được gọi là những chế tại hành pháp, có hiệu lực bắt buộc của luật pháp đối với các cơ quan liên bang mà không cần có sự tán thành của Quốc hội. Là tổng chỉ huy của các lực lượng vũ trang Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tổng thống cũng có thể huy động các đơn vị Cận vệ quốc gia của bang phục vụ cho liên bang. Trong thời gian chiến tranh hay trong tình trạng khẩn cấp quốc gia, Quốc hội có thể trao cho tổng thống những quyền hạn thậm chí còn rộng hơn nữa để điều hành nền kinh tế quốc dân và bảo vệ an ninh của Hợp chủng quốc.
Tổng thống bổ nhiệm - và Thượng viện phê chuẩn - người đứng đầu tất cả các bộ và các cơ quan hành pháp, cùng với hàng trăm quan chức cao cấp liên bang khác. Tuy nhiên, phần đông viên chức liên bang được lựa chọn thông qua hệ thống công chức nhà nước mà ở đó việc bổ nhiệm và đề bạt dựa trên cơ sở năng lực và kinh nghiệm.
Quyền lập pháp
Mặc dù Hiến pháp quy định "mọi quyền lập pháp" phải được trao cho Quốc hội, nhưng tổng thống, với tư cách người hoạch định chủ yếu chính sách công cộng, vẫn có một vai trò lập pháp quan trọng. Tổng thống có thể phủ quyết bất kỳ một dự luật nào đã được Quốc hội thông qua và, trừ khi có hai phần ba thành viên trong mỗi viện phủ quyết để gạt bỏ sự phủ quyết của tổng thống, dự luật đó sẽ không bao giờ trở thành luật.
Phần lớn các văn bản luật mà Quốc hội xử lý được dự thảo với sáng kiến của ngành hành pháp. Trong một thông điệp đặc biệt hàng năm gửi cho Quốc hội, tổng thống có thể đề xuất những văn bản pháp luật nào mà tổng thống cho là cần thiết. Nếu Quốc hội phải ngừng họp mà không đề cập được những đề xuất này, thì tổng thống có quyền triệu tập phiên họp đặc biệt. Nhưng vượt lên trên vai trò chính thức đó, với tư cách là người đứng đầu một chính đảng và là quan chức hành pháp chủ yếu của chính quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tổng thống ở vào vị trí có thể ảnh hưởng tới dư luận và qua đó ảnh hưởng tới quá trình lập pháp tại Quốc hội.
Để cải thiện những mối quan hệ làm việc của mình với Quốc hội, các vị tổng thống trong những năm gần đây đã thiết lập một Văn phòng Liên lạc với Quốc hội tại Nhà Trắng. Các phụ tá tổng thống theo dõi mọi hoạt động lập pháp quan trọng và cố gắng thuyết phục các thươùng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của cả hai đảng ủng hộ các chính sách hành chính.
Quyền tư pháp
Trong số các quyền hợp hiến của tổng thống có quyền bổ nhiệm các quan chức chính quyền quan trọng. Sự bổ nhiệm của tổng thống đối với các thẩm phán liên bang, kể cả các thành viên của Tòa án Tối cao, phải được sự phê chuẩn của Thượng viện. Một quyền quan trọng nữa là ban bố lệnh ân xá hoàn toàn hay có điều kiện cho bất kỳ ai đã bị kết tội vi phạm luật pháp liên bang - trừ trường hợp còn nghi vấn. Quyền ân xá bao hàm trong đó quyền rút ngắn thời hạn bị tù và giảm bớt tiền phạt.
Các quyền trong các vấn đề đối ngoại
Theo Hiến pháp, tổng thống là quan chức liên bang chịu trách nhiệm tối cao về các mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các nước khác. Tổng thống bổ nhiệm các đại sứ, công sứ và lãnh sự - với sự phê chuẩn của Thượng viện, - tiếp nhận các đại sứ và các quan chức nhà nươực khác của nước ngoài. Cùng với bộ trưởng ngoại giao, tổng thống điều hành tất cả các mối liên hệ chính thức với các chính phủ nước ngoài. Đôi khi tổng thống có thể đích thân tham gia các hội nghị thượng đỉnh, tại đó những người đứng đầu các nhà nươực gặp gỡ nhau để trực tiếp trao đổi ý kiến. Vì thế, Tổng thống Woodrow Wilson đã dẫn đầu phái đoàn Mỹ tới hội nghị Paris khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ nhất; Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã gặp gỡ các lãnh tụ Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ hai; và kể từ đó tổng thống nào cũng đã họp mặt với các lãnh tụ thế giới để thảo luận các vấn đề kinh tế và chính trị, và nhằm đi tới những hiệp ước song phương và đa phương.
Thông qua Bộ Ngoại giao, tổng thống chịu trách nhiệm bảo vệ người Mỹ ở nước ngoài và bảo vệ những kiều dân nước ngoài ở Mỹ. Tổng thống quyết định việc có công nhận hay không công nhận các quốc gia mới và các chính quyền mới, đàm phán các hiệp ước với những quốc gia khác sẽ liên minh với Hoa Kỳ khi được hai phần ba thành viên Thượng viện thông qua. Tổng thống còn có quyền đàm phán "các hiệp định hành pháp" với những cường quốc nước ngoài mà không cần đến sự phê chuẩn của Thượng viện.
Những hạn chế đối với quyền lực của tổng thống
Do tính chất đa dạng trong vai trò và trách nhiệm của tổng thống, cùng với sự hiện diện nổi bật trong bối cảnh quốc gia và quốc tế, các nhà phân tích chính trị có xu hướng nhấn mạnh nhiều hơn tới các quyền của tổng thống. Thậm chí một số ngừơi đã nói đến "cương vị tổng thống đế chế", ám chỉ vai trò được mở rộng của địa vị mà Franklin D.Roosevelt duy trì trong nhiệm kỳ của ông ta.
Một trong những thực tế cảnh tỉnh đầu tiên mà một tổng thống mới phát hiện ra là sự kế thừa một cấu trúc quan liêu cố hữu rất khó quản lý và chậm chuyển hướng. Quyền bổ nhiệm của tổng thống được mở rộng chỉ đối với khoảng 3.000 người trong một lực lượng lao động chính quyền dân sự gồm khoảng ba triệu người.
Tổng thống buộc phải tạo dựng những sự liên minh ít nhất cũng tạm thời giữa các nhóm lợi ích đa dạng, thường là thù địch - về kinh tế, địa lý, sắc tộc và hệ tư tưởng. Để cho một văn bản pháp lý bất kỳ có thể được thông qua, phải đạt được những thỏa hiệp với Quốc hội.
Mặc dù có những hạn chế đó, mỗi vị tổng thống đều đạt được ít nhất một số mục tiêu về pháp luật, và ngăn chặn được, bằng cách phủ quyết, việc phê chuẩn những luật khác mà ông ta tin rằng không đem lại lợi ích cao nhất cho quốc gia. Quyền lực của tổng thống trong việc tiến hành chiến tranh và hòa bình, bao gồm việc đàm phán các hiệp ước, rất lớn. Hơn thế, tổng thống có thể sử dụng vị thế có một không hai của mình để công bố những ý tưởng và tán đồng các chính sách mà sau đó có cơ hội tốt hơn để nhận được sự lưu tâm của công chúng so với những vị thế được nắm giữ bởi các đối thủ cạnh tranh về chính trị của ông ta.
Các bộ trong ngành hành pháp
Việc cưỡng chế và thực thi hàng ngày đối với các luật liên bang nằm trong tay nhiều bộ hành pháp khác nhau, do Quốc hội tạo ra để giải quyết những lĩnh vực cụ thể của các vấn đề quốc gia và quốc tế. Những người đứng đầu 14 bộ, do tổng thống lựa chọn và Thượng viện phê chuẩn, tạo nên một hội đồng cố vấn được gọi chung là "Nội các" của tổng thống. Ngoài các bộ, còn có một số tổ chức nhân viên nhóm lại thành Văn phòng Điều hành của Tổng thống. Các tổ chức này bao gồm đội ngũ nhân viên của Nhà Trắng, Hội đồng An ninh quốc gia, Văn phòng Quản lý và Ngân sách, Hội đồng Cố vấn Kinh tế, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ, Văn phòng Khoa học và Công nghệ.
Hiến pháp không có một quy định nào đối với Nội các của tổng thống. Nó quy định rằng tổng thống có thể hỏi ý kiến, bằng văn bản, quan chức chủ chốt của từng bộ điều hành về bất kỳ một chủ đề nào thuộc phạm vi trách nhiệm của họ, nhưng nó không nêu cụ thể các bộ cũng như không mô tả nhiệm vụ của chúng. Tương tự, không có một quy định cụ thể nào về phẩm chất cho việc phục vụ trong Nội các.
Nội các phát triển nằm ngoài Hiến pháp như là một đòi hỏi bắt buộc của thực tiễn .
Mỗi bộ có hàng nghìn nhân viên, với các văn phòng đặt trên khắp đất nước cũng như ở Washington. Các bộ được chia thành các vụ, cục, ban, tổng cục, mỗi đơn vị có những nhiệm vụ cụ thể.
Nội các
Đứng đầu mỗi bộ là một bộ trưởng, trừ Bộ Tư pháp, đứng đầu là tổng chưởng lý (tức bộ trưởng).
· Bộ Nông nghiệp: Thành lập năm 1862.
· Bộ Thương mại: Thành lập năm 1903. Bộ Thương mại và Lao động được tách ra thành hai bộ riêng biệt vào năm 1913.
· Bộ Quốc phòng: Được thành lập bằng việc kết hợp các Bộ Chiến tranh (thành lập năm 1789), Bộ Hải quân (thành lập năm 1798) và Bộ Không quân (thành lập năm 1947). Mặc dù bộ trưởng Bộ Quốc phòng là thành viên Nội các, nhưng các bộ trưởng các Bộ Chiến tranh, Hải quân và Không quân không tham gia Nội các.
· Bộ Giáo dục: Thành lập năm 1979. Trước kia là một phần của Bộ Y tế, Giáo dục và Phúc lợi.
· Bộ Năng lượng: Thành lập năm 1977.
· Bộ Y tế và Các dịch vụ con người: Thành lập năm 1979, sau khi Bộ Y tế, Giáo dục và Xã hội (thành lập năm 1953) được tách ra thành các thực thể riêng biệt.
· Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị: Thành lập năm 1965.
· Bộ Nội vụ: thành lập năm 1849.
· Bộ Tư pháp: Thành lập năm 1870. Từ năm 1789 đến năm 1870 tổng trưởng lý là thành viên Nội các, nhưng không phải là người đứng đầu bộ.
· Bộ Lao động: Thành lập năm 1913.
· Bộ Ngoại giao: Thành lập năm 1789.
· Bộ Giao thông vận tải: Thành lập năm 1966.
· Bộ Ngân khố: Thành lập năm 1789.
· Bộ Các vấn đề về Cựu chiến binh: Thành lập năm 1989 khi Vụ Cựu chiến binh được nâng lên cấp Nội các.
Bộ Nông nghiệp
Bộ Nông nghiệp (USDA) theo dõi sản xuất nông nghiệp để đảm bảo giá cả hợp lý và các thị trường ổn định cho người sản xuất và người tiêu dùng, hoạt động để cải thiện và duy trì thu nhập của nông dân, giúp phát triển và mở mang các thị trường nước ngoài cho hàng nông sản. Bộ cố gắng hạn chế tình trạng nghèo khổ, đói kém và suy dinh dưỡng bằng cách phát hành tem phiếu thực phẩm cho người nghèo; đài thọ cho các chương trình giáo dục về dinh dưỡng; điều hành các chương trình trợ giúp thực phẩm khác, chủ yếu là cho trẻ em, phụ nữ có thai và người già. Nó duy trì năng lực sản xuất bằng cách giúp cho các chủ đất bảo vệ được đất trồng trọt, nước, rừng, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác.
Bộ Nông nghiệp chỉ đạo sự phát triển nông thôn, các chương trình tín dụng và tiết kiệm nhằm thực hiện các chính sách tăng trưởng quốc gia, tiến hành việc nghiên cứu khoa học và công nghệ trong tất cả các lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua dịch vụ thanh tra và xếp loại, Bộ Nông nghiệp bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng của thực phẩm được chào bán. Cục Nghiên cứu nông nghiệp của Bộ tìm cách phát triển những giải pháp cho những vấn đề nông nghiệp có vị trí ưu tiên quốc gia cao, và cục này quản lý Thư viện Nông nghiệp quốc gia để truyền bá thông tin cho đông đảo người sử dụng, từ những nhà khoa học nghiên cứu đến quảng đại công chúng.
Ban Nông nghiệp nước ngoài (FAS) của Bộ Nông nghiệp có vai trò là cơ quan xúc tiến xuất khẩu và dịch vụ cho nông nghiệp Hoa Kỳ, sử dụng chuyên gia nước ngoài tiến hành điều tra về nông nghiệp nước ngoài, phục vụ cho những nhóm lợi ích nông nghiệp và kinh doanh của Hoa Kỳ. Tổng cục Lâm nghiệp Mỹ, cũng là một bộ phận của Bộ, kiểm soát một mạng lưới rộng lớn các khu vực rừng và động vật hoang dã của quốc gia.
Bộ Thương mại
Bộ Thương mại có vai trò thúc đẩy thương mại quốc tế, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ kỹ thuật của quốc gia. Nó cung cấp sự trợ giúp và thông tin nhằm làm tăng tính cạnh tranh của Mỹ trong nền kinh tế thế giới; chỉ đạo các chương trình nhằm ngăn chặn cạnh tranh ngoại thương không công bằng; cung cấp các số liệu thống kê và những phân tích về kinh tế và xã hội cho các nhà xây dựng kế hoạch của chính phủ.
Bộ gồm có nhiều cơ quan đa dạng. Ví dụ, Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ quốc gia đẩy mạnh sự tăng trưởng kinh tế bằng cách cộng tác với công nghiệp nhằm phát triển và ứng dụng công nghệ, đo lường và tiêu chuẩn. Cục Đại dương và Khí quyển quốc gia (NOAA) trong đó có Nha Thời tiết quốc gia, có nhiệm vụ nâng cao sự hiểu biết về môi trường trái đất và bảo toàn các tài nguyên biển và ven biển của đất nước. Cục Sáng chế và Nhãn hiệu thương mại đẩy mạnh tiến bộ khoa học và mỹ nghệ bằng cách bảo đảm cho tác giả và nhà sáng chế giữ độc quyền đối với những sáng tạo và phát minh của mình. Cục Viễn thông và Thông tin quốc gia cố vấn cho tổng thống về chính sách viễn thông, thúc đẩy sáng kiến, khuyến khích cạnh tranh, tạo ra công ăn việc làm và đem lại cho người tiêu dùng dịch vụ viễn thông chất lượng cao hơn và giá hạ hơn.

Bộ Quốc phòng
Đại bản doanh đóng tại Lầu Năm góc, "tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới", Bộ Quốc phòng (DOD) chịu trách nhiệm về tất cả những vấn đề liên quan tới an ninh quân sự của quốc gia. Nó cung cấp lực lượng quân sự của Hoa Kỳ, gồm khoảng 1 triệu nam nữ quân nhân đang tại ngũ. Trong trường hợp khẩn cấp, lực lượng này được sự hậu thuẫn của 1,5 triệu thành viên lực lượng dự bị của các bang, gọi là Đội Cận vệ quốc gia. Ngoài ra, có khoảng 730.000 nhân viên dân sự phục vụ cho Bộ Quốc phòng trong những lĩnh vực như nghiên cứu, liên lạc tình báo, vẽ bản đồ và các vấn đề an ninh quốc tế. Cục An ninh quốc gia (NSA) phối hợp, chỉ đạo và thực hiện những hoạt động tình báo rất chuyên biệt ủng hộ cho các hoạt động của chính quyền Hoa Kỳ, cũng đặt dưới sự chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo các quân chủng được tổ chức riêng biệt là Lục quân, Hải quân, Thủy quân lục chiến, Không quân, cũng như các học viện của bốn quân chủng và Trường Cao đẳng Chiến tranh quốc gia, Hội đồng tham mưu liên quân và một số binh chủng tác chiến chuyên môn hóa. Bộ Quốc phòng duy trì các lực lượng hải ngoại để đáp ứng những cam kết theo hiệp ước, bảo vệ thương mại và các vùng lãnh thổ ở bên ngoài quốc gia, cung cấp các lực lượng không chiến và các lực lượng hỗ trợ. Những trách nhiệm phi quân sự bao gồm việc kiểm soát lũ lụt, phát triển các nguồn lực hải dương và quản lý các trữ lượng dầu mỏ.
Bộ Giáo dục
Trong khi các trường học trước hết là một trách nhiệm địa phương trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, Bộ Giáo dục đảm trách sự lãnh đạo quốc gia đối với các vấn đề trọng yếu trong nền giáo dục ở Mỹ và phục vụ như một văn phòng trung ương về thông tin để giúp cho những người ra quyết định tại các bang và địa phương cải thiện các trường học của họ. Bộ xây dựng chính sách và điều hành các chương trình viện trợ liên bang dành cho giáo dục, trong đó có các chương trình cho sinh viên vay, chương trình dành cho sinh viên bị thiệt thòi hoặc bị tàn tật và các chương trình dạy nghề.
Trong thập kỷ 90 của thế kỷ XX, Bộ Giáo dục tập trung vào những chương trình sau đây: nâng cao tiêu chuẩn cho tất cả các sinh viên, cải tiến công việc giảng dạy, đưa các bậc cha mẹ và gia đình tham gia vào sự giáo dục của trẻ em, làm cho nhà trường trở thành một nơi an toàn, có kỷ luật và không có ma tuý, tăng cường quan hệ giữa nhà trường với lao động, nâng cao sự tiếp cận với viện trợ tài chính để sinh viên có thể đến trường và tiếp nhận sự đào tạo, và giúp đỡ cho mọi sinh viên đều trở thành những người hiểu biết về công nghệ.
Bộ Năng lượng
Mối quan ngại ngày càng tăng lên về những vấn đề năng lượng của quốc gia trong thập kỷ 70 của thế kỷ XX đã thúc đẩy Quốc hội thành lập Bộ Năng lượng (DOE). Bộ tiếp quản các chức năng của một số cơ quan chính phủ đã từng tham gia vào lĩnh vực năng lượng. Đội ngũ cán bộ của Bộ Năng lượng chịu trách nhiệm nghiên cứu, phát triển và vận hành công nghệ năng lượng; bảo tồn nguồn năng lượng; quản lý việc sản xuất và sử dụng năng lượng; sử dụng năng lượng hạt nhân cho mục đích dân sự và quân sự; định giá và phân bổ dầu mỏ; và một chương trình trung tâm thu thập và phân tích dữ liệu về năng lượng.
Bộ Năng lượng bảo vệ môi trường quốc gia bằng cách đề ra những tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu các tác hại của sản xuất năng lượng. Ví dụ, Bộ Năng lượng tiến hành việc nghiên cứu về môi trường và những vấn đề liên quan đến sức khoẻ, như các nghiên cứu về các chất gây ô nhiễm có liên quan tới năng lượng và những ảnh hưởng của chúng đối với các hệ sinh học.
Bộ Y tế và Các dịch vụ con người
Bộ Y tế và Các dịch vụ con người (HHS), giám sát khoảng 300 chương trình, có lẽ là cơ quan động chạm trực tiếp đến cuộc sống của nhiều người Mỹ hơn bất kỳ một cơ quan liên bang nào khác. Bộ phận cấu thành lớn nhất của nó, Cục Tài trợ Chăm sóc sức khoẻ, quản lý các chương trình Medicare và Medicaid - những chương trình đem lại sự chăm sóc sức khoẻ cho khoảng 1 trên 5 người Mỹ. Chương trình Medicare đem lại bảo hiểm y tế cho 30 triệu người già và tàn tật ở Hoa Kỳ. Chương trình Medicaid, một chương trình phối hợp liên bang và bang, đem lại bảo hiểm y tế cho 31 triệu người thu nhập thấp, trong đó có 15 triệu trẻ em.
Bộ Y tế và Các dịch vụ con người còn quản lý mạng lưới các Viện y tế quốc gia (NIH), tổ chức nghiên cứu y học hàng đầu thế giới, hỗ trợ khoảng 30.000 dự án nghiên cứu về các bệnh như ung thư, Alzheimer, tháo đường, xơ cứng động mạch, đau tim và AIDS. Các cơ quan khác của Bộ Y tế và Các dịch vụ con người bảo đảm tính an toàn và hữu hiệu của việc cung cấp thực phẩm, của các loại thuốc men của quốc gia, ngăn chặn sự bùng nổ các căn bệnh lây lan và cung cấp dịch vụ y tế cho người Anhđiêng Mỹ và dân bản địa ở Alaska, góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cung cấp biện pháp ngăn ngừa mắc nghiện, điều trị bệnh nghiện ma túy và các dịch vụ điều trị bệnh tâm thần.
Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị
Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị (HUD) quản lý các chương trình trợ giúp phát triển cộng đồng và giúp cung cấp nhà ở với mức giá phải chăng cho quốc gia. Các luật về cấp nhà với giá cả phải chăng, do Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị thực thi, nhằm đảm bảo cho các cá nhân và gia đình có thể mua được một căn hộ mà không phải chịu tình trạng kỳ thị trong vấn đề nhà ở. Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị điều hành các chương trình bảo hiểm cầm cố để giúp các gia đình trở thành người chủ của căn nhà, và một chương trình bao cấp tiền thuê cho các gia đình có thu nhập thấp mà nếu không có chương trình này họ không thể có tiền trả cho một căn hộ tươm tất. Ngoài ra, Bộ còn điều hành các chương trình viện trợ cho việc xây dựng lại các vùng lân cận, tránh cho các trung tâm đô thị khỏi những khu ổ chuột và khuyến khích phát triển những cộng đồng mới. Bộ cũng bảo vệ những người mua nhà trên thị trường và xúc tiến các chương trình khuyến khích ngành xây dựng nhà ở.
Bộ Nội vụ
Là cơ quan bảo toàn chính của quốc gia, Bộ Nội vụ có trách nhiệm đối với hầu hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đất đai công cộng thuộc sở hữu liên bang ở Hoa Kỳ. Ví dụ, Cục Cá và Động vật hoang dã Hoa Kỳ quản lý 500 nơi trú ngụ của động vật hoang dã, 37 khu quản lý đồng lầy, 65 trại nuôi cá quốc gia, và một mạng lưới nhân viên thi hành luật về động vật hoang dã. Cục Công viên quốc gia quản lý hơn 370 công viên quốc gia và các danh lam thắng cảnh, các tuyến đường sông, bờ biển, các khu vui chơi giải trí và di tích lịch sử, qua đó Cục thực hiện việc bảo toàn di sản tự nhiên và văn hóa của Mỹ.
Thông qua Cục Quản lý ruộng đất, Bộ giám sát đất đai và các nguồn lực - từ các khu đất trồng trọt, các khu vui chơi giải trí đến việc sản xuất gỗ và dầu - trên hàng triệu hécta đất công chủ yếu thuộc miền Tây. Cục khai hoang quản lý các nguồn nước khan hiếm ở miền Tây nửa khô cằn của Mỹ. Bộ quản lý hoạt động khai thác mỏ ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, và chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ và bảo toàn các nguồn tài nguyên chính của các bộ lạc người Anhđiêng Mỹ và dân bản địa ở Alaska. Trên phương diện quốc tế, Bộ điều hành các chương trình ở những vùng lãnh thổ như U.S. Virgin lslands, Guam, American Samoa, Northern Mariana lslands, giám sát việc cấp kinh phí phát triển cho Marshall lslands và Federated States of Micronessia và Palau.
Bộ Tư pháp
Bộ Tư pháp đại diện cho chính phủ Hoa Kỳ trong các vấn đề pháp lý và tòa án và, khi được yêu cầu, đệ trình các ý kiến cố vấn, các quan điểm pháp lý lên tổng thống và những người đứng đầu các bộ hành pháp. Đứng đầu Bộ Tư pháp là tổng chưởng lý, quan chức đứng đầu trong việc thực thi luật pháp của chính quyền liên bang. Cục Điều tra Liên bang (FBI) của Bộ này là cơ quan cưỡng chế thi hành luật chủ yếu, và Vụ Nhập cư và Nhập quốc tịch (INS) áp dụng các luật về nhập cư. Một cơ quan lớn trong bộ này là Cơ quan Thi hành luật về ma túy (DAE), áp dụng các luật về các chất bị kiểm soát và thuốc ngủ, khám phá các tổ chức lớn buôn bán ma túy bất hợp pháp. Bộ Tư pháp cũng trợ giúp các lực lượng cảnh sát địa phương. Ngoài ra, Bộ còn điều hành các công tố viên và cảnh sát trưởng Mỹ trên cả nươực, giám sát các nhà tù liên bang và các thể chế xử phạt khác, điều tra và báo cáo lên tổng thống về các đơn xin được phóng thích hay ân xá. Bộ Tư pháp cũng liên kết với INTERRPOL (Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế) có trách nhiệm thúc đẩy sự tương trợ lẫn nhau giữa các cơ quan cưỡng chế luật pháp trên 176 nước.
Bộ Lao động
Bộ Lao động thúc đẩy phúc lợi về thu nhập từ tiền công ở Hợp chủng quốc, giúp cải thiện các điều kiện lao động và tạo lập những mối quan hệ tốt giữa người lao động và người quản lý. Bộ áp dụng các luật lao động liên bang thông qua các cơ quan như Vụ Sức khoẻ và An toàn nghề nghiệp (OSHA), Vụ Tiêu chuẩn nghề nghiệp, Vụ Sức khoẻ và An toàn mỏ. Các trách nhiệm của Bộ là: đảm bảo các quyền của ngươứi lao động đối với các điều kiện lao động an toàn và lành mạnh; ấn định mức tiến công tối thiểu theo giờ và thanh toán lao động vươùt giờ; cấm phân biệt đối xử về việc làm; cung cấp bảo hiểm thất nghiệp và đền bù cho người bị tai nạn lao động. Bộ cũng bảo vệ các quyền về trợ cấp hưu trí của công nhân, đài thọ cho các chương trình đào tạo việc làm và giúp người lao động tìm kiếm việc làm... Cục Thống kê lao động của Bộ theo dõi và báo cáo những thay đổi trong vấn đề lao động và việc làm, giá cả và các chỉ tiêu kinh tế quốc gia khác. Đối với những người tìm kiếm việc làm, Bộ lập những báo cáo đặc biệt để giúp đỡ những công nhân lớn tuổi, thanh niên, người thiểu số, phụ nữ và người tàn tật.


Bộ Ngoại giao
Bộ Ngoại giao cố vấn cho tổng thống, người chịu trách nhiệm tổng thể về việc thiết lập và thực thi chính sách đối ngoại của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Bộ đánh giá các lợi ích của Hoa Kỳ ở hải ngoại, đưa ra những khuyến nghị về chính sách và hành động trong tương lai, tiến hành những bước đi cần thiết để thực hiện chính sách đã thiết lập. Bộ duy trì các mối liên hệ và quan hệ giữa Hoa Kỳ và các nước, cố vấn cho tổng thống về việc công nhận các nước và chính phủ mới, đàm phán các hiệp ước và thỏa thuận với các nước, phát ngôn cho Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc và tại các tổ chức quốc tế lớn khác. Bộ duy trì hơn 250 chức vụ ngoại giao và lãnh sự trên khắp thế giới. Trong năm 1999, Bộ hợp nhất Cơ quan Giải trừ quân bị và Kiểm soát vũ khí của Hoa Kỳ và Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ vào cơ cấu và nhiệm vụ của Bộ.
Bộ Giao thông vận tải
Bộ Giao thông vận tải (DOT) thiết lập chính sách về giao thông vận tải tổng thể của quốc gia thông qua 10 đơn vị vận hành gồm việc quy hoạch, phát triển và xây dựng đường cao tốc; việc chuyên chở trên quy mô lớn ở đô thị; đường sắt; hàng không dân dụng; vấn đề an toàn đường thuỷ, cảng, đường cao tốc, các ống dẫn dầu và khí đốt.
Bộ Ngân khố
Bộ Ngân khố có trách nhiệm phục vụ các nhu cầu tài chính và tiền tệ của quốc gia. Bộ thực hiện bốn chức năng cơ bản: xây dựng các chính sách tài chính, thuế và tài khóa; đóng vai trò đại diện tài chính của chính phủ Hoa Kỳ; cung cấp các dịch vụ chuyên môn hóa về cưỡng chế thực thi luật; sản xuất tiền kim loại và tiền giấy. Bộ Ngân khố báo cáo với Quốc hội và tổng thống về tình trạng tài chính của chính phủ và của nền kinh tế quốc dân. Nó kiểm soát doanh số về rượu cồn, thuốc lá và súng ngắn trong hoạt động buôn bán giữa các bang và với nước ngoài; giám sát việc in tem cho Cục Bưu chính Hoa Kỳ; điều hành Cơ quan Mật vụ - cơ quan bảo vệ tổng thống, phó tổng thống, gia đình họ, các quan chức cao cấp và các nguyên thủ quốc gia tới thăm; trấn áp việc làm giả tiền và chứng khoán của Mỹ, điều hành Cục Hải quan - nơi kiểm soát và đánh thuế các luồng hàng hóa vào đất nước.
Bộ gồm có Văn phòng Quan chức Kiểm soát tiền tệ, tức là quan chức của Bộ thực thi các luật điều chỉnh hoạt động của gần 2.900 ngân hàng; và Cục Thu nhập nội bộ (IRS), nơi áp dụng các luật thuế - nguồn thu chủ yếu của chính quyền liên bang.
Bộ Các vấn đề về Cựu chiến binh
Bộ Các vấn đề về Cựu chiến binh (VA) được thành lập như một cơ quan độc lập từ năm 1930 và được nâng lên cấp trực thuộc Nội các năm 1989, cấp phát những lợi ích và các dịch vụ cho các cựu chiến binh hoàn thành nghĩa vụ quân sự và những người ăn theo họ. Cục Sức khoẻ cựu chiến binh đáp ứng việc chăm sóc tại bệnh viện và tại trạm an dưỡng, cung cấp các dịch vụ về răng và điều trị bệnh nhân ngoại trú trong 173 trung tâm điều trị, 40 nhà nghỉ hưu trí, 600 trạm y tế, 133 trạm an dưỡng và 206 trung tâm cựu chiến binh của chính quyền Sài Gòn ở vùng xa tại Hoa Kỳ, Puerto Rico và Philippin. Bộ cũng tiến hành nghiên cứu y học trong những lĩnh vực như tuổi già, các vấn đề sức khoẻ của phụ nữ, bệnh AIDS và những rối loạn thần kinh sau khi bị chấn thương.
Vụ Các lợi ích của cựu chiến binh (ABA) giám sát các quyền lợi của người tàn tật, tiền trợ cấp hưu trí, và đặc biệt là việc cấp nhà ở cùng các dịch vụ khác đáp ứng theo điều kiện cụ thể. Vụ này cũng quản lý các chương trình giáo dục cho cựu chiến binh và cung cấp nguồn trợ giúp tín dụng xây nhà ở cho các cựu chiến binh đủ điều kiện và đội ngũ nhân viên phục vụ tại ngũ. Hệ thống nghĩa trang quốc gia của Vụ này cung cấp dịch vụ chôn cất, bia mộ và ghi nhận cho các cựu chiến binh cùng các thành viên có đủ điều kiện của gia đình họ trong 116 nghĩa địa trên toàn Hoa Kỳ.
Các cơ quan độc lập
Các bộ hành pháp là những đơn vị vận hành chủ yếu trong chính quyền liên bang, nhưng cũng có nhiều cơ quan khác giữ những trọng trách bảo đảm cho chính phủ và nền kinh tế hoạt động một cách trôi chảy. Chúng thường được gọi là các cơ quan độc lập, bởi chúng không phải là một bộ phận của các bộ hành pháp.
Bản chất và mục đích của những cơ quan này rất khác nhau. Một số là những nhóm quản lý có quyền giám sát những khu vực đặc biệt của nền kinh tế. Một số khác cung cấp các dịch vụ đặc biệt cho chính phủ hoặc cho dân chúng. Trong đa số trường hợp, các cơ quan này do Quốc hội thành lập để giải quyết những vấn đề đã trở nên quá phức tạp trong khuôn khổ các văn bản pháp lý thông thường. Chẳng hạn, năm 1970, Quốc hội lập ra Cục Bảo vệ môi trường để điều phối hoạt động bảo vệ môi trường của chính phủ. Trong số các cơ quan độc lập quan trọng nhất, có những cơ quan sau đây:
Cục Tình báo trung ương (CIA) phối hợp các hoạt động tình báo của các bộ và cơ quan nhất định của chính phủ; thu thập, liên hệ và đánh giá các thông tin tình báo có liên quan tới an ninh quốc gia; đưa ra các khuyến nghị cho Hội đồng An sinh quốc gia thuộc Văn phòng của tổng thống.
Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) làm việc với các chính quyền bang và địa phương trên toàn nước Mỹ để kiểm soát và làm giảm nhẹ tình trạng ô nhiễm không khí và nước, xử lý các vấn đề chất thải rắn, thuốc trừ sâu, bức xạ và các chất độc hại. Cơ quan này thiết lập và cưỡng chế thực hiện các tiêu chuẩn về chất lượng không khí và nước, đánh giá tác động của thuốc trừ sâu và các hóa chất, quản lý cái gọi là chương trình "siêu quỹ" cho việc làm sạch các bãi chất độc hại.
Uỷ ban Truyền thông liên bang (FCC) chịu trách nhiệm điều hành việc truyền thông giữa các bang và quốc tế qua mạng lưới phát thanh, truyền hình, vệ tinh và cáp. Nó cấp giấy phép cho các đài phát thanh và truyền hình, ấn định tần số đài phát thanh, thực thi các quy chế nhằm bảo đảm cho giá cả truyền thông bằng cáp được hợp lý. Cơ quan này điều hành những công ty dịch vụ công cộng như các công ty điện thoại và điện tín cũng như các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.
Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) phối hợp công việc của các cơ quan liên bang, bang và địa phương trong việc đối phó với lũ lụt, bão, động đất và các thiên tai khác. Cơ quan này hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và chính quyền để xây dựng lại nhà cửa, công việc kinh doanh và các phương tiện công cộng, đào tạo nhân viên chữa cháy và các nhân viên cấp cứu y tế chuyên nghiệp, cấp tài chính cho việc đặt kế hoạch đối phó với tình trạng khẩn cấp trong khắp Hoa Kỳ và các lãnh thổ của Hoa Kỳ.
Cục Dự trữ liên bang(FED) là cơ quan chỉ đạo của Hệ thống dự trữ liên bang, tức ngân hàng trung ương của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Nó thi hành chính sách tiền tệ của đất nước bằng cách ảnh hưởng đến khối lượng tín dụng và tiền tệ lưu thông. Cục Dự trữ liên bang điều hành các thể chế ngân hàng tư nhân, tìm cách giới hạn nguy cơ có hệ thống trên các thị trường tài chính và cung cấp một số dịch vụ tài chính nhất định cho chính quyền Hoa Kỳ, cho công chúng và cho các thể chế tài chính.
Uỷ ban Thương mại liên bang (FTC) thi hành các luật liên bang chống tơrớt và bảo vệ người tiêu dùng bằng cách điều tra những lời phàn nàn của người tiêu dùng chống lại các công ty riêng lẻ, các công việc kinh doanh, các cuộc điều tra của Quốc hội và các báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Uỷ ban tìm cách bảo đảm cho thị trường quốc gia hoạt động một cách có sức cạnh tranh bằng cách loại trừ những lề thói không công bằng hoặc lường gạt.
Cơ quan Dịch vụ chung (GSA) chịu trách nhiệm việc mua, cung cấp, vận hành và bảo trì tài sản liên bang, nhà cửa và thiết bị, và chịu trách nhiệm về việc bán những hạng mục dư thừa. Cục này còn điều hành đội xe cơ giới liên bang và giám sát các trung tâm vận chuyển và trung tâm chăm sóc trẻ em.
Cơ quan Hàng không và Vũ trụ quốc gia (NASA) được thành lập năm 1958 để điều hành chương trình vũ trụ của Hoa Kỳ. Nó đã đưa những vệ tinh và các nhà du hành đầu tiên của Mỹ vào quỹ đạo, và phóng tàu vũ trụ Apollo đưa con người lên mặt trăng năm 1969. Ngày nay, NASA tiến hành nghiên cứu trên các vệ tinh xoay quanh trái đất và các tàu thăm dò vũ trụ liên hành tinh, khảo sát những khái niệm mới trong công nghệ hàng không vũ trụ tiên tiến, và điều hành đội tàu con thoi có người điều khiển của Hoa Kỳ.
Cục Lưu trữ và Hồ sơ quốc gia (NARA) gìn giữ lịch sử của đất nước bằng cách giám sát việc quản lý tất cả các hồ sơ liên bang. Tài sản lưu trữ tại Cục này gồm có những tài liệu văn bản gốc, phim truyện, băng ghi âm và băng hình, bản đồ, hình ảnh cố định và dữ liệu vi tính. Bản Tuyên ngôn Độc lập, Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và bản Tuyên ngôn Nhân quyền được gìn giữ và trưng bày tại tòa nhà Cục Lưu trữ quốc gia ở Washington, D.C.
Ban Quan hệ lao động quốc gia (NLRB) quản lý luật lao động chính của Hoa Kỳ, tức Đạo luật về quan hệ lao động quốc gia. Ban này được trao quyền ngăn chặn hoặc khắc phục các cách ứng xử với lao động không công bằng và bảo vệ các quyền của người lao động trong việc tổ chức và quyết định thông qua bầu cử vấn đề có hay không những liên đoàn đại diện cho họ trong đàm phán.
Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) hỗ trợ việc nghiên cứu cơ bản và giáo dục trong khoa học và chế tạo tại Hoa Kỳ thông qua những trợ cấp, hợp đồng và các thỏa thuận khác dành cho các trường đại học, cao đẳng và thể chế kinh doanh phi lợi nhuận và nhỏ. Quỹ này khuyến khích việc hợp tác giữa các trường đại học, ngành công nghiệp với chính quyền, và nó đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua khoa học và chế tạo.
Văn phòng Quản lý nhân sự (OPM) là cơ quan về tài nguyên con người của chính quyền liên bang. Nó bảo đảm sao cho việc phục vụ dân sự của đất nước không chịu ảnh hưởng chính trị và sao cho viên chức liên bang được chọn lựa và đối xử công bằng, trên cơ sở công lao của mình. Cơ quan này hỗ trợ các cơ quan chính phủ bằng dịch vụ nhân viên và sự lãnh đạo về chính sách. Nó cũng điều hành hệ thống hưu trí liên bang và chương trình bảo hiểm y tế.
Đội Hòa bình, thành lập năm 1961, đào tạo và đưa những người tình nguyện ra phục vụ ở nước ngoài trong hai năm. Những người tình nguyện của Đội Hòa bình hiện đang làm việc tại hơn 80 quốc gia, trợ giúp phát triển nông thôn, các doanh nghiệp nhỏ, y tế, bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và giáo dục.
Uỷ ban Chứng khoán và Giao dịch chứng khoán (SEC) được thành lập để bảo vệ các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu và trái phiếu. Luật liên bang yêu cầu những công ty đang dự định huy động tiền bằng cách bán các chứng khoán phải nộp các dữ liệu thực tế về các hoạt động của họ cho Uỷ ban. Uỷ ban có quyền ngăn ngừa hoặc xử phạt các hành vi lừa đảo trong việc bán chứng khoán, và được quyền kiểm soát sở giao dịch chứng khoán.
Vụ Kinh doanh nhỏ (SBA) được thành lập năm 1953 để cố vấn, hỗ trợ và bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp nhỏ. Vụ này cho vay tiền tới các doanh nghiệp nhỏ, trợ giúp những nạn nhân của lũ lụt và các loại thiên tai khác, giúp bảo đảm được các hợp đồng cho các loại doanh nghiệp nhỏ cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho chính phủ liên bang.
Vụ An ninh xã hội (SSA) điều hành chương trình bảo hiểm xã hội của đất nước, gồm có những quyền lợi hưu trí, tàn tật và sống sót. Muốn được hưởng những quyền lợi này, hầu hết những người lao động Mỹ phải đóng thuế bảo hiểm xã hội lấy vào thu nhập của họ; những quyền lợi tương lai được căn cứ trên sự đóng góp của những người làm thuê.
Cục Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID) thực hiện các chương trình trợ giúp kinh tế và nhân đạo tại các nước đang phát triển cũng như tại Trung Âu và Đông Âu và những quốc gia thuộc Liên Xô trước đây. Cục này hỗ trợ các chương trình trong bốn lĩnh vực: dân số và sức khoẻ, sự tăng trưởng kinh tế trên cơ sở rộng rãi, môi trường và dân chủ.
Cục Bưu chính Hoa Kỳ được vận hành bởi một tập đoàn công cộng tự quản thay cho Bộ Bưu điện từ năm 1971. Cục Bưu chính chịu trách nhiệm về việc thu nhận, vận chuyển và phân phát thư tín, về hoạt động của hàng nghìn bưu cục địa phương trong cả nước. Nó cũng cung cấp dịch vụ thư tín quốc tế thông qua Liên đoàn Bưu chính quốc tế và những thỏa thuận khác với nước ngoài. Một Uỷ ban Cước phí bưu điện độc lập, cũng được thành lập năm 1971, ấn định các mức cước phí cho các loại thư tín.
3. NGÀNH TƯ PHÁP
Là ngành thứ ba trong chính quyền liên bang, ngành tư pháp, bao gồm một hệ thống tòa án rải trên khắp đất nước, đứng đầu là Tòa án Tối cao Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Hệ thống các tòa án của bang đã tồn tại từ trước khi Hiến pháp được dự thảo. Trong số các đại biểu tới dự Hội nghị Lập hiến, đã có nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề liệu một hệ thống tòa án liên bang có cần thiết không, và liệu nó có nên thay thế các tòa án bang không. Cũng giống như trong nhiều vấn đề được tranh luận khác, cuối cùng người ta cũng đạt được một sự thỏa hiệp theo đó tòa án các bang vẫn được duy trì, trong khi Hiến pháp trao cho tòa án liên bang một quyền lực hạn chế. Điều III của Hiến pháp nêu rõ cơ sở của hệ thống tòa án liên bang như sau: "Quyền lực tư pháp của Hợp chủng quốc được trao cho một Tòa án Tối cao và các tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập trong một số trường hợp".
Hệ thống tòa án liên bang
Với quan điểm chỉ đạo đó, Quốc hội đầu tiên đã chia quốc gia thành các quận và lập ra các tòa án liên bang cho mỗi quận. Từ bước mở đầu đã tiến dần đến cấu trúc hiện nay: Tòa án Tối cao, 13 tòa phúc thẩm, 94 tòa các quận và 2 tòa xét xử đặc biệt. Quốc hội ngày nay vẫn nắm quyền thành lập và bãi bỏ các tòa án liên bang, cũng như quyền quy định số lượng thẩm phán trong hệ thống xét xử liên bang. Tuy nhiên, Quốc hội không được phép bãi bỏ Tòa án Tối cao.
Quyền tư pháp được mở rộng đối với những trường hợp phát sinh theo Hiến pháp, một đạo luật của Quốc hội, một hiệp ước của Hợp chủng quốc; các trường hợp liên quan tới các đại sứ, công sứ, và lãnh sự của nước ngoài tại Hoa Kỳ, các cuộc tranh cãi trong đó chính quyền Hợp chủng quốc là một bên; và các cuộc tranh cãi giữa các bang (hoặc các công dân của các bang) với nước ngoài (hoặc các công dân hay người dân của nước ấy). Điều sửa đổi Hiến pháp thứ 11 đã loại bỏ khỏi thẩm quyền xét xử của các tòa liên bang những vụ trong đó các công dân ở một bang là nguyên đơn còn chính quyền của một bang khác là bị đơn. Điều sửa đổi này không làm xáo trộn thẩm quyền xét xử của các tòa liên bang đối với các vụ trong đó chính quyền của một bang là nguyên đơn và công dân của một bang khác là bị đơn.
Quyền của các tòa liên bang mở rộng cả đến các hành vi dân sự đối với những thiệt hại và những trường hợp đền bù khác, cũng như đến các vụ hình sự phát sinh theo luật liên bang. Điều III đã dẫn tới một tập hợp các mối quan hệ giữa các tòa án bang và các tòa án liên bang. Thông thường, các tòa án liên bang không xử các vụ phát sinh theo luật của từng bang riêng lẻ. Tuy nhiên, một số trường hợp mà các tòa liên bang có quyền tài phán cũng có thể được các tòa án bang xét xử và kết án. Do vậy, mỗi hệ thống tòa án này trong một số lĩnh vực đều có quyền tài phán riêng, và trong một số lĩnh vực khác hai hệ thống này lại có quyền tài phán chung.
Hiến pháp bảo vệ sự độc lập trong xét xử bằng việc quy định rằng các thẩm phán liên bang sẽ tại chức "khi có hạnh kiểm tốt" - trên thực tế là cho tới khi họ chết, nghỉ hưu hay từ chức, mặc dù một thẩm phán nếu phạm pháp trong khi đương chức có thể sẽ bị luận tội giống như đối với tổng thống hay các quan chức khác của chính phủ liên bang. Các thẩm phán của Hợp chủng quốc do tổng thống bổ nhiệm và được Thượng viện phê chuẩn. Quốc hội cũng xác định thang lương của thẩm phán.
Tòa án Tối cao
Tòa án Tối cao là tòa án cấp cao nhất của Hợp chủng quốc và là tòa án duy nhất do Hiến pháp đặc biệt lập ra. Quyết định của Tòa án Tối cao thì không thể được chuyển lên phúc thẩm ở bất kỳ tòa án nào khác. Quốc hội có quyền ấn định số thẩm phán trong Tòa án Tối cao, và với những giới hạn được đặt ra, quyết định loại vụ việc nào Tòa án Tối cao có thể xét xử, song Quốc hội không thể thay đổi các quyền mà chính Hiến pháp đã trao cho Tòa án Tối cao.
Hiến pháp không đề cập đến tiêu chuẩn của các thẩm phán. Mặc dù không có quy định rằng các thẩm phán phải là luật sư, nhưng trong thực tế, tất cả các thẩm phán liên bang và thẩm phán Tòa án Tối cao đều là thành viên của ngành luật.
Kể từ khi Tòa án Tối cao được thành lập cách đây 200 năm, đến nay đã có hơn 100 thẩm phán Tòa án Tối cao. Tòa án Tối cao ban đầu gồm một chánh án và 5 thẩm phán. Trong 80 năm kế tiếp, con số các thẩm phán thay đổi, cho tới năm 1869 nó được cố định là một chánh án và 8 thẩm phán. Chánh án là quan chức điều hành của Tòa, nhưng khi phán quyết thì chỉ có một phiếu như các thẩm phán.
Tòa án Tối cao có quyền xét xử nguyên thủy chỉ trong hai loại trường hợp: những vụ liên quan tới các quan chức cao cấp người nước ngoài và những vụ trong đó có một bang là một bên. Tất cả các vụ khác do các tòa ở cấp thấp hơn chuyển lên Tòa án Tối cao.
Trong số vài nghìn vụ được đệ trình hàng năm, Tòa án Tối cao thường chỉ xử khoảng 150 vụ. Hầu hết các vụ này đều liên quan tới cách hiểu về luật hay ý định của Quốc hội trong việc thông qua một điều luật nào đó. Tuy nhiên, một khối lượng quan trọng trong công việc của Tòa án Tối cao bao gồm việc xác định liệu các đạo luật về lập pháp và hành pháp có tuân thủ Hiến pháp hay không. Quyền thẩm định lại luật như thế không được Hiến pháp quy định cụ thể. Đúng hơn, nó là nguyên lý mà Tòa án Tối cao đã luận ra từ việc đọc Hiến pháp, và đã được nêu lên một cách mạnh mẽ trong vụ kiện mang tính điển tích là vụ Marbury kiện Madison năm 1803. Trong bản tuyên án của vụ này, Tòa án Tối cao cho rằng "một đạo luật về lập pháp đi ngược lại Hiến pháp thì không phải là luật", và nhận xét tiếp rằng "chắc chắn chức trách và nhiệm vụ của Bộ Tư pháp là phải nói rõ luật là gì". Nguyên lý này còn được mở rộng để bao gồm trong đó các hoạt động của chính quyền các bang và địa phương.
Kết luận của Tòa án Tối cao không cần phải được sự nhất trí hoàn toàn, chỉ cần đa số đơn giản tham gia vào quyết định, miễn sao ít nhất phải đạt được con số tối thiểu hợp pháp là 6 thẩm phán. Trong những quyết định không đạt được sự nhất trí cần thiết, Tòa án Tối cao thường đưa ra một ý kiến của đa số và một ý kiến của thiểu số - hoặc là ý kiến bất đồng - cả hai ý kiến này đều có thể tạo thành cơ sở cho các quyết định tương lai của Tòa. Nhiều khi, các thẩm phán sẽ viết ra những ý kiến nhất trí riêng biệt khi họ nhất trí với một quyết định, nhưng với những lý do không giống những lý do mà đa số viện ra.
Các tòa án phúc thẩm và tòa án quận
Cấp cao thứ hai trong việc xét xử liên bang gồm các tòa phúc thẩm, được thiết lập năm 1891 để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp các vụ xét xử và giảm bớt gánh nặng cho Tòa án Tối cao. Quốc hội đã lập ra 12 tòa phúc thẩm cho các khu vực và Tòa Phúc thẩm Hợp chủng quốc cho liên bang. Số thẩm phán ngồi tại các tòa này chênh lệch nhau rất nhiều (từ 6 cho đến 28 thẩm phán), song hầu hết các khu vực có từ 10 đến 15 thẩm phán.
Các tòa án phúc thẩm xem xét lại các quyết định của tòa án quận (các tòa xét xử với quyền tài phán liên bang) trong khuôn khổ khu vực của mình. Các tòa án này cũng có quyền xem xét lại các lệnh của các cơ quan quản lý độc lập, trong những trường hợp các cơ chế rà soát nội bộ của các cơ quan đã được sử dụng hết và vẫn còn sự bất đồng đáng kể đối với những quan điểm pháp lý. Ngoài ra, Tòa Phúc thẩm liên bang có quyền tài phán trong cả nước - xét xử phúc thẩm những vụ đặc biệt, như những vụ liên quan đến luật cấp bằng sáng chế và những vụ đã được quyết định bởi những tòa có quyền tài phán đặc biệt, bởi Tòa Thương mại quốc tế và Tòa án về Các yêu sách liên bang.
Bên dưới các tòa phúc thẩm là các tòa án quận. Năm mươi bang và lãnh thổ của Hợp chủng quốc được chia thành 94 quận sao cho những người liên quan tới việc kiện cáo có thể được hưởng sự xét xử một cách dễ dàng. Mỗi tòa án quận có ít nhất 2 thẩm phán, nhiều tòa có vài thẩm phán, và những quận đông dân nhất có hơn 20 thẩm phán. Tùy thuộc vào các vụ thụ lý, một thẩm phán của quận này có thể tạm thời làm thẩm phán của một quận khác. Quốc hội ấn định đường ranh giới của các quận theo dân số, diện tích và khối lươùng công việc. Một số bang nhỏ tạo thành một quận, trong khi các bang lớn như New York, California và Texas, mỗi bang có bốn quận.
Trừ ở quận Columbia, các thẩm phán phải là người cư trú tại quận nơi họ phục vụ lâu dài. Tòa án quận duy trì các phiên xử theo định kỳ ở các thành phố khác nhau trong quận.
Hầu hết các vụ kiện tụng và tranh chấp do những tòa án này xét xử đều liên quan tới những sai phạm ở cấp liên bang như lạm dụng thư từ, trộm cắp tài sản liên bang, vi phạm các luật về vệ sinh thực phẩm, hoạt động ngân hàng và các hành vi làm tiền giả. Đây là những tòa án liên bang duy nhất nơi các hội thẩm đoàn "lớn" sẽ kết tội những kẻ bị buộc tội, và các hội thẩm đoàn "nhỏ" sẽ quyết định vụ nào đưa ra xử.
Mỗi quận về mặt tài phán còn có một tòa phá sản Hoa Kỳ, bởi vì Quốc hội đã quyết định rằng các vấn đề phá sản phải được xem xét tại các tòa liên bang chứ không phải tại các tòa án bang. Thông qua quá trình phá sản, các cá nhân hoặc các cơ sở kinh doanh không còn khả năng trả nợ các chủ nợ có thể hoặc yêu cầu thanh toán tài sản dưới sự giám sát của tòa hoặc cải tổ công việc tài chính của mình và đề ra một kế hoạch trả hết nợ.
Các tòa án đặc biệt
Ngoài các tòa án liên bang thuộc quyền tài phán chung, đôi khi cũng cần phải thiết lập các tòa án cho những mục đích đặc biệt. Những tòa án này được gọi là tòa án "lập pháp" do chúng được thiết lập bởi hành động của Quốc hội. Các thẩm phán của những tòa án này, cũng giống như đồng nghiệp của họ ở các tòa án liên bang khác, có nhiệm kỳ cả đời, do sự bổ nhiệm của tổng thống và được sự phê chuẩn của Thượng viện.
Hiện nay, có 2 tòa án đặc biệt có quyền tài phán trong cả nước đối với một số loại nhất định các vụ án. Tòa Thương mại Quốc tế sẽ xử những vụ liên quan đến thương mại và thuế quan quốc tế. Tòa án về Các yêu sách liên bang có quyền tài phán đối với hầu hết các yêu sách về thiệt hại tiền bạc đối với Hợp chủng quốc, những tranh chấp về các hợp đồng liên bang, những việc chính quyền liên bang "chiếm giữ" tài sản riêng một cách không hợp pháp, và nhiều loại yêu sách khác đối với Hợp chủng quốc.











HIẾN PHÁP HỢP CHỦNG QUỐC HOA KỲ
Toàn văn Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sau đây phản ánh câu chữ và cách sử dụng nguyên bản. Các dấu ngoặc vuông [] thể hiện những phần đã bị thay đổi hoặc bị thay thế bởi các sửa đổi.

Lời mở đầu
Chúng tôi, nhân dân Hợp chủng quốc Hoa Kỳ với mục đích xây dựng một Liên Bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ.
Ðiều I, Khoản 1
NGÀNH LẬP PHÁP
Toàn bộ quyền lực lập pháp được thừa nhận tại đây sẽ được trao cho Quốc hội Hoa Kỳ. Quốc hội gồm có Thượng viện và Hạ viện.
Ðiều I, Khoản 2
HẠ VIỆN
(1) Hạ viện sẽ gồm có các thành viên cứ 2 năm một lần được dân chúng ở các bang bầu ra. Ðại cử tri ở mỗi bang phải có phẩm chất cần thiết như là phẩm chất của đại cử tri ở bang có cơ quan lập pháp đông đảo nhất.
(2) Những người có thể được bầu làm hạ nghị sĩ phải từ 25 tuổi trở lên và phải là công dân của Hoa Kỳ ít nhất 7 năm và vào thời điểm được bầu phải là cư dân ở
(3) Hạ nghị sĩ và các loại thuế trực thu sẽ được phân bổ theo các bang [mà có thể tính gộp vào trong Liên bang tùy theo số lượng tương ứng được xác định bằng cách tính tổng số gồm những người tự do, kể cả những người làm việc theo thời hạn và 3/5 số những người còn lại, không tính những người da đỏ vốn không nộp thuế] . Công việc thống kê thực sự sẽ tiến hành trong vòng ba năm sau cuộc họp đầu tiên của Quốc hội Hoa Kỳ và 10 năm một lần tiến hành theo luật định. Mỗi hạ nghị sĩ sẽ đại diện cho không quá 30000 người. Nhưng mỗi bang sẽ có ít nhất một hạ nghị sĩ. Và trước khi việc thống kê và điều tra dân số được tiến hành, thì bang New Hampshire sẽ được quyền bầu ba đại biểu, bang Massachusetts được bầu tám đại biểu, bang đảo Rhodes và Providence Plantations được bầu một đại biểu, bang Connecticut được bầu năm đại biểu, bang New York được bầu sáu đại biểu, bang New Jersey bốn đại biểu, bang Pennsynvania tám đại biểu, bang Delaware một đại biểu, bang Maryland sáu đại biểu, bang Virginia mười đại biểu, bang Bắc Carolina năm đại biểu, bang Nam Carolina năm đại biểu và bang Georgia ba đại biểu.
(4) Khi khuyết ghế dân biểu ở bất cứ một bang nào thì chính quyền ở đó sẽ ban hành lệnh bầu cử để bổ sung vào những chỗ trống đó.
(5) Hạ viện sẽ bầu ra Chủ tịch và các quan chức khác của Viện và họ là những người duy nhất có quyền kết tội các quan chức.

Ðiều I, Khoản 3
THƯỢNG VIỆN
(1) Thượng viện Hoa Kỳ sẽ gồm có hai thượng nghị sĩ của mỗi bang [do cơ quan lập pháp ở đó bầu ra] với nhiệm kỳ 6 năm và mỗi thượng nghị sĩ sẽ có một phiếu biểu quyết.
(2) Ngay sau khi Thượng viện được bầu ra và nhóm họp lần đầu, các thượng nghị sĩ sẽ được phân chia sao cho đồng đều thành ba cấp. Thượng nghị sĩ cấp 1 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ, thượng nghị sĩ cấp 2 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ tư, thượng nghị sĩ cấp 3 sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ 6, sao cho sau mỗi hai năm có thể bầu lại một phần ba thượng nghĩ sĩ. [Và khi có chỗ trống do từ chức hoặc nguyên nhân nào khác trong thời gian ngừng họp của cơ quan lập pháp ở bất cứ bang nào, thì chính quyền ở đó có thể tạm thời bổ nhiệm cho đến kỳ họp tiếp đó của cơ quan lập pháp và khi đó sẽ bổ sung vào chỗ trống].
(3) Những người được bầu làm thượng nghị sĩ phải ở độ tuổi 30 trở lên và có 9 năm là công dân Hoa Kỳ, đồng thời khi được bầu phải là cư dân của bang mà người đó được tuyển chọn.
(4) Phó Tổng thống Hoa Kỳ sẽ là Chủ tịch Thượng viện, nhưng không có quyền bỏ phiếu, trừ trường hợp số phiếu chống ngang nhau khi biểu quyết.
(5) Thượng viện lựa chọn những quan chức khác và cả Chủ tịch Lâm thời khi Phó Tổng thống Hoa Kỳ vắng mặt hoặc khi Phó Tổng thống đảm nhận chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ.
(6) Thượng viện là nơi duy nhất có quyền xét xử tất cả các vụ bị kết tội. Khi nhóm họp để xét xử, thượng nghị sĩ sẽ phải tuyên thệ hoặc thề. Trong trường hợp xét xử Tổng thống, Chánh án Tòa án Tối cao sẽ chủ tọa phiên tòa. Không một ai bị kết án nếu không được sự nhất trí của hai phần ba các thượng nghị sĩ có mặt.
(7) Mức án áp dụng trong những vụ buộc tội này không vượt quá sự cách chức và tước quyền của bị cáo đang đảm nhận một chức tước danh dự, có lợi tức hoặc có lợi lộc trong chính quyền Hợp chủng quốc, tuy vậy họ vẫn có thể bị truy tố, xét xử, kết án và trừng phạt theo luật định.

Ðiều I, Khoản 4
TỔ CHỨC CỦA QUỐC HỘI
(1) Thời gian, địa điểm và cách thức tiến hành bầu cử thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ do cơ quan lập pháp của mỗi bang qui định. Nhưng vào bất cứ lúc nào Quốc hội cũng có thể dựa theo luật đặt ra hoặc thay đổi các qui định đó, [chỉ trừ qui định về địa điểm bầu thượng nghị sĩ].
(2) Quốc hội sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần [và phiên họp này sẽ vào ngày thứ hai đầu tiên của tháng 12], trừ trường hợp Quốc hội có thể qui định một ngày khác dựa theo luật.
Ðiều I, Khoản 5
(1) Mỗi viện sẽ có thẩm quyền về cuộc bầu cử của mình, về kết quả của cuộc bầu cử đó và về việc đánh giá tiêu chuẩn của các nghị sĩ. Ða số trong mỗi Viện sẽ tổ chức một nhóm đại biểu theo qui định để triển khai công việc, còn thiểu số có quyền trì hoãn phiên họp và có thể được trao quyền buộc những thành viên vắng mặt phải tham gia công việc theo đúng thể thức và phải nhận một hình thức kỷ luật theo qui chế của mỗi Viện.
(2) Mỗi Viện có thể quy định những qui chế của mình, thi hành kỷ luật những thành viên có hành vi sai phạm và khai trừ một thành viên với sự nhất trí của hai phần ba số thành viên.
(3) Mỗi Viện ấn hành một tờ nội san về công việc của mình và thông báo theo định kỳ các công việc đó trên tờ nội san, trừ những việc mà Viện cho là cần phải giữ bí mật. Những phiếu thuận và phiếu chống của các thành viên thuộc hai Viện về mọi vấn đề sẽ được công bố trên nội san theo yêu cầu của một phần năm các thành viên có mặt.
(4) Trong thời gian khóa họp của Quốc hội, nếu không được sự đồng ý của Viện kia, thì không một Viện nào có thể nghỉ họp quá ba ngày hoặc chuyển sang địa điểm khác với địa điểm mà hai Viện đã quyết định.
Ðiều I, Khoản 6
(1) Các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ được nhận một khoản trợ cấp cho công việc của mình do luật định và được Ngân khố của Hợp chủng quốc thanh toán. Trong mọi trường hợp, trừ khi có tội phản quốc, trọng tội và tội vi phạm nền an ninh, họ được hưởng đặc quyền không bị bắt giam trong thời gian tham dự khóa họp của Viện, trong khi tới cuộc họp và trở về nhà từ cuộc họp. Ðối với những lời phát biểu và tranh luận của họ trong cả hai Viện này, họ có quyền không bị chất vấn ở những nơi khác.
(2) Trong thời gian được bầu làm thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ, không một ai sẽ được bổ nhiệm vào một chức vụ dân sự trong chính quyền Hoa Kỳ. Trong thời gian đó tiền lương của họ sẽ không bị giảm và không một ai đang đảm nhiệm một chức vụ dân sự nào trong chính quyền Hoa Kỳ được bầu vào Quốc hội.

Ðiều I, Khoản 7
(1) Tất cả dự luật về tích lũy tổng thu nhập sẽ do Hạ viện đề xuất, nhưng Thượng viện có quyền đề nghị hoặc chấp thuận những điều sửa đổi trong các dự luật này cũng như đối với những dự luật khác.
(2) Mỗi dự luật đã được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện trước khi trở thành luật đều phải đệ trình lên Tổng thống Hoa Kỳ. Nếu tán thành, Tổng thống sẽ ký nhận, nếu không Tổng thống sẽ trả lại Viện đưa ra dự luật đó cùng với ý kiến không tán thành. Viện này sẽ thông báo rộng rãi ý kiến không tán thành trong nội san và tiến hành xem xét lại dự luật. Nếu sau khi xem xét lại và hai phần ba thành viên của Viện đó đồng ý thông qua dự luật, thì nó sẽ được gửi cho Viện kia, kèm theo ý kiến không tán thành. Và Viện đó cũng sẽ xem xét. Nếu được hai phần ba thành viên của Viện đó phê chuẩn, thì nó sẽ trở thành một đạo luật. Nhưng trong các trường hợp này, phiếu bầu của cả hai Viện đều phải ghi rõ tán thành hay không tán thành. Tên của những người tán thành và không tán thành dự luật sẽ được đưa vào nội san của mỗi Viện. Những dự luật mà Tổng thống không gửi trả lại trong vòng 10 ngày (không kể chủ nhật) sau khi đệ trình lên sẽ trở thành đạo luật, coi như Tổng thống đã ký phê chuẩn, trừ trường hợp Quốc hội đang không nhóm họp nên Tổng thống không thể gửi trả lại cho Quốc hội được và trong trường hợp đó thì dự luật sẽ không trở thành luật.
(3) Những mệnh lệnh, nghị quyết hoặc biểu quyết cần sự nhất trí của Thượng viện và Hạ viện (trừ trường hợp Quốc hội nghỉ họp), sẽ được đệ trình lên Tổng thống Hoa Kỳ, và trước khi có hiệu lực, chúng phải qua sự phê chuẩn của Tổng thống, hoặc nếu Tổng thống không chấp thuận, cần phải có sự chấp thuận lần thứ hai của hai viện với hai phần ba thành viên của mỗi viện, theo đúng các qui chế và giới hạn được qui định cho các trường hợp về dự luật.
Ðiều I, Khoản 8
QUYỀN HẠN CỦA QUỐC HỘI
Quốc hội sẽ có quyền:
(1) Đặt ra và thu các khoản thuế, thuế quan, thuế môn bài để trả các khoản nợ và chi phí cho quốc phòng và phúc lợi công cộng của Hoa Kỳ. Nhưng các khoản thuế quan và thuế môn bài đều phải thống nhất trên toàn cõi Hoa Kỳ.
(2) Vay tiền theo tín dụng cho Hoa Kỳ.
(3) Qui định về thương mại với ngoại quốc, giữa các bang và với các bộ lạc da đỏ.
(4) Xây dựng đạo luật thống nhất về việc nhập quốc tịch và luật thống nhất trong toàn lãnh thổ Hoa Kỳ về các vấn đề phá sản.
(5) Ðúc và in tiền, qui định giá trị của đồng tiền trong nước và đồng tiền nước ngoài, xác định tiêu chuẩn cân đo.
(6) Trừng phạt những vụ làm giả trái phiếu và đồng tiền đang lưu hành ở Hoa Kỳ.
(7) Xây dựng các trạm bưu điện và mạng lưới bưu điện.
(8) Thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học và các nghệ thuật hữu ích bằng cách đảm bảo quyền sở hữu của các tác giả và nhà phát minh đối với các tác phẩm và phát minh trong thời gian hạn định.
(9) Thiết lập các tòa án dưới quyền của Tòa án tối cao.
(10) Xác định rõ và trừng phạt các tội cướp biển và trọng tội xẩy ra trên biển và những sự vi phạm luật pháp quốc tế.
(11) Tuyên chiến, ban bố văn bản trao quyền cho các tầu tư nhân được phép tấn công các tầu nước ngoài và soạn thảo những luật liên quan tới sự chiếm dụng đất và nguồn nước.
(12) Nuôi dưỡng và cung cấp cho quân đội, nhưng việc chi tiêu khoản tiền này chỉ trong thời hạn không quá hai năm.
(13) Thiết lập và duy trì quân chủng hải quân.
(14) Soạn thảo các luật lệ và các qui chế về lực lượng lục quân và hải quân.
(15) Trù liệu việc xây dựng lực lượng dự bị nhằm thực thi luật pháp của Liên bang, trấn áp các cuộc phiến loạn và đẩy lùi xâm lăng.
(16) Trù liệu sự tổ chức, vũ trang và duy trì kỷ luật các lực lượng dự bị của các bang, và trù liệu việc lãnh đạo các lực lượng này khi nào được huy động vào lực lượng liên bang Hoa Kỳ, trong khi vẫn giành cho các bang cụ thể quyền bổ nhiệm sỹ quan và quyền huấn luyện lực lượng dự bị của mỗi bang theo chuyên ngành mà quốc hội đã quy định.
(17) Thực thi quyền lập pháp đặc biệt trong mọi trường hợp đối với những quận huyện (diện tích không quá 10 hải lý vuông) bằng cách Quốc hội tiếp nhận sự nhượng quyền của các bang đặc biệt, trở thành cơ quan lãnh đạo của Chính phủ Hoa Kỳ và thực thi quyền lãnh đạo đối với tất cả những địa điểm đã được mua lại theo sự đồng ý của cơ quan lập pháp của bang và cũng theo cách như vậy xây dựng các pháo đài, kho vũ khí, xưởng chế tạo vũ khí, kho cảng và các cơ sở cần thiết khác.
(18) Soạn thảo mọi điều luật cần thiết và đúng đắn để thực thi những quyền lực nói trên, cũng như tất cả những quyền lực khác đã được Hiến pháp này trao cho Chính phủ Hoa Kỳ, hoặc cho bất cứ một cơ quan và quan chức nào khác.

Ðiều I, Khoản 9
CÁC QUYỀN KHÔNG CHO PHÉP ĐỐI VỚI QUỐC HỘI
(1) Việc nhập cư hoặc nhập khẩu của những người hiện đang sống ở bất cứ bang nào sẽ được cân nhắc để chấp nhận, sẽ không bị Quốc hội cấm đoán trước năm 1808, nhưng sẽ đánh thuế không quá 10 đôla cho mỗi người nhập cư.
(2) Quyền được tòa án thẩm định lý do bắt giam sẽ không bị tước đoạt, trừ trường hợp có phiến loạn và xâm lược và do yêu cầu nhằm đảm bảo nền an ninh chung.
(3) Lệnh tước quyền công dân và tử hình không cần xét xử sẽ không được thông qua.
(4) Sẽ không đặt ra loại thuế thân [hoặc các loại thuế trực thu khác], nếu không tương ứng với cuộc điều tra dân số kể trên trong điều này.
(5) Sẽ không đặt ra loại thuế hoặc thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu từ bất cứ bang nào.
(6) Trong những quy chế về thương mại và thu nhập sẽ không có sự ưu tiên nào đối với bến cảng của bất cứ bang nào so với những bang khác. Tầu thuyền từ một bang nào đó sẽ không bị bắt buộc phải cập bến, chịu sự kiểm tra và nộp thuế ở một bang khác.
(7) Sẽ không được rút bất cứ khoản tiền nào từ Ngân khố, trừ trường hợp được pháp luật cho phép. Bản báo cáo tài chính thu chi thường kỳ của những khoản tiền công cộng phải được công bố thường xuyên.
(8) Hoa Kỳ sẽ không ban tặng các tước hiệu quý tộc. Những người đảm nhận những chức vụ có lợi tức nếu không được sự đồng ý của Quốc hội sẽ không được phép nhận bất cứ quà tặng, lương bổng, hoặc bất cứ danh hiệu, tước vị nào do vua chúa hoặc chính phủ nước ngoài nào trao tặng.
Ðiều I, Khoản 10
CÁC QUYỀN KHÔNG CHO PHÉP ĐỐI VỚI CÁC BANG
(1) Không một bang nào được phép tham gia vào bất cứ một hiệp ước, khối đồng minh hoặc liên hiệp nào; không được phép cấp giấy phép trưng dụng, bắt giữ tàu thuyền nước ngoài; không được đúc tiền hoặc phát hành trái phiếu; hoàn toàn không được dùng các đồng tiền vàng và bạc để thanh toán các khoản nợ; không được thông qua luật trừng phạt con người mà không qua xét xử và luật trừng phạt con người về một hành vi không vi phạm pháp luật hoặc một đạo luật nào phương hại đến nghĩa vụ thực hiện hợp đồng; không được ban tặng các tước hiệu quý tộc.
(2) Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, không một bang nào được đặt ra thuế và thuế quan đánh vào hàng nhập khẩu và xuất khẩu, trừ trường hợp hết sức cần thiết cho việc thực hiện các điều luật về thanh tra, và hệ thống thuế đánh vào hàng nhập khẩu hoặc xuất khẩu do một bang nào đó đặt ra sẽ phải đóng góp cho Ngân khố Hoa Kỳ, đồng thời tất cả các điều luật này đều phải đệ trình lên để Quốc hội xét duyệt và kiểm soát.
(3) Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, không một bang nào được đánh thuế tàu, duy trì các đội quân và tàu chiến trong thời kỳ hòa bình, ký kết hiệp định hoặc thỏa ước với một bang khác hoặc với lực lượng nước ngoài hoặc tham gia vào cuộc chiến tranh, trừ trường hợp thực sự bị xâm lược hoặc lâm vào tình trạng sắp xẩy ra nguy biến và không thể trì hoãn.
Ðiều II, Khoản 1
NGÀNH HÀNH PHÁP
(1) Quyền hành pháp sẽ được trao cho Tổng thống Hoa Kỳ. Tổng thống giữ chức vụ của mình trong nhiệm kỳ 4 năm và cùng với Phó Tổng thống cũng được bầu ra theo cùng một nhiệm kỳ và được bầu cử theo thể thức sau đây:
(2) Theo thể thức mà cơ quan lập pháp ở đó qui định, mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ mà bang sẽ bầu ra trong Quốc hội. Nhưng không một thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ hoặc một quan chức nào đảm nhiệm chức vụ có lợi tức sẽ được chọn làm đại cử tri.
(3) [Các đại cử tri sẽ họp ở bang của mình và bỏ phiếu bầu hai người và ít nhất một trong hai người không phải là cư dân trong cùng một bang vớingười kia. Họ sẽ lập bản danh sách về những người đi bầu và số phiếu bầu của mỗi người, ký và xác nhận vào danh sách, gắn xi niêm phong và chuyển lên cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ, đệ trình lên Chủ tịch Thượng viện. Với sự có mặt của Thượng viện và Hạ viện, Chủ tịch Thượng viện sẽ mở tất cả cứ liệu đã được xác nhận và sẽ đếm số lượng phiếu bầu. Người có nhiều phiếu bầu nhất sẽ là Tổng thống, nếu như số phiếu bầu này chiếm đa số trong tổng số các đại cử tri được bầu ra, và nếu từ hai người trở lên có đa số phiếu bầu và có số phiếu bầu bằng nhau, thì Hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu để bầu một trong những người đó làm Tổng thống. Nếu không người nào có đa số phiếu bầu, thì Hạ viện cũng theo thể thức như vậy, chọn 5 người có số phiếu bầu nhiều nhất trong danh sách để bầu ra Tổng thống. Nhưng trong việc bầu Tổng thống, công việc bầu cử tiến hành ở các bang, hạ nghị sĩ ở mỗi bang có một phiếu bầu. Số đại biểu tiến hành công việc này sẽ gồm một thành viên hoặc những thành viên thuộc hai phần ba số bang và điều cần thiết cho cuộc bầu cử phải gồm đại biểu của đa số các bang. Trong mọi trường hợp, sau khi bầu Tổng thống, người có số phiếu nhiều nhất do các đại cử tri bầu cho sẽ là Phó Tổng thống. Nhưng nếu từ hai người trở lên có số phiếu bầu bằng nhau, thì Thượng viện sẽ chọn trong số đó để bỏ phiếu bầu ra Phó Tổng thống].
(4) Quốc hội có thể quyết định thời gian bầu các đại cử tri và ngày mà các đại cử tri sẽ bỏ phiếu để bầu cử và đó sẽ là cùng một ngày trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.
(5) Người có đủ tiêu chuẩn được bầu làm Tổng thống phải là công dân sinh ra tại bản địa hoặc là công dân Hoa Kỳ trong thời gian thực hiện Hiến pháp này, từ 35 tuổi trở lên và đã có 14 năm cư trú ở Hoa Kỳ.
(6) Trong trường hợp Tổng thống bị cách chức hoặc qua đời, từ chức hoặc không đủ năng lực trong việc thực thi quyền lực và nhiệm vụ của mình, thì mọi quyền lực và nhiệm vụ sẽ chuyển giao cho Phó Tổng thống. Quốc hội sẽ căn cứ vào luật bổ khuyết một quan chức vào ghế trống trong các trường hợp truất quyền, tử vong, từ chức hoặc không đủ năng lực của cả Tổng thống và Phó Tổng thống; quan chức nào thay quyền Tổng thống hoặc Phó Tổng thống sẽ thi hành nhiệm vụ cho đến khi chấm dứt tình trạng không đủ năng lực và khi đã bầu được Tổng thống mới.
(7) Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống sẽ được nhận một khoản tiền lương trả cho công việc của mình, khoản tiền này sẽ không tăng và cũng không giảm trong suốt nhiệm kỳ này và Tổng thống cũng không có quyền được nhận bất cứ một khoản tiền nào khác của Hoa Kỳ hoặc bất cứ một bang nào.
(8) Trước khi bắt đầu điều hành văn phòng của mình, Tổng thống sẽ tuyên thệ hoặc thề như sau: "Tôi trân trọng tuyên thệ (hoặc thề) rằng tôi sẽ giữ chức vụ Tổng thống Hoa Kỳ với lòng trung thành và tận dụng hết khả năng của mình để duy trì, giữ gìn và bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ".
Ðiều II, Khoản 2
(1) Tổng thống sẽ là Tổng tư lệnh các lực lượng lục quân và hải quân Hoa Kỳ và của lực lượng dự bị ở một số bang. Khi bắt đầu thực sự bắt tay vào công, Tổng thống có thể yêu cầu các quan chức phụ trách các cơ quan hành pháp đề xuất ý kiến bằng văn bản về bất cứ vấn đề nào liên quan tới nhiệm vụ của những cơ quan đó. Tổng thống có quyền hủy bỏ bản án hoặc ân xá đối với những hành vi chống lại Hoa Kỳ, trừ những trường hợp xét xử các vụ trọng tội.
(2) Theo thỏa thuận và sự đồng ý của Thượng viện - với sự nhất trí của hai phần ba số thượng nghị sĩ có mặt, Tổng thống có quyền ký kết các điều ước. Và cũng theo thỏa thuận, đồng ý của Thượng viện, Tổng thống sẽ bổ nhiệm các đại sứ, các công sứ, lãnh sự, các quan tòa của Tòa án tối cao và những quan chức khác của Hoa Kỳ. Những việc bổ nhiệm này không làm trái với những qui định và sẽ được thực hiện theo luật định, nhưng Quốc hội có thể căn cứ vào các điều luật mà thực hiện quyền bổ nhiệm các quan chức cấp dưới trong các tòa án hoặc các vụ viện mà họ cho là phù hợp.
(3) Tổng thống sẽ có quyền bổ sung vào những chỗ trống có thể xẩy ra trong thời gian giữa hai kỳ họp của Thượng viện bằng cách cấp giấy ủy nhiệm có thời hạn đến cuối kỳ họp sau của Thượng viện.
Ðiều II, Khoản 3
Theo thường lệ, Tổng thống sẽ thông báo thường kỳ cho Quốc hội về tình hình của Liên bang và đề nghị Quốc hội xem xét những biện pháp mà Tổng thống thấy cần thiết và thích hợp. Trong trường hợp cần thiết, Tổng thống có quyền triệu tập hai Viện hoặc một trong hai Viện. Trong trường hợp bất đồng giữa hai Viện về thời gian hoãn họp, Tổng thống sẽ quyết định về thời gian cuộc họp sẽ hoãn đến bao giờ mà Tổng thống cho là thích hợp. Tổng thống sẽ tiếp kiến các đại sứ và các công sứ. Tổng thống đôn đốc việc thi hành pháp luật một cách đúng đắn và sẽ giao phó nhiệm vụ cho tất cả các quan chức của Hoa Kỳ.
Ðiều II, Khoản 4
Tổng thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Hoa Kỳ sẽ bị cách chức khi bị buộc tội phản quốc, tội nhận hối lộ cùng những tội nghiêm trọng khác.
Ðiều III, Khoản 1
NGÀNH TƯ PHÁP
Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ được trao cho Tòa án tối cao và những tòa án cấp dưới mà Quốc hội có thể thiết lập trong một số trường hợp. Các quan tòa của Tòa án tối cao và các tòa án cấp dưới sẽ giữ chức vụ của mình đến suốt đời nếu luôn luôn có hành vi chính đáng, và trong thời gian đã nêu trên, họ được nhận khoản tiền lương cho công việc của mình và khoản tiền này sẽ không bị giảm đi trong suốt thời gian đó.
Ðiều III, Khoản 2
(1) Quyền lực tư pháp căn cứ vào Hiến pháp này sẽ có hiệu lực đối với tất cả các vụ việc trên phương diện luật pháp và công lý, các điều luật của Hoa Kỳ, các hiệp ước đã hoặc sẽ ký dưới thẩm quyền của Chính phủ; đối với các trường hợp liên quan tới các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự, đối với các trường hợp liên quan tới luật pháp hàng hải và hải quân; đối với các tranh chấp mà Hoa Kỳ là một bên, đối với các cuộc tranh chấp giữa hai bang trở lên, giữa một bang với các công dân của bang khác, giữa các công dân của các bang khác nhau, giữa các công dân trong một bang tranh chấp đất đai do các bang khác nhau cấp, giữa một bang hoặc các công dân của bang đó với các bang khác [hoặc các công dân và đối tượng của bang khác].
(2) Trong các trường hợp liên quan tới các đại sứ, các công sứ và các lãnh sự, và các trường hợp mà một bang thuộc về một bên, thì Tòa án tối cao phải mở phiên tòa sơ thẩm. Trong những trường hợp khác, căn cứ vào luật pháp, vụ việc và cả những ngoại lệ và tuân theo những quy chế do Quốc hội đề xuất, Tòa án tối cao sẽ mở phiên tòa phúc thẩm.
(3) Trừ những trường hợp bị buộc trọng tội, việc xét xử các tội sẽ phải thông qua Bồi thẩm đoàn và phiên tòa xét xử sẽ mở tại bang đã xẩy ra vụ việc phạm tội. Nhưng nếu vụ việc không xẩy ra trong bất cứ bang nào, thì phiên tòa sẽ họp ở một nơi mà Quốc hội căn cứ vào luật để quyết định.

Ðiều III, Khoản 3
(1) Tội phản quốc chống lại Hoa Kỳ bao gồm hành vi gây chiến tranh tấn công nước này hoặc ủng hộ kẻ thù, trợ giúp và úy lạo chúng. Không một ai bị phán quyết về tội phản quốc, trừ phi có hai người làm chứng về hành vi phạm tội hoặc có sự thú tội công khai trước tòa.
(2) Quốc hội có quyền xác định hình phạt cho tội phản quốc. Nhưng không một sự trừng phạt nào hay việc tịch thu tài sản lại thực hiện đối với những người thân của kẻ phạm tội, mà chỉ thực hiện đối với bản thân họ mà thôi.
Ðiều IV
Ðiều IV, Khoản 1
MỐI QUAN HỆ GIỮA CÁC BANG
Mỗi bang đều phải tin tưởng tuyệt đối vào các điều luật, hồ sơ và thủ tục tố tụng của các bang khác. Quốc hội bằng những luật có tính chất chung quy định cách thức chứng thực các điều luật, hồ sơ và thủ tục tố tụng đó, cũng như hiệu lực của chúng.
Ðiều IV, Khoản 2
(1) Công dân của mỗi bang sẽ được hưởng mọi đặc quyền và quyền bất khả xâm phạm như công dân của các bang khác.
(2) Cá nhân bị truy tố về tội phản quốc, trọng tội hoặc một tội nào khác mà trốn tránh pháp luật và bị tìm thấy ở một bang khác, thì theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của bang mà người đó chạy trốn, sẽ bị trao trả lại và dẫn độ về bang có thẩm quyền xét xử.
(3) [Không một cá nhân nào vốn bị giam cầm, quản thúc, khổ sai ở một bang bỏ trốn sang một bang khác lại có thể dựa vào luật lệ và qui chế ở địa phương mới để trốn tránh những hình phạt nói trên, ngược lại cá nhân đó phải được trao trả lại theo yêu cầu của bên mà cá nhân đó buộc phải làm việc và lao động].
Ðiều IV, Khoản 3
MỐI QUAN HỆ GIỮA BANG VÀ LIÊN BANG
(1) Những bang mới có thể được Quốc hội chấp nhận gia nhập vào Liên bang này; nhưng không một bang mới nào sẽ được thành lập hoặc dựng nên dưới thẩm quyền của bất cứ bang nào khác; cũng không một bang nào sẽ được hình thành bằng cách sát nhập hai bang trở lên hoặc các vùng của các bang khác nếu không được sự đồng ý của cơ quan lập pháp ở các bang có liên quan cũng như của Quốc hội.
(2) Quốc hội có quyền hoạch định và xây dựng các luật lệ và qui chế cần thiết liên quan tới lãnh thổ hoặc sở hữu khác thuộc về Hoa Kỳ; và không một điều nào trong Hiến pháp này sẽ được giải thích làm tổn hại đến bất cứ tuyên bố nào của Hoa Kỳ hay của bất cứ một bang cụ thể nào khác.
Ðiều IV, Khoản 4
Hoa Kỳ sẽ đảm bảo cho mỗi bang trong Liên bang này một thể chế chính quyền cộng hoà; và sẽ bảo vệ mỗi bang chống lại sự xâm lược; và theo yêu cầu của cơ quan lập pháp hoặc hành pháp (khi cơ quan lập pháp không thể nhóm họp) để chống lại tình trạng bạo lực trong nước.
Ðiều V
SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Khi hai phần ba thành viên của cả hai Viện đều xét thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của các cơ quan lập pháp ở hai phần ba các bang, Quốc hội sẽ đưa ra những điều sửa đổi đối với Hiến pháp này và sẽ triệu tập Ðại hội để đề xuất những điều sửa đổi; cả trong hai trường hợp chúng đều có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp khi được phê chuẩn bởi các cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang, hoặc bởi Ðại hội của ba phần tư các bang, theo một thể thức phê chuẩn do Quốc hội đề nghị với điều kiện là không một điều sửa đổi nào có thể được đề xuất trước năm 1808 theo một cách thức ảnh hưởng đến đoạn 1 và đoạn 4 trong khoản 9 của Ðiều 1; và không một bang nào, nếu bản thân không đồng ý, lại có thể bị tước đoạt quyền bỏ phiếu bình đẳng trong Thượng viện.
Ðiều VI
CÁC KHOẢN NỢ QUỐC GIA
(1) Mọi khoản nợ đã ký kết và những cam kết có trước khi thông qua Hiến pháp này vẫn có hiệu lực đối với Liên bang được thành lập trong khuôn khổ Hiến pháp này cũng như đối với Liên minh cũ.
QUYỀN TỐI CAO CỦA CHÍNH PHỦ QUỐC GIA
(2) Hiến pháp này, các đạo luật của Hoa Kỳ được ban hành theo Hiến pháp này, mọi điều ước đã hoặc sẽ được ký kết dưới thẩm quyền của Hoa Kỳ sẽ là luật tối cao của quốc gia. Quan tòa ở các bang đều phải tuân theo những luật này; bất cứ một điều gì trong Hiến pháp hoặc luật của các bang mà trái ngược với Hiến pháp Liên bang đều không có giá trị.
(3) Các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ, các thành viên của cơ quan lập pháp các bang, các quan chức trong cơ quan hành pháp của Liên bang lẫn tiểu bang đều phải tuyên thệ hoặc xác nhận sự ủng hộ Hiến pháp này. Nhưng không một điều kiện tôn giáo nào bị coi là bắt buộc như tiêu chuẩn để bổ nhiệm vào các chức vụ, công sở của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Ðiều VII
PHÊ CHUẨN HIẾN PHÁP
Việc các đại hội của 9 bang phê chuẩn là đủ điều kiện để thiết lập hiến pháp giữa các bang (vốn cũng tham gia phê chuẩn Hiến pháp này).









CÁC ĐIỀU BỔ SUNG SỬA ĐỔI CỦA HIẾN PHÁP HOA KỲ
Các điều này bổ sung vào và là điều bổ sung sửa đổi của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được Quốc hội đề xuất và được các bang phê chuẩn theo Điều 5 của Hiến pháp ban đầu.
Mười điều bổ sung sửa đổi đầu tiên, hay còn được gọi là Tuyên ngôn Nhân quyền, được đề xuất ngày 25/9/1789 và được phê chuẩn ngày 15/12/1791. Ban đầu, các Điều bổ sung sửa đổi chỉ hạn chế Chính phủ Liên bang. Nhưng Điều bổ sung sửa đổi thứ 14 tuyên bố rằng không bang nào có thể tước đoạt cuộc sống, quyền tự do, hay tài sản của bất kỳ ai mà không thông qua “quy trình pháp lý phù hợp”. Tòa án Tối cao đã diễn đạt những từ này có nghĩa là hầu hết Tuyên ngôn Nhân quyền được áp dụng để giới hạn quyền của các bang cũng như của các chính quyền địa phương.
Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 1
TỰ DO TÍN NGƯỠNG, TỰ DO NGÔN LUẬN VÀ BÁO CHÍ; QUYỀN HỘI HỌP VÀ KIẾN NGHỊ
Quốc hội sẽ không ban hành một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, báo chí và quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình.
Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 2QUYỀN MANG VŨ KHÍ
Xét thấy lực lượng dự bị có tổ chức nghiêm chỉnh là rất cần thiết cho nền an ninh của một quốc gia tự do, quyền của dân chúng được giữ và sử dụng vũ khí sẽ không bị vi phạm.
Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 3NƠI Ở CỦA BINH LÍNH
Không một quân nhân nào trong thời bình được đóng quân trong bất cứ nhà dân nào nếu không được sự đồng ý của chủ nhà, và ngay trong thời chiến cũng chỉ theo qui định của luật pháp.
Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 4LỆNH TRUY NÃ VÀ BẮT GIỮ
Quyền của con người được đảm bảo về cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản khỏi mọi sự khám xét và bắt giam, quyền này sẽ không được vi phạm. Không một lệnh, trát nào được cấp nếu không có lý do xác đáng căn cứ vào lời tuyên thệ hoặc sự xác nhận, đặc biệt cần miêu tả chính xác địa điểm khám xét, người và đồ vật bắt giữ.
Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 5QUYỀN TRONG CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ
Không một ai bị buộc phải chịu trách nhiệm về một tội nghiêm trọng hay một tội xấu xa khác nếu không có sự tường trình và cáo trạng của Bồi thẩm đoàn, trừ những trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân hoặc trong lực lượng dự bị, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến hoặc trong tình trạng xã hội gặp hiểm nguy. Không một ai sẽ bị kết án hai lần về cùng một tội có nguy hại đến tính mạng và thân thể; không một ai bị ép buộc phải làm chứng chống lại bản thân mình trong một vụ án hình sự và bị tước đoạt sinh mạng, tự do hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng vào việc công mà không được bồi thường thích đáng.
Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 6QUYỀN ĐƯỢC XÉT XỬ CÔNG BẰNG
Trong mọi trường hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một Bồi thẩm đoàn công bằng của bang hoặc khu vực nơi tội trạng xảy ra, nơi đã được pháp luật chỉ định trước; bị cáo phải được thông báo về tính chất và lý do buộc tội, được đối chất với các nhân chứng chống lại mình, được quyền triệu tập những nhân chứng để biện minh và được sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.
Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 7QUYỀN TRONG CÁC VỤ ÁN DÂN SỰ
Trong những vụ kiện tụng theo thông luật, nếu giá trị tranh chấp quá 20 đôla, thì quyền được xét xử bởi Bồi thẩm đoàn sẽ được tôn trọng và không một vụ việc nào đãđược Bồi thẩm đoàn xét xử lại phải xem xét lại lần nữa ở bất cứ tòa án nào của Hoa Kỳ, mà phải căn cứ theo các quy tắc của thông luật.
Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 8TIỀN BẢO LÃNH, TIỀN PHẠT VÀ HÌNH PHẠT
Không đòi hỏi những khoản tiền bảo lãnh quá cao, không áp đặt những khoản tiền phạt quá mức và không áp dụng những hình phạt dã man và khác thường.
Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 9QUYỀN CỦA NHÂN DÂN
Việc liệt kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người dân.
Tuyên ngôn Nhân quyền Điều bổ sung sửa đổi thứ 10QUYỀN CỦA CÁC BANG VÀ CỦA NHÂN DÂN
Những quyền lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các bang, thì thuộc về các bang cụ thể hoặc nhân dân.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 11CÁC VỤ KIỆN CHỐNG LẠI CÁC BANG
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 4/3/1794 và được thông qua vào ngày 7/2/1795.
Quyền lực tư pháp của Hoa Kỳ sẽ không được giải thích với mục đích mở rộng ra các vụ tố tụng về luật pháp hay công lý mà công dân của một bang khác hoặc công dân và đối tượng của một nước khác dựa vào đó để khởi kiện hoặc truy tố một bang của Hoa Kỳ.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 12BẦU TỔNG THỐNG VÀ PHÓ TỔNG THỐNG
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 9/12/1803 và được thông qua vào ngày 27/7/1804.
Các đại cử tri sẽ họp lại trong từng bang của họ và bằng lá phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống. ít nhất một trong hai người này sẽ không phải là cư dân cùng một bang với họ. Họ sẽ ghi vào lá phiếu tên người được bầu là Tổng thống và trên lá phiếu khác tên người được bầu làm Phó Tổng thống. Và họ sẽ lập ra các bản danh sách khác nhau những người bầu cho Tổng thống, những người bầu cho phó Tổng thống và cả số phiếu bầu cho mỗi người. Họ sẽ ký xác nhận vào những danh sách này, niêm phong và chuyển lên Chính phủ Hoa Kỳ, trình lên Chủ tịch Thượng viện. Chủ tịch Thượng viện trước sự hiện diện của Thượng viện và Hạ viện, sẽ mở tất cả các hồ sơ đã được chứng nhận và các phiếu bầu sẽ được đem ra đếm. Người có số phiếu nhiều nhất trong cuộc bầu cử cho Tổng thống sẽ đắc cử Tổng thống nếu con số này là đa số trong tổng số đại cử tri được chỉ định; nếu không ai đạt số phiếu như vậy thì Hạ viện sẽ ngay lập tức bỏ phiếu bầu Tổng thống trong những người có số phiếu bầu cao nhất, nhưng không quá 3 người. Nhưng trong việc bầu Tổng thống này, việc bỏ phiếu sẽ được tính theo các bang, đại diện của mỗi bang có một phiếu bầu. Số đại biểu qui định để tiến hành việc này gồm một hoặc các thành viên của hai phần ba các bang và phải có đa số các bang. (Nếu Hạ viện đã được trao quyền bầu cử mà không bầu ra Tổng thống [trước ngày 4 tháng 3 tiếp theo], thì Phó Tổng thống sẽ là quyền Tổng thống, cũng giống như trường hợp Tổng thống qua đời hoặc không đủ năng lực như Hiến pháp quy định). Người có số phiếu bầu nhiều nhất cho Phó Tổng thống sẽ đắc cử Phó Tổng thống nếu số phiếu này là đa số phiếu của tổng số đại cử tri được chỉ định; nếu không có ai được đa số phiếu, thì Thượng viện sẽ căn cứ vào hai người có số phiếu cao nhất trong danh sách để bầu ra phó Tổng thống. Số đại biểu cần thiết cho mục đích này gồm hai phần ba trong tổng số thượng nghị sĩ và đa số trong tổng số là tiêu chuẩn cần thiết để chọn lựa. Người nào không đủ tiêu chuẩn hợp hiến để đảm nhận chức vụ Tổng thống thì cũng không đủ tiêu chuẩn để được chọn làm Phó Tổng thống Hoa Kỳ.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 13BÃI BỎ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 31/1/1865 và được thông qua vào ngày 6/12/1865.
Khoản 1
Không một chế độ nô lệ hoặc lao dịch cưỡng bức nào có thể tồn tại ở Hoa Kỳ hoặc ở một nơi nào thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ, trừ trường hợp trừng phạt thích đáng đối với tội phạm hình sự mà đương sự phạm phải.
Khoản 2
Quốc hội sẽ có quyền thực thi điều này bằng quyền lập pháp tương ứng.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 14QUYỀN CÔNG DÂN
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 13/6/1866 và được thông qua vào ngày 9/7/1868.
Khoản 1
Tất cả những người sinh ra trên lãnh thổ Hoa Kỳ hoặc được nhập quốc tịch ở Hoa Kỳ và thuộc thẩm quyền tài phán ở đó, đều là công dân của Hoa Kỳ và của bang mà họ sinh sống. Không một bang nào được ban hành hoặc thực thi bất cứ đạo luật nào nhằm hạn chế đặc quyền hoặc quyền bất khả xâm phạm của công dân Hoa Kỳ. Cũng không một bang nào có thể tước đoạt sinh mệnh, tự do hoặc tài sản của một cá nhân mà không theo một quy trình do luật định. Cũng không thể phủ nhận quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng của một cá nhân trong phạm vi thẩm quyền tài phán của bang đó.
Khoản 2
Số Hạ nghị sĩ được phân chia theo tổng số nhân khẩu của các tiểu bang, [ngoại trừ những người da đỏ không phải nộp thuế]. Nhưng trong bất cứ một cuộc bầu cử đại cử tri (để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống Hoa Kỳ), bầu cử các Hạ nghị sĩ trong Quốc hội, các quan chức hành pháp và tư pháp của bang hoặc các thành viên của cơ quan lập pháp nơi đó, nếu quyền bầu cử của nam công dân tuổi 21 và là công dân Hoa Kỳ bị phủ nhận hoặc hoặc bị tước bỏ vì lý do nào đó (không kể trường hợp những người tham gia phiến loạn hoặc phạm các tội khác), thì số đại cử tri ở đó sẽ bị giảm bớt theo tỷ lệ giữa tổng số nam công dân và số nam công dân ở độ tuổi 21 tại bang đó.
Khoản 3
Những ai với tư cách là thành viên của Quốc hội, hoặc một quan chức của Hoa Kỳ, hoặc một thành viên của một cơ quan lập pháp của bang, hoặc quan chức hành chính hay tư pháp của bất cứ một bang nào đã tuyên thệ ủng hộ Hiến pháp của Hoa Kỳ nhưng lại tham gia các cuộc nổi dậy hay phiến loạn chống lại Hiến pháp hoặc trợ giúp hay úy lạo kẻ thù, thì không thể là thượng nghị sĩ hoặc hạ nghị sĩ trong Quốc hội, hoặc đại cử tri để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, hoặc phụ trách một cơ quan dân sự hay quân sự nào của Hoa Kỳ hay của một bang nào đó. Nhưng Quốc hội có thể với 2/3 số phiếu của hai phần ba thành viên mỗi Viện để bác bỏ sự nghiêm cấm nói trên.
Khoản 4
Giá trị của những khoản nợ công cộng của Hoa Kỳ, được luật pháp đảm bảo, kể cả những khoản nợ để trả cho các khoản phụ cấp và tiền thưởng cho công việc phục vụ trấn áp các cuộc nổi dậy và phiến loạn, không bị chất vấn. Tuy nhiên Hoa Kỳ và bất cứ bang nào đều không thừa nhận hoặc thanh toán các khoản nợ hay trái vụ liên quan tới sự hỗ trợ các cuộc nổi dậy và phiến loạn chống lại Hoa Kỳ, hoặc đối với những yêu cầu bồi thường cho tình trạng mất mát nô lệ hoặc giải phóng nô lệ. Những khoản tiền, nghĩa vụ và yêu cầu loại này phải bị coi là phi pháp và không có giá trị.
Khoản 5
Bằng luật lệ thích hợp, Quốc hội có quyền triển khai xem xét điều khoản này.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 15QUYỀN BỎ PHIẾU CỦA NGƯỜI MỸ GỐC PHI
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 26/2/1869 và được thông qua vào ngày 3/2/1870.
Khoản 1
Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế, dựa vào lý do chủng tộc, màu da hay tình trạng nô lệ trước đây.
Khoản 2
Quốc hội sẽ có quyền triển khai điều khoản này bằng luật lệ thích hợp.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 16THUẾ THU NHẬP
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 12/7/1909 và được thông qua vào ngày 3/2/1913.
Quốc hội sẽ có quyền ban hành và thu các khoản thuế thu nhập có từ bất cứ nguồn nào mà không phân bổ tỷ lệ giữa các bang và không dựa vào bất cứ sự thống kê và điều tra dân số nào.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 17BẦU CỬ TRỰC TIẾP THƯỢNG NGHỊ SỸ
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 13/5/1912 và được thông qua vào ngày 8/4/1913.
(1) Thượng viện của Hoa Kỳ sẽ gồm có hai thượng nghị sĩ của mỗi bang do dân chúng ở đó bầu ra với nhiệm kỳ 6 năm và mỗi thượng nghị sĩ sẽ có một lá phiếu biểu quyết. Ðại cử tri ở mỗi bang phải có đủ phẩm chất cần thiết như là phẩm chất của đại cử tri ở bang có cơ quan lập pháp đông đảo nhất.
(2) Khi có chỗ trống trong số đại diện của tiểu bang trong Thượng viện, cơ quan hành pháp của bang đó sẽ ban hành lệnh bầu cử để bổ sung vào chỗ trống, với điều kiện là cơ quan lập pháp của bang đó trao quyền tạm thời cho cơ quan hành pháp cho đến khi nhân dân bầu chọn được người bổ sung vào những chỗ trống theo luật lệ sẵn có.
(3) Ðiều khoản này sẽ không được giải thích làm ảnh hưởng đến việc bầu cử hoặc nhiệm kỳ của thượng nghị sĩ được bầu ra, cho đến khi nó có hiệu lực như một bộ phận của Hiến pháp.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 18LUẬT CẤM RƯỢU
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 18/12/1917 và được thông qua vào ngày 16/1/1919.
Khoản 1
[Một năm sau khi phê chuẩn điều khoản này của Hiến pháp, việc sản xuất, mua bán hoặc chuyên chở các loại rượu có cồn ở trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài, xuất khẩu từ Hoa Kỳ và các lãnh thổ thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ đều bị cấm.
Khoản 2
Quốc hội và các bang có quyền lực như nhau khi triển khai điều khoản này của Hiến pháp.
Khoản 3
Ðiều khoản này sẽ không có hiệu lực trừ phi được phê chuẩn bởi cơ quan lập pháp của các bang như một điều bổ sung của Hiến pháp trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển đến các bang như Hiến pháp quy định].
Điều bổ sung sửa đổi thứ 19QUYỀN BẦU CỬ CỦA PHỤ NỮ
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 4/6/1919 và được thông qua vào ngày 18/8/1920.
Khoản 1
Quyền bầu cử của các công dân Hoa Kỳ sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Liên bang hoặc bất cứ bang nào với lý do giới tính.
Khoản 2
Quốc hội có quyền thực hiện điều khoản này bằng luật lệ thích hợp.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 20CÁC ĐIỀU KHOẢN VỀ TỔNG THỐNG VÀ QUỐC HỘI
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 2/3/1932 và được thông qua vào ngày 23/1/1933.
Khoản 1
Nhiệm kỳ của Tổng thống và Phó Tổng thống sẽ kết thúc vào đúng trưa ngày 20 tháng giêng, và nhiệm kỳ của các thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ kết thúc vào đúng trưa của ngày 3 tháng giêng của năm mà những nhiệm kỳ trên sẽ kết thúc, nếu điều khoản này vẫn chưa được phê chuẩn và nhiệm kỳ của những người kế nhiệm họ sẽ bắt đầu từ thời điểm đó.
Khoản 2
Quốc hội sẽ họp ít nhất mỗi năm một lần và kỳ họp sẽ bắt đầu vào giữa trưa ngày 3 tháng giêng, trừ trường hợp họ có thể căn cứ vào luật để xác định một ngày khác.
Khoản 3
Nếu vào thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ đã được ấn định mà Tổng thống đắc cử qua đời, thì Phó Tổng thống đắc cử sẽ trở thành Tổng thống. Nếu trước thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ đã được ấn định mà Tổng thống chưa đắc cử hoặc Tổng thống đã đắc cử nhưng không đủ tư cách, thì Phó Tổng thống đắc cử sẽ đảm đương cương vị Tổng thống cho đến khi Tổng thống được xác định là có đủ tư cách. Quốc hội có thể căn cứ vào luật để quyết định về trường hợp khi cả Tổng thống đắc cử và Phó Tổng thống đắc cử đều không đủ điều kiện, tuyên bố ai sẽ đứng ra đảm đương quyền Tổng thống hoặc xác định cách thức để chọn người đảm đương chức vụ Tổng thống cho đến khi Tổng thống hay Phó Tổng thống có đủ tư cách.
Khoản 4
Quốc hội có thể căn cứ vào luật để quy định trong trường hợp có sự qua đời của bất cứ cá nhân nào trong những người mà Hạ viện có thể chọn làm Tổng thống khi Hạ viện đưưược trao quyền lựa chọn đó; và trong trường hợp có sự qua đời của bất cứ cá nhân nào trong những người mà Thượng viện có thể chọn làm Phó Tổng thống khi Thưưượng viện đưưược trao quyền lựa chọn đó.
Khoản 5
Khoản 1 và khoản 2 sẽ có hiệu lực bắt đầu vào ngày 15 tháng 10 sau khi điều khoản này được phê chuẩn.
Khoản 6
Ðiều này của Hiến pháp sẽ không có hiệu lực trừ phi được phê chuẩn như những điều bổ sung của Hiến pháp bởi cơ quan lập pháp của ba phần tư các tiểu bang trong 7 năm kể từ ngày được đệ trình.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 21HỦY BỎ CÁC LỆNH CẤM
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 20/2/1933 và được thông qua vào ngày 5/12/1933.
Khoản 1
Kể từ nay, điều bổ sung sửa đổi số 18 của Hiến pháp bị bãi bỏ.
Khoản 2
Việc chuyên chở hay nhập khẩu nhằm cung cấp và sử dụng rượu có cồn ở bất cứ bang nào hoặc lãnh thổ và vùng thuộc sở hữu của Hoa Kỳ mà vi phạm luật ở những nơi đó sẽ bị nghiêm cấm.
Khoản 3
Ðiều này sẽ không có hiệu lực trừ phi nó được các đại hội của các bang phê chuẩn như một điều bổ sung của Hiến pháp, theo qui định của Hiến pháp, trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển đến các bang.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 22GIỚI HẠN NHIỆM KỲ TỔNG THỐNG TRONG HAI NHIỆM KỲ
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 24/3/1947 và được thông qua vào ngày 27/2/1951.
Khoản 1
Không người nào được bầu giữ chức vụ Tổng thống quá hai nhiệm kỳ và không người nào đã đảm đương chức vụ Tổng thống hoặc là quyền Tổng thống quá hai năm trong nhiệm kỳ mà người khác đã đắc cử Tổng thống sẽ được bầu vào chức vụ Tổng thống hơn một nhiệm kỳ. Nhưng điều khoản này không áp dụng đối với những người đang giữ chức Tổng thống khi điều khoản này được Quốc hội đề nghị và sẽ không ngăn cản bất cứ ai có thể giữ chức Tổng thống hoặc quyền Tổng thống trong thời gian điều khoản này có hiệu lực đúng vào nhiệm kỳ của họ, vì vậy họ sẽ tiếp tục cương vị Tổng thống hay quyền Tổng thống trong thời gian nhiệm kỳ còn lại.
Khoản 2
Ðiều này sẽ không có hiệu lực trừ phi nó sẽ được cơ quan lập pháp của ba phần tư các bang phê chuẩn như một điều bổ sung vào Hiến pháp trong vòng 7 năm kể từ ngày Quốc hội chuyển tới các bang.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 23QUYỀN BẦU CỬ TRONG QUẬN COLUMBIA
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 16/6/1960 và được thông qua vào ngày 29/3/1961.
Khoản 1
Các địa hạt cấu thành nên các khu vực bầu cử chính quyền của Hoa Kỳ sẽ được tổ chức theo thể thức mà Quốc hội quy định như sau:
Số đại cử tri bầu Tổng thống và Phó Tổng thống mà các địa hạt có được bằng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ trong Quốc hội, nếu đó là một bang, nhưng nếu số đại cử tri không nhiều hơn so với bang ít dân số nhất, thì họ sẽ được ghép vào số đại cử tri do các bang bổ nhiệm, nhưng xuất phát từ mục đích của cuộc bầu Tổng thống và Phó Tổng thống, thì họ sẽ được coi là các đại cử tri do một bang bổ nhiệm, và họ sẽ họp với nhau ở khu vực bầu cử và hoàn thành trách nhiệm do điều 12 của Hiến pháp qui định.
Khoản 2
Quốc hội có quyền đem lại hiệu lực cho điều khoản này bằng luật lệ phù hợp.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 24THUẾ BẦU CỬ
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 27/8/1962 và được thông qua vào ngày 23/1/1964.
Khoản 1
Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ trong các vòng bầu cử sơ bộ, hoặc trong các cuộc bầu cử Tổng thống hay Phó Tổng thống, cuộc bầu đại cử tri để bầu Tổng thống, Phó Tổng thống, thượng nghị sĩ hay hạ nghị sĩ trong Quốc hội, sẽ không bị phủ nhận hoặc hạn chế bởi Hoa Kỳ hay một bang nào với lý do không có khả năng nộp thuế thân hoặc thuế khác.
Khoản 2
Quốc hội có quyền thực thi điều này bằng luật lệ phù hợp.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 25TỔNG THỐNG BỊ TÀN PHẾ VÀ VIỆC KẾ NHIỆM
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 6/7/1965 và được thông qua vào ngày 10/2/1967.
Khoản 1
Trong trường hợp Tổng thống bị phế truất, qua đời hoặc từ chức, Phó Tổng thống sẽ trở thành Tổng thống.
Khoản 2
Trong trường hợp vị trí Phó Tổng thống bị bỏ trống, Tổng thống sẽ chỉ định một người làm Phó Tổng thống, nhưng phải được đa số phiếu bầu của cả hai viện trong Quốc hội.
Khoản 3
Trong trường hợp Tổng thống chuyển đến Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố rằng Tổng thống không thể thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình và cho đến khi Tổng thống chuyển đến họ một văn bản với nội dung ngược lại thì những quyền lực và trách nhiệm đó sẽ do Phó Tổng thống thực thi với tư cách quyền Tổng thống.
Khoản 4
Trong mọi trường hợp khi Phó Tổng thống và đa số các quan chức chủ yếu của cơ quan hành pháp hay cơ quan tương đương nào khác mà Quốc hội đã quy định bằng luật, chuyển lên Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản của họ tuyên bố rằng Tổng thống không thể thực thi những quyền lực và trách nhiệm của mình, thì Phó Tổng thống sẽ ngay lập tức nắm quyền lực và trách nhiệm đó với tư cách quyền Tổng thống.
Sau đó, khi Tổng thống chuyển lên quyền Chủ tịch của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố về năng lực của mình, Tổng thống có thể tiếp tục thực thi quyền lực và nhiệm vụ với điều kiện trong vòng 4 ngày Phó Tổng thống và đa số các quan chức chủ yếu của cơ quan hành pháp hay cơ quan tương đương mà Quốc hội đã qui định chuyển đến Chủ tịch lâm thời của Thượng viện và Chủ tịch Hạ viện văn bản tuyên bố về việc Tổng thống có đủ năng lực thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình. Nếu không phải trong kỳ họp, trong vòng 48 tiếng đồng hồ Quốc hội sẽ phải họp để giải quyết vấn đề đó. Nếu Quốc hội trong vòng 21 ngày sau khi nhận được văn bản tuyên bố nói trên hoặc nếu vào thời điểm đó không phải là kỳ họp thì trong vòng 21 ngày, Quốc hội phải họp để với hai phần ba số phiếu của cả hai Viện quyết định về việc Tổng thống không thể thực thi các quyền và trách nhiệm của mình, và Phó Tổng thống sẽ tiếp tục thực thi công việc đó với tư cách là quyền Tổng thống, trong trường hợp ngược lại, Tổng thống sẽ tiếp tục thực thi quyền lực và trách nhiệm của mình.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 26QUYỀN BẦU CỬ CHO NHỮNG NGƯỜI ĐỦ 18 TUỔI
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 23/3/1971 và được thông qua vào ngày 1/7/1971.
Khoản 1
Quyền bầu cử của công dân Hoa Kỳ từ 18 tuổi trở lên sẽ không bị tước bỏ hoặc hạn chế bởi Liên bang hay bất cứ bang nào với lý do tuổi tác.
Khoản 2
Quốc hội có quyền thực hiện điều này bằng luật lệ thích hợp.
Điều bổ sung sửa đổi thứ 27LƯƠNG CỦA THÀNH VIÊN QUỐC HỘI
Điều sửa đổi này được đề xuất vào ngày 25/9/1789 và được thông qua vào ngày 7/5/1992.
Trước cuộc bầu cử hạ nghị sĩ, không một điều luật nào nhằm thay đổi các khoản trợ cấp cho công việc của thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ sẽ có hiệu lực.

[1] Lời nói đầu - Hiến pháp Hoa Kỳ 1787
[2] Cuộc đấu tranh chống thực dân Anh
[3] Phát biểu của Benjamin Franklin sau khi ký vào dự thảo

Không có nhận xét nào: