Thứ Hai, 14 tháng 7, 2008

Xung đột pháp luật


XUNG ĐỘT TRÊN HAI QUẦN ĐẢO HOÀNG SA – TRƯỜNG SA
VÀ NHỮNG CÁCH THỨC QUẢN LÝ XUNG ĐỘT
Th.s LÊ QUANG THÀNH
Ngày nay, mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia trong khu vực Châu Á –Thái Bình Dương là vấn đề kinh tế chứ không phải là an ninh. Những nhân tố có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến hoà bình, an ninh khu vực như: Chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chiến tranh lạnh, ý thức hệ..v..v… hiện nay đã dịu bớt.
Những vấn đề về an ninh bức xúc nhất mà khu vực đang phải đương đầu đó là những vấn đề liên quan đến chủ quyền và lãnh thổ, đặc biệt là khu vực ven bờ biển Đông. Hầu hết các quốc gia ven bờ biển Đông đều có liên quan và hiện nay, những mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột… giữa các quốc gia trong khu vực này đang cản trở quá trình hội nhập, phát triển của cả khu vực.
Hầu hết các vùng biển trong khu vực Biển Đông đều là đối tượng xung đột, tranh chấp, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới “tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” nơi được coi là nóng nhất và nhạy cảm nhất.
Nằm trong vùng Biển Đông, với vị trí địa hình vô cùng chiến lược, cộng với khả năng cung cấp nguồn tài nguyên rất lớn khiến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là “miếng bánh thơm” mà không một quốc gia liên quan nào muốn từ bỏ, mặc dù đó đích thực là lãnh thổ thiêng liêng bất khả xâm phạm của Việt Nam.
I. YÊU SÁCH CỦA CÁC BÊN VÀ KHẢ NĂNG GÂY XUNG ĐỘT
Có thể tóm tắt lợi ích của các bên đòi chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa như sau:
- Yêu sách của Trung Quốc và Đài Loan
Trung Quốc và Đài Loan đòi chủ quyền đối với 80% diện tích Biển Đông trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo đường hình chữ U (đường lưỡi bò) mà Trung Quốc đơn phương tưyên bố vào năm 1947. Không có một chứng cứ pháp lý nào đủ sức thưyết phục để chứng minh chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo này song cho đến thời điểm hiện nay, bằng biện pháp dùng vũ lực (một phương pháp chiếm hữu lãnh thổ trái pháp luật quốc tế) Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và chiếm đóng trên 09 đảo và thực thể thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là một hành vi trái với pháp luật và thực tiễn quốc tế, xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.
- Quan điểm, lập trường pháp lý của Việt Nam.
Trước tiên cần phải khẳng định hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa đã từ lâu là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Việt Nam. Ít nhất là từ thế kỷ 17, đã có đầy đủ các các căn cứ lịch sử và chứng cứ pháp lý để khẳng định và chứng minh chủ quyền không thẻ tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Việt Nam luôn có thiện chí giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hoà bình tuân thủ luật pháp quốc tế và trong thực tiễn xác lập chủ quyền cũng như quản lý, sử dụng lãnh thổ của mình Việt Nam luôn tôn trọng chủ quyền, lợi ích các quốc gia hữu quan trong khu vực bằng nhiều động thái tích cực.
- Yêu sách của một số quốc gia khác
Philippin đòi chủ quyền đối với tất cả các thực thể chìm và nổi trong khu vực biển mà họ gọi là Kalayan (vùng đất tự do). Malaysia đòi chủ quyền đối với 7 thực thể. Brunei đòi chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý bao gồm cả một số thực thể mà Malaysia đang tuyên bố là của họ.
Bên cạnh các quốc gia nói trên có liên quan trực tiếp đến tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trưòng Sa, cũng có một số quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản và Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề xung đột chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tất nhiên đó không phải là việc ngẫu nhiên. Điều đó, theo chúng tôi xuất phát từ những lý do sau:
1. Lợi ích về uy tín quốc gia và sự thống nhất lãnh thổ.
Vì lợi ích mà các quốc gia hướng tới là uy tín của và danh dự của quốc gia cho nên theo tiêu chí đó, kích thước của các thực thể tranh chấp, lợi ích kinh tế hay vị trí chiến lược của các thực thể không hoàn toàn là mục đích cuối cùng của các quốc gia hướng tới mà quan trọng hơn nữa đó là danh dự và uy tín của quốc gia.
2. Giá trị chiến lược của hai quần đảo.
Mặc dù những tuyến đường biển chính lưu thông, chuyên trở 25% lượng hàng hoá trên thế giới nằm khá xa quần đảo Trường Sa song nếu kiểm soát được Trường Sa sẽ cho phép bao quát được toàn bộ các tuyến đường hằng hải đó, trong điều kiện bình thường, những tuyến đường đó không bị đe doạ bởi tất cả các nước đều hướng tới mục tiêu chung là phát triển kinh tế, duy trì sự lưu thông của tuyến đường hằng hải đó. Tuy nhiên, khi quan hệ giữa các bên trở nên căng thẳng, thì việc kiểm soát được các tuyến đường hàng hải này là hết sức quan trọng.
3. Lợi ích kinh tế.
Khu vực biển xung quanh hai quần đảo được xem là một trong những nơi có khả năng trữ lưọng dầu mỏ, khí lớn nhất trong vùng Biển Đông, các quốc gia đều không muốn từ bỏ một lượng cung cấp năng lượng khổng lồ như vậy, nhất là trong điều kiện hiện nay, khi nguồn tài nguyên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt. Không chỉ có Trung Quốc, Việt Nam…mà Hoa Kỳ, Nga, Úc và Nhật Bản cũng hết sức quan tâm đến tình hình tranh chấp trong khu vực. Bởi các quốc gia này đã coi khu vực này là điểm đến trong tương lai để mở rộng phạm vi ảnh hưởng cũng như hạn chế sự ảnh hưởng đang ngày càng lớn của Trung Quốc.
Rõ ràng là khả năng xung đột là không thể loại trừ. Các tranh chấp trong vùng Biển Đông đang có xu hướng xấu dần đi và khả năng dùng vũ lực để giải quyết vấn đề rất dễ xay ra nếu các bên không giải quýet một cách khéo léo, triệt để. Va chạm quân sự, dùng vũ lực để chiếm đóng các thực thể đang tranh chấp như cách mà Trung Quốc đã thực hiện vào các năm 1974 và 1988 không có gì đảm bảo là sẽ không lặp lại. Thực tế cho thấy tất cả các quốc gia có liên quan đều có lực lượng đồn trú trên các đảo, thực thể (trừ Brunei). Thậm chí, Trung Quốc, Philippin và Malaysia, đã tăng cường lực lượng đồn trú trên các đảo (trừ Brunei) thậm chí Trung Quốc, Philippin và Malaysia đã tăng cường khả năng của các lực lưọng quân đội nhằm mục đích thực hiện các đòi hỏi của mình đối với các thực thể cả nổi cả chìm. Những hành động như: bắt giữ dân chài trái phép, lắp đặt dàn khoan dầu (vụ dàn khoan KATAN 03 của Trung Quốc), dùng tàu hải quân để biểu dương lực lượng..v..v..đã xảy ra nhiều lần và thường xuyên ở trong và khu vực lân cận quần đảo Trường Sa.
Như vậy, một số khả năng chủ yếu có thể gây ra xung đột trên vùng Biển Đông nói chung và khu vực hai quần đảo như sau:
Thứ nhất: Khi Trung Quốc đã phát triển đủ mạnh về tiềm lực quân sự đủ sức đánh bật mọi lực lượng của mọi quốc gia có liên quan khỏi khu vực tranh chấp chủ quyền và sự can thiệp của các quốc gia từ bên ngoài sẽ không xảy ra hoặc sẽ bị vô hiệu hoá.
Thứ hai: Khi quan hệ giữa các quốc gia tranh chấp trở lên căng thẳng và thái độ của họ rất hiếu chiến.
Thứ ba: Khi một bên bị khiêu khích cực độ, ví dụ khi một bên nào đó tiến hành xây dựng một công trình, thiết bị trên vùng biển, lãnh thổ thuộc chủ quyền của một quốc gia khác nhưng không được đồng ý hoặc đã bị phản đối nhưng vẫn phớt lờ như không hề biết và vẫn tiến hành các hoặt động xâm phạm chủ quyền một cách trắng trợn.
II. NHỮNG YẾU TỐ VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP NGĂN CHẶN XUNG ĐỘT
Nguy cơ có thể dẫn đến xung đột không thể xem thưòng và yêu cầu cấp bách đặt ra là cần phải có một cơ chế thích hợp và các phưong thức thực sự hữu hiệu để hạn chế khả năng xảy ra xung đột và quản lý xung đột.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì hiện nay những yếu tố sau đây có tác dụng ngăn cản nguy cơ dùng vũ lực để giải quyết xung đột.
1. Về cơ bản, quan hệ giữa các bên đòi chủ quyền là tương đối tốt Trên thực tế, hầu hết các quốc gia trong khu vực đều cam kết giải quyết tranh chấp bằng phương pháp thương lượng hoà bình. Tất cả các bên đòi chủ quyền đều mong muốn có một môi trường thực sự hoà bình, ổn định để theo đuổi mục tiêu phát triển đất nước.
2. Giá trị kinh tế trong vùng tranh chấp cho đến nay là không lớn. Chưa tìm thấy mỏ dầu nào thực sự đủ lớn che mắt các quốc gia có liên quan để họ bất chấp tất cả, sẵn sàng dùng vũ lực để chiếm đóng.
3. Nhiều tiến trình và cơ chế thúc đẩy quá trình đàm phán ngoại giao giữa các quốc gia đã được đặt ra. Vấn đề ngăn chặn, hạn chế nguy cơ xung đột đang được thực hiện và phát triển lên một tầm cao mới.
4. Tất cả các bên đòi chủ quyền ngày càng phụ thuộc lẫn nhau trong vấn đề phát triển mạng lưới thương mại, tăng cường thị trường và giao lưu kinh tế. Các quốc gia hữu quan ngày càng phải đối mặt với sự lên án của cộng đồng quốc tế nếu họ sử xự không khéo léo và lệnh cấm vận của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc luôn treo lơ lửng trên đầu các quốc gia.
Sau khi xem xét và đặt hai yếu tố là: 1) Nguy cơ gây ra xung đột và 2) Các yếu tố ngăn chặn, hạn chế xung đột chúng ta có thể nhận thấy rằng khẳ năng bùng nổ chiến tranh liên quan đến chủ quyền lãnh thổ trong vùng Biển Đông nói chung và trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nói riêng là rất thấp trong tương lai gần. Khả năng ấy được dự đoán là cũng có giới hạn, kể cả trong trường hợp Trung Quốc phát triển lực lượng hải quân biển xanh đến một trình độ mà không một quốc gia nào trong khu vực có thể chống lại.
Các bên đòi hỏi chủ quyền đã thông qua được những cách thức hạn chế, ngăn ngừa và quản lý xung đột, mặc dù vẫn còn sự khác biệt, thậm chí là xung đột với nhau, song qua đó chúng ta nhận thấy một số điểm chung như sau:
Một là: Cơ chế giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình, tăng cường đàm phán ngoại giao trên trường quốc tế. Cụ thể là những cuộc đàm phán song phương và đa phương đã và đang diễn ra giữa các nước ASEAN với Trung Quốc cùng với một số đối tác quan trọng khác như Mỹ, Nhật Bản…
Hai là: Các quốc gia chanh chấp, đòi chủ quyền đều hướng tới các biện pháp xây dựng lòng tin tưởng lẫn nhau về mục tiêu giải quyết chanh chấp và tạm gác vấn đề chủ quyền lãnh thổ qua một bên để đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế, hội nhập toàn cầu.
Ba là: Sự hiện diện trên các đảo, các thực thể đang xảy ra tranh chấp của lực lượng quân sự của các quốc gia hữu quan cũng mang một ý nghĩa chiến lược, một mặt củng cố tính cứng rắn, hợp pháp quan điểm, lập trường của họ, mặt khác mang tính răn đe đối với bất cứ bên nào có ý đồ sử dụng vũ lực để chiếm đóng.
Bốn là: Các cơ chế an ninh, phòng ngừa cũng được quan tâm thoả đáng.
Đã có hàng loạt các cơ chế an ninh, phòng ngừa quy định thái độ của các bên tranh chấp đối với vấn đề Hoàng Sa.Trong đó quan trọng nhất là những cơ chế do ASEAN( hiệp hội các nước Đông Nam Á) qui định bao gồm: Tuyên bố khu vực hoà bình, tự do trung lập, tuyên bố ASEAN và Bỉên Đông năm 1992: Bộ qui tắc ứng xử Biển Đông ( COD) và quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và Philippin năm 1995…
Năm là: Khả năng kiềm chế ngoại giao và chính trị giữa các quốc gia là tương đối tốt trong suốt thời gian có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang. Hiệu quả mà phương thức này mang lại còn hơn cả biện pháp răn đe quân sự. Việc thành lập một khối ASEAN thống nhất đã tạo được cơ chế đối trọng rất tốt với Trung Quốc trong quá trình tiến hành giải quyết tranh chấp
Sáu là: Vấn đề về cân bằng chiến lược cũng đã được tiến hành và quan tâm.
Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á đều muốn có sự hiện diện của quân đội của Hoa Kỳ trên lãnh thổ của họ như: Singapo, Philippin, Thái lan, Indonesia…tuy nhiên trừ Singapo, không một quốc gia nào mong muốn Mỹ làm thay phần của họ hoặc can thiệp quá sâu vào công việc đòi chủ quyền lãnh thổ của họ. Bên cạnh đó, lợi ích của một số cường quốc khác như: Nhật Bản, Nga, Mỹ… trong khu vực Biển Đông cũng là một yếu tố khiến cho khu vực này có sự cân bằng về chiến lược.
III. MỘT SỐ KẾT LUẬN
Không phải ngẫu nhiên người ta coi thế kỷ 21 là thế kỷ của đại dương và của biển và xu thế tiến ra biển đang là xu thế chung của nhân loại trong thế kỷ này. Tuy vậy cũng chính từ đó mà nguy cơ xảy ra xung đột luôn tiềm ẩn và có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Những thành tựu mà khu vực nói chung và Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua nhằm kiềm chế, quản lý xung đột thực sự rất đáng ghi nhận và cần được củng cố, phát huy.
Tinh minh bạch và tuân thủ pháp luật quốc tế trong các hoạt động của các bên hữu quan về vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa và vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên quần đảo Hoàng Sa luôn là tiêu chí tối quan trọng, đặc biệt là đối với Trung Quốc.
Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của mình đối với hai quần đảo Trương Sa và Hoàng Sa, luôn giữ vững lập trường, quan điểm của mình về hai quần đảo này trong tất cả các cuộc đàm phán song phương, đa phương trên trường quốc tế đó là: giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình, theo qui định của pháp luật của quốc tế hiện tại. Không chỉ với chủ quyền mà đối với cả vấn đề tranh chấp, chồng lấn trên các vùng biển với một số quốc gia hữu quan khác.
Chúng tôi hy vọng rằng với một số ý kiến nêu trong bài viết này, sẽ góp phần củng cố thêm cơ sở pháp lý của Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, phần nào sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu hơn về những nguy cơ gây xung đột và khả năng kiềm chế xung đột trong khu vực Biển Đông, đặc biệt là tại khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mặc dù xung đột ở biển Đông là có ít khả năng trở lên tiêu cực, xét cả khía cạnh huy động hoả lực và khả năng tiềm tàng song không vì thế mà các quốc gia ven bờ biển Đông không quan tâm đến vấn đề này. Xung đột kéo dài, mang tính chất phức tạp, với sự tham gia của nhiều quốc gia đã cản trở tiến trình hội nhập của mỗi quốc gia có liên quan và Việt Nam không nằm ngoài qui luật đó. Nhu cầu giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và đưa ra các phương pháp, cách thức hạn chế, quản lý xung đột đó đã và đang là nhu cầu cấp thiết.

Không có nhận xét nào: