Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

LUẬT HÌNH SỰ

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC SỬA ĐỔI CỦA BỘ LUẬT HÌNH SỰ NĂM 1999
ĐINH PHAN QUỲNH

MỞ ĐẦU
Bộ luật Hình sự năm 1999 được Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1999 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2000. Kể từ năm 2000 đến nay, Bộ luật hình sự đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, qua 8 năm thi hành, Bộ luật hình sự hiện hành đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế đòi hỏi phải được khắc phục.
Trên tinh thần đó, tại kỳ họp thứ 5 – Quốc hội khóa 12, ngày 19 tháng 06 năm 2009 đã ban hành Nghị quyết số 33/2009/NQ-QH12 về việc thi hành luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự như sau:
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được áp dụng như sau:
a) Tất cả các điều khoản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được áp dụng để điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 ngày 01 tháng 01 năm 2010;
b) Điểm b khoản 2, các khoản 4, 8, 32 Điều 1 sửa đổi, bổ sung các điều 140, 84, 161, 248 của Bộ luật hình sự và các quy định khác có lợi cho người phạm tội được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 01 năm 2010 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xoá án tích;
c) Các khoản 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 28, 29, 30, 31, 34 Điều 1 sửa đổi, bổ sung các điều 119, 120, 160, 164a, 164b, 170a, 171, 174, 181a, 181b, 181c, 182, 182a, 182b, 185, 190, 191, 191a, 202, 224, 225, 226, 226a, 226b, 230a, 230b, 251 của Bộ luật hình sự và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 01 năm 2010 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xoá án tích; trong trường hợp này, vẫn áp dụng các điều khoản tương ứng của Bộ luật hình sự chưa được sửa đổi, bổ sung để giải quyết;
d) Đối với những hành vi phạm tội được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 01 tháng 01 năm 2010 và đã có bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật, thì không được căn cứ vào những quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm; trong trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01 tháng 01 năm 2010, thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này.
Kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được công bố:
a) Không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử người phạm các tội quy định tại khoản 3 Điều 111, khoản 4 Điều 139, khoản 4 Điều 153, khoản 3 Điều 180, khoản 4 Điều 197, khoản 3 Điều 221, khoản 4 Điều 289 và khoản 4 Điều 334 của Bộ luật hình sự.
Hình phạt tử hình đã tuyên đối với những người được nêu tại điểm này nhưng chưa thi hành thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chuyển hình phạt tử hình xuống hình phạt tù chung thân;
b) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi sau đây:
b.1. Sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 của Bộ luật hình sự;
b.2. Ở lại nước ngoài trái phép quy định tại Điều 274 của Bộ luật hình sự;
b.3. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả quy định tại Điều 131 của Bộ luật hình sự;
b.4. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp quy định tại Điều 171 của Bộ luật hình sự, trừ hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý;
c) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện một trong các hành vi sau đây, trừ trường hợp có yếu tố định tội khác:
c.1. Hành vi quy định tại khoản 1 các điều 137, 138, 139, 278 và 280 của Bộ luật hình sự mà tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới hai triệu đồng;
c.2. Hành vi quy định tại khoản 1 các điều 279, 283, 289, 290 và 291 của Bộ luật hình sự mà tài sản phạm tội có giá trị dưới hai triệu đồng;
c.3. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 140 mà tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới bốn triệu đồng;
c.4. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 141 của Bộ luật hình sự mà tài sản bị chiếm giữ trái phép có giá trị dưới mười triệu đồng;
c.5. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 143 mà thiệt hại có giá trị dưới hai triệu đồng;
c.6. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 161 mà số tiền trốn thuế dưới một trăm triệu đồng;
c.7. Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 248 mà số tiền hoặc hiện vật đánh bạc có giá trị dưới hai triệu đồng;
d) Không xử lý về hình sự đối với người thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 các điều 171, 182, 183, 184, 185, 191 và 248 của Bộ luật hình sự theo tình tiết “đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm”, hành vi quy định tại khoản 1 các điều 224, 225 và 226 của Bộ luật hình sự theo tình tiết “đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính mà còn vi phạm”;
đ) Trong trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản này, nếu vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ thi hành án, thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại; trường hợp người bị kết án chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn thi hành án, thì họ được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt;
e) Những người đã chấp hành xong hình phạt hoặc được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt hoặc phần hình phạt còn lại quy định tại điểm đ khoản này thì đương nhiên được xoá án tích
Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự là một việc làm cần thiết và thực sự nó đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở nước ta trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Tuy nhiên qua nghiên cứu và học tập môn Luật hình sự, theo quan điểm cá nhân, tôi nhận thấy rẳng vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên do trình độ, khả năng còn nhiều hạnh chế, và trong phạm vi tiểu luận một môn học tôi xin phép được trình bày quan điểm của mình về một số tội danh cụ thể. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của Thầy và các bạn đồng nghiệp.



NỘI DUNG
1. Những vấn đề cần tiếp tục sửa đổi bổ sung trong phần các tội phạm cụ thể của Bộ luật hình sự.
Qua nghiên cứu Bộ luật hình sự 1999 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 1999 ngày 19/06/2009, theo quan điểm cá nhân tôi thấy có một số điều sửa đổi chưa phù hợp với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hiện nay; vì vậy cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung. Cụ thể là các điều sau đây:
- Điều 111: Tội hiếp dâm
- Điều 120: Tội đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em
- Điều 138: Tội trộm cắp
- Điều 161: Tội trốn thuế
- Điều 171: Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
- Điều 182a: Về Tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại
- Điều 185 : Về Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
- Điều 191a: Về Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại
- Điều 199: (Điều này đã bị bỏ)
- Điều 230b: Tội tài trợ khủng bố
- Điều 248: Tội đánh bạc
2. Những lý do của đề xuất
Thứ nhất, đối với khoản 3 điều 111 – Tội hiếp dâm, theo quy định của Bộ luật hình sự 1999 thì:
…“ 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên;
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
c) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.”
Luật sửa đổi đã bỏ hình phạt tử hình ở khoản này, theo ý kiến cá nhân như vậy là chưa hợp lý, cần được xem xét lại bởi các lý do cụ thể sau:
- Để bảo đảm công tác đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn. Hành vi hiếp dâm xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người bị hại, xét về mức đội nguy hiểm của hình vi có nhiều trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm cho nạn nhân chết hoặc tự sát. Vì thề nhiều trường hợp không thể truy cứu về tội giết người hoặc tội bức tử được mà cần quy định là tình tiết tăng nặng của tội hiếp dâm làm cơ sở cho việc định khung hình phạt tử hình là phù hợp.
Hơn nữa trong thưc tế hiện nay, loại hình tội phạm này đang có xu hướng tăng lên, diễn biến phức tạp, xâm phạm đến danh dự, sức khỏe, và tính mạng của con người, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội vì vậy theo quan điểm cá nhân cần sửa đổi lại theo hướng tiếp tục duy trì hình phạt tử hình để bảo đảm tính răn đe, phục vụ việc đấu tranh với loại tội phạm này. (như nội dung của BLHS 1999 chưa sửa đổi)
- Điều 120: Tội đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em
Trong điều luật này, tại K3 quy định: “ Người phạm tội còn cã thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm hoặc phạt quản chế từ một năm đến năm năm.”
Theo ý kiến cá nhân tôi, đối với quy định của Luật hình sự thì không nên dùng từ “có thể”, vì vậy không riêng gì ở K3 điều 120, mà ở tất cả các điều luật đều không nên dùng từ “có thể”
- Điều 138: Tội trộm cắp
Việc nâng mức định lượng từ 500.000đ lên 2.000.000đ ở điều 138 là không hợp lý, bởi thực tế hiện nay án trộm cắp vẫn là loại án nhiều nhất, nếu chúng ta nâng mức định lượng lên 2.000.000đ thì sẽ rất khó khăn trong công tác đấu tranh với loại tội phạm này. Vì vậy theo ý kiến của cá nhân, việc nâng mức định lượng lên là cần thiết, tuy nhiên không phải là 2.000.000đ mà là 1.000.000đ là phù hợp
- Điều 161: Tội trốn thuế
Luật sửa đổi, bổ sung quy định về tội này như sau:
1. Người nào trốn thuế với số tiền từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 159, 160, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236 và 238 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm.
2. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ ba trăm triệu đồng đến dưới sáu trăm triệu đồng hoặc tái phạm về tội này, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
3. Phạm tội trốn thuế với số tiền từ sáu trăm triệu đồng trở lên hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến ba lần số tiền trốn thuế.”
Theo quan điểm của cá nhân tôi, khôngnâng mức khởi điểm truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi trốn thuế lên 100 triệu đồng mà đề nghị giữ nguyên mức năm mươi triệu đồng như quy định của BLHS 1999 bởi các lý do sau đây
Thứ nhất, hành vi trốn thuế gây thiệt hại trực tiếp đến nguồn thu của Nhà nước và ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc dân cần được xử lý nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa chung;
Thứ hai, định lượng năm mươi triệu đồng là quá lớn so với thu nhập trung bình của người lao động hiện nay, nếu nâng lên mức một trăm triệu đồng thì sẽ giảm hiệu quả xử lý, giáo dục phòng ngừa chung. Mặt khác, định lượng đối với tội trốn thuế không cần thiết phải nâng theo giá cả thị trường mà cần xét thấu đáo tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội
Bên cạnh việc cần giữ nguyên mức định lượng như trong BLHS cũ, theo ý kiến cá nhân, tôi nhận thấy tại khoản 4 của điều này quy định mức phạt đối với hành vi trốn thuế là từ một đến ba lần sô tiền trồn thuế, là chưa đủ “liều lượng”, theo ý kiến cá nhân thì nên tăng mức phạt tiền lên thành từ “5 đến 10 lần số tiền trốn thuế” để răn đe.
- Điều 171: Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung thì:
1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ bốn trăm triệu đồng đến một tỷ đồng hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội nhiều lần.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Theo quan điểm cá nhân nhận thấy từ ngữ của điều luật khó hiểu, trái với tinh thần “ luật phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện”, vì vậy theo ý kiến cá nhân, nên thay thế những thuật ngữ khó hiểu như “quy mô thương mại”, bằng những từ ngữ dễn hiểu hơn. Một vấn đề nữa đó là hình phạt dành cho tội này còn nhẹ, cần được điều chỉnh theo hướng tăng nặng hơn, có như vậy mới đảm bảo được tính phòng ngừa, răn đe đối với những người có ý định thực hiện hành vi phạm tội. Và việc chúng ta kiên quyết đấu tranh với loại tội phạm này, cũng chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế thấy được quyết tâm của Việt Nam đối với vấn đề này, một vấn đề không chỉ riêng của Việt Nam chúng ta, mà là vấn đề của cả thế giới nói chung, của các nước đang phát triển nói riêng. Điều này sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho chúng ta trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế
- Điều 182a: Về Tội vi phạm các quy định về quản lý chất thải nguy hại
Theo quy định của Luật sửa đổi bổ sung thì:
1. Người nào vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 182 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Theo quan điểm cá nhân, nhận thấy mức phạt tiền đối với hành vi này hiện nay theo quy định của Bộ luật hình sự sửa đổi là ít, vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi theo hướng tăng mức phạt tiền, để đảm bảo tính răn đe.
- Điều 185. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam
1. Người nào lợi dụng việc nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế liệu hoặc hoá chất, chế phẩm sinh học hoặc bằng thủ đoạn khác đưa vào lãnh thổ Việt Nam chất thải nguy hại hoặc chất thải khác với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ hai trăm triệu đồng đến một tỷ đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Chất thải nguy hại có số lượng lớn hoặc chất thải khác có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một trăm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Theo quan điểm cá nhân thì quy định của dự thảo thì chủ thể quá hẹp, chỉ áp dụng đối với những người được phép nhập khẩu còn đối với những chủ thể khác đưa chất thải vào Việt nam thì như thế nào, chính vì vậy không dùng cụm từ “Người nào lợi dụng việc nhập khẩu…”, mà phải dùng “ cá nhân, tổ chức nào đưa máy móc….”, như vậy sẽ có căn cứ để xử lý các hành vi đưa chất thải vào Việt Nam mà không chỉ bằng còn đường “ nhập khẩu”.
Tiếp theo, theo quan điểm cá nhân cũng cần phải có quy định giải thích rõ như thế nào là “chất thải” vì hiện nay có một số doanh nghiệp sản xuất mà nguyên liệu chính có thể là chất thải ở nước ngoài nhưng vào Việt Nam có thể tái chế, là nguồn nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm.
- Điều 191a: Về Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại
Theo Bộ luật hình sự hiện hành thì
1. Người nào cố ý nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Cũng như nội dung đã đề xuất đối với từ ngữ được sử dụng tại điều 171, ở đây xin đề nghị điều luật sửa đổi cụm từ “loài ngoại lai”. Bởi quy định như vậy thì liệu chúng ta có thể xử lý những cá nhân, tổ chức phát tán các loài động thực vật có hại mà không phải đưa từ nước ngoài về hay không?. Hơn thế nữa, theo quan điểm của cá nhân, nên thay cụm từ “ loài ngoại lai” bằng cụm từ “ động thực vật” cho dễ hiểu.
- Điều 199: (Điều này đã bị bỏ)
Theo ý kiến cá nhân, việc chúng ta bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy ở thời điểm hiện nay là lhoong hợp lý, vì: Tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy đang gia tăng và là nguyên nhân phát sinh ra các loại tội phạm khác như trộm cắp, cướp tài sản…, công tác cai nghiện ở nước ta còn nhiều hạn chế, tỉ lệ cai nghiện thành công thấp, nếu bỏ tội danh này dẫn đến việc sử dụng ma túy tràn lan, không đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, hoặc việc sử dụng trái phép chất ma túy có liên quan mật thiết với hành vi sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy vì đây là quan hệ cung cầu
- Điều 230b: Tội tài trợ khủng bố, được quy định như sau:
1. Người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế, cấm cư trú từ một năm đến năm năm, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản ”
Theo quan điểm của cá nhân tôi, nếu người mà huy động, hỗ trợ tiền… cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì người đó đã là đồng phạm trong tội khủng bố với vai trò là giúp sức rồi , vì vậy nếu quy định như ở điều 203b, thì sẽ khó khăn trong việc xử lý đối với hành vi này
- Điều 248: Tội đánh bạc
Theo quy định hiện nay của Bộ luật hình sự thì:
1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tính chất chuyên nghiệp;
b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.”
Theo ý kiến cá nhân, đối với tội đánh bạc thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đánh bạc có tính chất chuyên nghiệp, hoặc đánh với số tiền rất lớn, còn nếu vi phạm lần đầu có thể tiến hành xử lý hành chính
Không nên sử dụng cụm từ “được thua” mà nên sử dụng cụm từ “thắng thua”
Trên đây là một số ý kiến cá nhân về những điều cần tiếp tục sửa đổi, bổ sungn của Bộ luật hình sự 1999.






DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 – NXB CTQG – Hà Nội 2006
2. Bộ Luật Hình sự 1999 – NXB CTQG – Hà Nội 2005
3. Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 1999
4. Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự - Số: 1838/BC-UBTP12, của Ủy ban Tư pháp ngày 14/10/2008
5. Giáo trình Luật Hình sự phần chung – Học Viện CSND – NXB CAND – Hà Nội 2006
6. Giáo trình Luật Hình sự phần các tội phạm cụ thể – Học Viện CSND – NXB CAND – Hà Nội 2006

Sửa đổi BLHS 1999