Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2009

Tìm hiểu Hiến pháp CHDCND Triều Tiên

LỜI NÓI ĐẦU
Trong giai đoạn hiện nay khi mà toàn cầu hóa đang là một xu thế của các quốc gia trên thế giới, thì Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên dường như vẫn cách biệt với phần còn lại của thế giới. Nhà nước, pháp luật của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng vậy nó vẫn còn quá xa lạ với chúng ta; nhằm mục đích giúp sinh viên khi nghiên cứu và học tập môn Luật Nhà nước có được những nắm bắt cơ bản về tổ chức bộ máy nhà nước cũng như các nguyên tắc hoạt động cơ bản của quốc gia tương đối đặc biệt này (một trong bốn quốc gia vẫn kiên định con đường đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội), chúng tôi tiến hành sưu tầm và biên soạn tài liệu tìm hiểu về Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và giới thiệu nó tới tất cả các bạn sinh viên cũng như những ai quan tâm tới vấn đề Hiến pháp nói chung và Hiến pháp xã hội chủ nghĩa nói riêng. Tuy nhiên trong quá trình biên soạn tài liệu này do chưa có bản dịch tiếng Việt nên có thể có một số câu từ chúng tôi biên tập có thể chưa đúng hoặc sát nghĩa. Nhằm mục đích để bạn đọc có sự kiểm chứng và đánh giá, trong phần phụ lục chúng tôi xin gửi tới bạn đọc bản Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên nguyên bản bằng tiếng Anh và rất mong được sự phản hồi của bạn đọc. Mọi ý kiến xin gửi về:
Đinh Phan Quỳnh – Bộ môn Pháp luật – Trường Đại học Cảnh sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ; Email: dinhphanquynh@yahoo.com.







HIẾN PHÁP CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN
(CONSTITUTION OF THE DEMOCRATIC PEOPLE'S REPUBLIC OF KOREA)


Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên được ban hành ngày 09/05/1998. Gồm có lời nói đầu 7 chương và 166 điều.
Chương 1: Chính trị bao gồm 18 điều từ điều 1 đến điều 18
Chương 2: Kinh tế bao gồm 20 điều từ điều 19 đến điều 38
Chương 3: Văn hóa bao gồm 19 điều từ điều 39 đến điều 57
Chương 4: Quốc phòng bao gồm 4 điều từ điều 58 đến điều 61
Chương 5: Quyền và nghĩa vụ công dân bao gồm 25 điều từ điều 62 đến điều 86
Chương 6: Bộ máy nhà nước bao gồm 100 điều từ điều 63 đến điều 162. (được chia thành 7 phần)
Chương 7: Quốc kỳ - Quốc ca – Thủ đô bao gồm 4 điều từ điều 163 đến 166







NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA HIẾN PHÁP
CỘNG HÒA DÂN CHỦ NHÂN DÂN TRIỀU TIÊN.

Ngay trong lời của Hiến pháp đã xác định Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là một nước Xã hội chủ nghĩa, được xây dựng trên nền tảng hệ tư tưởng của lãnh tụ vĩ đại Kim Nhật Thành (Kim Sung Il) người đã lãnh đạo nhân dân Triều Tiên giành độc lập từ tay phát xít Nhật. Lãnh tụ Kim Nhật Thành được coi là “ Chủ tịch vĩnh cửu” của Cộng hòa dân dân nhân dân Triều Tiên;
Lời nói đầu của Hiến pháp cũng xác định rõ vai trò của Cộng hòa dân chủ nhân dân Trều tiên trên thế giới cũng như những điểm cơ bản nhất về chính sác đối ngoại của mình.
Chương 1. Chính trị(Politics)
Trong chương này ngay tại điều 1 đã xác định Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là một quốc gia độc lập và là đại diện cho quyền lợi của tất cả các dân tộc sinh sống trên đất nước; Hiến pháp cũng xác định con người là trung tâm của thế giới (điều 3) cũng như xác định chủ quyền đất nước thuộc về các giai cấp công nhân, nông dân, trí thức cũng như của toàn thể nhân dân lao động (điều 4); Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng xác định nguyên tắc tổ chức và hoạt động cơ bản của bộ máy nhà nước đó là nguyên tắc tập trung dân chủ (điều 5), cũng như xác định cách thức thành lập ra các cơ quan trong bộ máy Nhà nước và nguyên tắc bầu cử được áp dụng đó là phổ thông, bình đẳng , trực tiếp và bỏ phiếu kín (điều 6).
Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng như Hiến pháp của Việt Nam mặc dù xác định quyền lực Nhà nước là thuộc về nhân dân những vẫn khẳng định vai trò lãnh đạo của giai cấp tiên tiến nhất đó là giai cấp công nhân và điều này đã được ghi nhận tại điều 10 của Hiến pháp; điều 11 của Hiến pháp này cũng xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng công nhân Triều Tiên. Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng khẳng định sẽ dùng mọi biện pháp và sức mạnh của mình để thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Bắc Triều Tiên (điều 14)
Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cam kết mạnh mẽ về đường lối đối ngoại rộng mở của mình cũng như bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nước ngoài trên toàn bộ lãnh thổ Triều Tiên (điều 16)….
Chương 2. Kinh tế (Economy)
Ngay điều đầu tiên của chương này Hiến pháp đã xác định kinh tế của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và độc lập tự chủ (điều 19); Hiến pháp Triều Tiên cũng khẳng định tất cả các tư liệu sản xuất đều thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể (điều 20,21,22); Triều Tiên thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với các bất động sản nhỏ phục vụ cho cuộc sống riêng tư của công dân (điều 24). Triều Tiên thừa nhận quyền sở hữu tài sản từ các thu nhập hợp pháp của công dân và kinh tế hộ gia đình của công dân. Hiến pháp Triều Tiên khẳng định Nhà nước sẽ cung cấp tất cả các nhu cầu cho người lao động một cách hoàn toàn miễn phí như thực phẩm, lương thực, nhà ở và các dịch vụ y tế (điều 25, 26).
Tại các điều 27,28 và 29 Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khẳng định yếu tố then chốt thúc đẩy kinh tế của Triều Tiên tiến lên đó chính là khoa học kỹ thuật; Hiến pháp quy định thời gian làm việc một ngày là 8 giờ và độ tuổi để tham gia lao động là từ 16 tuổi. Điều 34 của Hiến pháp khẳng định nền kinh tế của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là một nền kinh tế kế hoạch và cũng như quy định tại Hiến pháp của chúng ta năm 1980, Hiến pháp hiện hành của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khẳng định nhà nước hoàn toàn độc quyền về ngoại thương; các hoạt động liên doanh, liên kết cũng như đầu tư nước ngoài tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên chỉ được tiến hành trong phạm vi một số khu kinh tế đặc biệt[1] (điều 34,36,37)
Chương 3. Văn hóa (Culture)
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội cũng như giáo dục Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên xác định sẽ thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa để đào tạo những con người có đủ khả năng xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội cũng như chủ nghĩa cộng sản tại Triều Tiên (điều 40); Hiến pháp cũng xác định chiến lược của giáo dục đào tạo được áp dụng tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là đào tạo ra nguồn lực cho đất nước cũng như xác định hai nguyên lý cơ bản để phát triển giáo dục đó là gắn liên hoạt động giáo dục với lao động sản xuất và khẳng định nền giáo dục là một nền giáo dục hiện đại (điều 45); Tại điều 47 Hiến pháp cũng khẳng định tất cả các công dân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đều được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn miễn phí ở tất cả các bậc học, không những vậy đối với học sinh và sinh viên học tập tại các trường đại học và cao đẳng còn được hưởng chính sách phụ cấp từ nhà nước. Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng khẳng định tất cả trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo đều phải bắt buộc đến trường và nhà nước cũng đài thọ hoàn toàn mọi chi phí cho học sinh ở cấp học này (điều 49). Tại điều 56 của Hiến pháp cũng khẳng định nhà nước duy trì hệ thống dịch vụ y tế hoàn toàn miễn phí và nhà nước có trách nhiệm đào tạo một đội ngũ bác sỹ cũng như những nhân viên y tế đủ mạnh để đảm bảo việc chăm lo đời sống sức khỏe cho nhân dân. Nhìn chung trong chương chế độ văn hóa – xã hội và giáo dục này Hiến pháp cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên đặc biệt nhấn mạnh hệ tư tưởng "Joo-cheh" (con người là chủ của tất cả mọi thứ và quyết định tất cả mọi thứ), vì vậy có thể nói xuyên suốt trong tất cả các chương điều của Hiến pháp nói chung và của chương thứ 3 nói riêng thì yếu tố con người luôn được đặc biệt quan tâm.
Chương 4. Bảo vệ tổ quốc (National Defense)
Ngay tại điều đầu tiên của chương (điều 58), Hiến pháp xác định quốc phòng là sự nghiệp của toàn dân; và nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang Triều Tiên là bảo vệ nhà nước; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ các lợi ích của nhân dân (điều 60). Nhà nước thực hiện chính sách không ngừng hiện đại hóa quốc phòng cũng như tăng cường tính kỷ luật trong quân đội (điều 61).
Chương 5. Quyền và nghĩa vụ của công dân (Fundamental Rights and Duties of Citizens)
Hiến pháp cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khẳng định công dân Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên sẽ được bảo vệ ở tất cả mọi nơi trên thế giới (điều 61), và các quyền và nghĩa vụ cụ thể của từng công dân được xây dựng và xác định dựa trên cơ sở quyền lợi chung của cả cộng đồng và xã hội theo đúng nguyên tắc một người vì mọi người, mọi người vì một người (điều 62). Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng khẳng định tất cả mọi công dân đều bình đẳng và nhà nước không thừa nhận sự phân biệt đối xử đối với bất cứ thành phần dân cư nào; các quyền tự do và dân chủ luôn được nhà nước bảo đảm và khuyến khích (điều 64,65). Hiến pháp tại điều 66 xác định độ tuổi để công dân có thể thực thiện quyền chính trị cơ bản của mình (quyền bầu cử) là 17 và cũng như Hiến pháp Việt Nam thì vấn đề dân tộc, tôn giáo cũng như trình độ… không được coi là yếu tố ảnh hưởng đến quyền chính trị cơ bản này; việc hạn chế quyền bầu cử của công dân chỉ có thể được thực hiện bởi một quyết định của cơ quan Tòa án.
Một trong những quyền rất quan trọng của công dân đó là quyền tự do báo chí, ngôn luận cũng như lập hội cũng được nhà nước thừa nhận và bảo hộ tại điều 67 của Hiến pháp. Hiến pháp Triều Tiên cũng xác định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân tuy nhiên các hoạt động tôn giáo chỉ được coi là hợp pháp nếu nó có được sự chấp thuận từ phía nhà nước; không ai được phép lợi dụng tôn giáo như là một lý do để làm ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của nhà nước và xã hội (điều 68); quyền khiếu nại và tố cáo của công dân cũng là một quyền quan trọng và nó được nhà nước bảo vệ, Hiến pháp cũng quy định vấn đề giải quyết các khiếu nại cũng như tố cáo của công dân phải được tiến hành một cách nhanh chóng và theo đúng các quy định của pháp luật (điều 69).
Công dân có quyền có việc làm, có quyền tự quyết định để lựa chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp với trình độ và khả năng của mình, nhà nước có trách nhiệm cung cấp cho công dân một việc làm ổn định với những điều kiện làm việc hợp lý, nhà nước có chế độ đãi ngộ đối với công sức mà công dân đã bỏ ra theo đúng những thành quả lao động của mình (điều 70). Công dân ngoài thời gian làm việc thì có quyền nghỉ ngơi để phục hồi khả năng lao động vì vậy nên Hiến pháp quy định rõ quyền của công dân được nghỉ trong các ngày lễ cũng như chế độ nghỉ dưỡng tại các cơ sở của nhà nước (điều 71); Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng khẳng định quyền được chăm sóc sức khỏe của công dân tại điều 71 bằng những quy định công dân có quyền được thụ hưởng miễn phí tất cả các dịnh vụ y tế; người tàn tật, người già và trẻ em được nhà nước chăm sóc; điều 71 cũng khẳng định nhà nước sẽ tập trung chăm lo đến hệ thống an sinh xã hội, tập trung đầu tư cho các bệnh viện và các trường học vì vậy tại điều 72 khẳng định công dân có quyền được học tập tại tất cả các nhà trường mà không phải trả bất kỳ một khoản chi phí nào. Hiến pháp cũng khẳng định bảo hộ quyền nghiên cứu và sáng chế của công dân bằng cách bảo vệ triệt để vấn đề tác giả trên các lĩnh vực.
Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng đã ghi nhận quyền tự do đi lại và cư trú của công dân tại bất cứ đâu trên lãnh thổ tại điều 75. Vấn đề nhân đạo cũng được Hiến pháp đề cập tới như là một trong những vấn đề cơ bản và quan trọng, thể hiện được bản chất tốt đẹp của nhà nước qua quy định tại điều 76 với quy định nhà nước sẽ tạo những điều kiện tốt nhất cho những người có công với nước cũng như gia đình các thương binh, liệt sỹ và người tàn tật.
Vấn đề bình đẳng nam nữ cũng được Hiến pháp đề cập tại điều 77 Hiến pháp bằng quy định phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới về các lĩnh vực trong đời sống chính trị xã hội; nhà nước cũng khẳng định vấn đề hôn nhân và gia đình được bảo hộ bằng quy định tại điều 78 của Hiến pháp.
Công dân được nhà nước bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, không ai có thể bị bắt nếu pháp luật không cho phép (điều 79); và cũng như các bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa, Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên quy định quyền cư trú chính trị đối với những người nước ngoài đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội cũng như là sự tiến bộ của khoa học… mà bị bức hại thì sẽ được xem xét việc cho cư trú.
Chương 6. Bộ máy Nhà nước (The Structure of the State)
Phần 1: Quốc Hội (The Supreme People 's Assembly )
Ngay tại điều 87(điều đầu tiên của chương thứ 6) đã khẳng định cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên chính là Quốc hội Triều Tiên; và Quốc hội Triều Tiên là cơ quan có quyền lập pháp, tuy nhiên không giống như quy định của Hiến pháp Việt Nam chỉ dành riêng quyền lập pháp cho một mình Quốc hội (Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp), Hiến pháp Triều Tiên tại điều 88 quy định trong thời gian Quốc hội không họp thì Đoàn chủ tịch của Quốc hội[2] cũng có quyền lập pháp. Cũng như đa phần các Quốc hội khác trên thế giới, Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng được cử tri cả nước bầu ra theo 4 nguyên tắc đó là phổ thông – bình đẳng – trực tiếp và bỏ phiếu kín (điều 89); nhiệm kỳ của Quốc hội theo quy địnhcủa Hiến pháp là 5 năm ( Quốc hội hiện nay của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là Quốc hội khóa 13 ; Nhiệm kỳ 2009 – 2114), tuy nhiên nhiệm kỳ của Quốc hội cũng có thể được rút ngắn hay kéo dài tùy thuộc vào quyết định Đoàn chủ tịch Quốc hội (điều 90). Theo quy định của Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên tài điều 91, thì Quốc hội có những nhiệm vụ quyền hạn như: Sửa đổi bổ sung Hiến pháp, Luật; quyết định các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; bầu chủ tịch Hội đồng quốc phòng[3]; bầu Thủ tướng Chính phủ; bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; quyết định việc phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước Quốc tế….
Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên họp thường kỳ 2 lần 1 năm, ngoài ra cũng có thể triệu tập kỳ họp bất thường nếu khi có yêu cầu từ phía 1/3 tổng số đại biểu hoặc từ phía đoàn chủ tịch[4] (điều 92).
Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng khẳng định các đạo luật chỉ thực sự được thông qua với sự đồng thuận của hơn ½ tổng số đại biểu Quốc hội và tỷ lệ đó là 2/3 đối với Hiến pháp (điều 97); để giúp việc cho Quốc hội, Quốc hội Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên thành lập ra các cơ quan chuyên môn như Ủy ban pháp luật; Ủy ban ngân sách…, thành phần của các Ủy ban này gồm có Chủ tịch, các Phó chủ tịch và các thành viên (điều 98). Điều 99 của Hiến pháp quy định các bảo đảm dành cho Đại biểu Quốc hội như quyền bất khả xâm phạm về thân thể, Hiến pháp quy định rõ không thể bắt đại biểu Quốc hội nếu không có sự đồng ý của Quốc hội và trong thời gian Quốc hội không họp thì chỉ được phép bắt Đại biểu khi có sự đồng ý của Đoàn chủ tịch Quốc hội trừ trường hợp phạm tội quả tang (flagrant offence)
Phần 2: Hội đồng Quốc phòng[5] (The National Defense Commission)
Hội đồng quốc phòng là cơ quan lãnh đạo quân sự cao nhất của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; Thành phần của Hội đồng Quốc phòng gồm có Chủ tịch, Phó chủ tịch thứ nhất, Phó chủ tịch và các thành viên; Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng đồng thời là tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang của đất nước (điều 100,101,102).
Quyền hạn của hội đồng Quốc phòng được quy định tại điều 103 của Hiến pháp, bao gồm các nhiệm vụ như: Xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang toàn quốc; thành lập hoặc giải tán các cơ sở đào tạo Quốc phòng; bổ nhiệm cũng như cách chức các tướng lĩnh trong quân đội… (điều 103)
Phần 3: Đoàn chủ tịch Quốc hội[6] (The SPA Presidium)
Hiến pháp xác định Đoàn chủ tịch là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong thời gian Quốc hội không họp; thành viên của Đoàn chủ tịch Quốc hội bao gồm: Chủ tịch, Phó chủ tịch, Tổng thư ký và các thành viên. Ngoài ra Đoàn chủ tịch Quốc hội có thể bổ nhiệm một số Phó chủ tịch danh dự, những người này có thể là đại biểu Quốc hội hoặc không phải là Đại biểu Quốc hội nhưng có sự đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc (điều 106,107,108).
Đoàn chủ tịch Quốc hội có những nhiệm vụ quyền hạn cụa thể được quy định tại điều 110 của Hiến pháp; cụ thể có 17 nhiệm vụ quyền hạn trong đó có những nhiệm vụ cơ bản như:
Triệu tập các phiên họp của Quốc hội;
Thẩm tra và phê duyệt các kế hoạch về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước;
Giải thích Hiến pháp và pháp luật;
Bổ nhiệm thủ tướng chính phủ cũng như các Phó thủ tướng Chính phủ cũng như các Bộ trưởng;
Bầu các Thẩm phán của Tòa án nhân dân tối cao;
Quyết định các vấn đề mang tính đối ngoại của đất nước…
Chủ tịch Đoàn chủ tịch Quốc hội chủ trì phiên họp của Đoàn chủ tịch và cuộc họp được tiến hành bởi tất cả các thành viên của Đoàn chủ tịch như là Phó chủ tịch, thư ký và các thành viên (điều 112)
Phần 4: Chính phủ (Cabinet)
Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất[7]; và chức năng chủ yếu của Chính phủ là quản lý nhà nước nói chung (điều 117). Thành phần của Chính phủ gồm có : Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác (điều 118). Nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ được quy định tại điều 119 gồm có các nhiệm vụ cơ bản như ban hành, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật; thành lập cũng như giải tán một số cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp cũng như được phép áp dụng các biện pháp cần thiết để cải thiện cơ cấu kinh tế của đất nước; áp dụng các biện pháp để củng cố và phát triển hệ thống ngân hàng…
Thủ tướng chính phủ là người đại diện cho Chính phủ của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, cũng như phải chịu trách nhiệm về hoạt động của chính phủ (điều 120)
Phần 5: Hội đồng địa phương (Local People's Assembly)
Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên gồm hai thành phố trực thuộc quản lý trực tiếp của chính phủ,ba vùng đặc biệt với các chức năng khác nhau, và chín tỉnh[8]
Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khẳng định Hội đồng địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính của Triều Tiên và là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao tại các địa phương; các đại biểu của Hội đồng nhân dân địa phương cũng được bầu theo 4 nguyên tắc đó là phổ thông, bình đẳng , trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các hội đồng này có nhiệm kỳ là 4 năm (điều 131,132,133,134).
Hội đồng nhân dân địa phương có những nhiệm vụ và quyền hạn cơ bản như lên kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ về phát triển kinh tế tại địa phương; tổ chức việc thực hiện thu cho ngân sách tại địa phương mình; bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch của Ủy ban nhân dân cùng cấp[9]; tổ chức việc thực hiện và áp dụng pháp luật trên lãnh thổ mà mình quản lý; bầu các thẩm phán của Tòa án nhân dân địa phương cũng như Hội thẩm và hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Ủy ban cấp dưới (điều 134). Hội đồng địa phương họp định kỳ một năm từ một đến hai lần, ngoài ra nếu theo yêu cầu của tối thiểu 1/3 đại biểu thì cũng có thể triệu tập kỳ họp bất thường (điều 135).
Phần 6: Ủy ban nhân dân địa phương (Local People's Committee)
Điều 139 của Hiến pháp quy định, tương ứng với cách thức tổ chức Hội đồng nhân dân ở các địa phương, thì Ủy ban nhân dân cũng được tổ chức một cách tương ứng; thành phần Ủy ban nhân dân gồm có Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, Thư ký và các thành viên Ủy ban; Nhiệm kỳ của ủy ban nhân dân bằng với nhiệm kỳ của Hội đồng địa phương (điều 140).
Ủy ban nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại điều 141 của Hiến pháp; bao gồm một số nhiệm vụ cơ bản như: Chuẩn bị cho công tác bầu cử tại địa phương; tổ chức thực hiện pháp luật tại địa phương; thực hiện Nghị quyết của Hội đồng ; thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương mình…
Hình thức hoạt động quan trọng nhất của Ủy ban là kỳ họp (điều 142), kỳ họp được tiến hành với tất cả thành viên của ủy ban dưới sự điều hành của Chủ tịch Ủy ban, các Phó Chủ tịch và thư ký. Các Ủy ban có thành lập một số Ủy ban không thường trực để giúp ủy ban thực hiện một số công việc cụ thể (điều 145)
Phần 7: Văn phòng công tố và Tòa án (the court and the public prosecutors office)
Điều 147 – Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên quy định về cơ cấu Tòa án bao gồm: Tòa án tối cao; tòa án cấp Tỉnh và tương đương; Tòa án cấp Huyện và tương đương và Tòa án đăc biệt. Nhiệm kỳ của Tòa án bằng với nhiệm kỳ của cơ quan đại diện. Nhiệm vụ chính của Tòa án là xét xử các hành vi vi phạm pháp luật; bảo vệ chế độ nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng như bảo đảm cuộc sống của nhân dân (điều 156); các phiên tòa tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên được tiến hành bởi một hội đồng xét xử bao gồm ba người trong đó có một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân; tuy nhiên Hiến pháp cũng quy định rõ trong trường hợp đặc biệt thì thành phần Hội đồng xét xử có thể chỉ có ba thẩm phán (điều 157).
Hoạt động xét xử của các Tòa án tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên được xét xử theo nguyên tắc công khai; tuy nhiên trong những trường hợp cụ thể thì Tòa án vẫn có thể xét xử kín; ngôn ngữ được sử dụng tại Tòa là tiếng Triều Tiên; tuy nhiên người nước ngoài có quyền sử dụng ngôn ngữ của nước mà họ mang quốc tịch khi tham gia tố tụng tại tòa. Tòa án của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cũng như Tòa án của Việt Nam luôn coi nguyên tắc độc lập là một trong những nguyên tắc hoạt động cơ bản của mình (điều 158,159,160).
Tòa án trung ương là Tòa án tối cao của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; đây cũng là cơ quan xét xử cao nhất của đất nước. Ngoài hoạt động xét xử thì Tòa án trung ương còn có quyền giám sát hoạt động của tất cả các Tòa án dưới nó (điều 161)
Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên khẳng định chức năng điều tra và truy tố được dành cho cho Văn phòng công tố[10]; Nhiệm kỳ của các văn phòng công tố cũng giống như nhiệm kỳ của Tòa án đó là giống như nhiệm kỳ của các Hội đồng địa phương.
Các văn phòng công tố có những nhiệm vụ cụ thể được quy định tại điều 150 của Hiến pháp như: Giám sát các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan nhà nước ban hành đảm bảo rằng các văn bản này hoàn toàn phù hợp với pháp luật do Quốc hội ban hành; cũng như phù hợp với các văn bản do cơ quan quyền lực nhà nước ban hành (bảo đảm tính thống nhất của pháp luật)
Các văn phòng công tố thực hiện thẩm quyền điều tra dưới sự chỉ dạo và kiểm soát chặt chẽ của văn phòng công tố Trung ương (điều 151).
Chương 7. Quốc kỳ; Quốc ca; Quốc huy; Thủ đô (National Emblem, Flag, National Anthem and Capital)
Điều 163 quy định về Quốc huy của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên ; điều 164 quy định về Quốc kỳ của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; điều 165 quy định về Quốc ca của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên; điều 166 quy định về Thủ đô của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên





[1] Khu công nghiệp Kaesŏng (Khai Thành)
[2] Tương tự như Ủy ban thường vụ Quốc hội của Việt Nam
[3] Chủ tịch Hội đồng quốc phòng là một trong những chức danh quan trọng nhất trong nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, hiện do ông Kim Chính Nhật “Kim Jong-il”nắm giữ, ông đồng thời là Chủ tịch đại hội nhân dân tối cao (Ở Triều Tiên không còn tồn tại chức danh Chủ tịch nước sau khi lãnh tụ Kim Nhật Thành chết vào năm 1994; Hiến pháp Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên gọi Kim Nhật Thành là Chủ tịch vĩnh viễn), Tổng thư ký Đảng công nhân Triều Tiên – Đảng duy nhất tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên
[4] Quốc hội họp hai kỳ một năm, mỗi kỳ chỉ kéo dài vài ngày; thường thì nó chỉ phê chuẩn những quyết định do đảng Công nhân Triều Tiên đưa ra.
[5] Bộ máy nhà nước CHDCNDTT là bộ máy Hành chính – Quân sự vì vậy Hội đồng Quốc phòng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng
[6] Xem chú thích 2
[7] Giống như vị trí của Chính phủ Việt Nam theo quy định của Hiến pháp Việt Nam 1980
[8] Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có hai thành phố trực thuộc trung ương là Bình NhưỡngRasŏn (La Tiên)
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có 3 đặc khu: Khu công nghiệp Kaesŏng (Khai Thành), Khu du lịch Kŭmgangsan (Kim Cương Sơn) và Đặc khu hành chính Sinŭiju (Tân Nghĩa Châu).
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên có 9 tỉnh
· Chagang (Từ Giang đạo)
· Hamgyŏng-puk (Hàm Kính Bắc đạo)
· Hamgyŏng-nam (Hàm Kính Nam đạo)
· Hwanghae-puk (Hoàng Hải Bắc đạo)
· Hwanghae-nam (Hoàng Hải Nam đạo)
· Kangwŏn (Giang Nguyên đạo)
· P'yŏngan-puk (Bình An Bắc đạo)
· P'yŏngan-nam (Bình An Nam đạo)
· Ryanggang (Lưỡng Giang đạo)
[9] Đơn vị hành chính của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên là: Nước chia thành Tỉnh; Tỉnh chia thành Huyện; Huyện chia thành Hạt.
[10] Cơ cấu của Văn phòng công tố tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên bao gồm:
- Văn phòng công tố Trung ương
- Văn phòng công tố các Tỉnh
- Văn phòng công tố các Huyện
- Văn phòng công tố đặc biệt